(Baonghean) - Trong thời gian qua, trong các hội nghị chuyên ngành hay trên các diễn đàn, người ta nói nhiều về vấn đề cải cách tư pháp như là một đòi hỏi khách quan, cấp thiết đang đặt ra trong thực tế cuộc sống. Và trong hoạt động tư pháp, một trong những yêu cầu không thể thiếu là sự khách quan, vô tư, công bằng và chỉ tuân theo pháp luật.
Hoạt động của các cơ quan tư pháp ở ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giải quyết tốt những tranh chấp trong xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên. Nhưng bên cạnh đó, hoạt động này cũng bộc lộ không ít mặt hạn chế, yếu kém, dẫn tới những sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng và rất khó sửa chữa, khắc phục.
Điển hình là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bị kết án oan về tội giết người từ năm 2003 và mãi tới ngày 4/11/2013, nghĩa là tròn 10 năm thụ án, ông mới được lãnh đạo Viện KSND tối cao, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án và hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an), Viện KSND tỉnh Bắc Giang công bố quyết định tạm đình chỉ thi hành án. Và như dân gian đã nói “chờ được vạ thì má đã sưng”, 10 năm chịu cảnh oan trái, không chỉ danh dự, nhân phẩm của cá nhân ông bị xâm hại mà cả gia đình từ vợ, con cho đến người thân trong dòng tộc của ông cũng phải sống trong tủi nhục.
Không gì có thể bù đắp lại được những mất mát về vật và nhất là về tinh thần mà ông và gia đình phải gánh chịu trong suốt ngần ấy thời gian. Vụ án oan này làm choáng váng dư luận trong nước, chấn động ra cả nước ngoài. Và nguy hiểm hơn cả là những vụ việc oan, sai tương tự nếu xảy ra quá nhiều, quá nghiêm trọng sẽ xói mòn lòng tin của người dân đối với chế độ, dẫn đến những phản ứng vượt ra khỏi tầm kiểm soát, gây bất ổn xã hội.
Vì thế, khi nói về cải cách tư pháp, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX đã khẳng định: Cải cách tổ chức, nâng cao chất lượng và hoạt động của các cơ quan tư pháp, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan và cán bộ tư pháp trong công tác điều tra, bắt, giam giữ, truy tố, xét xử, thi hành án, không để xảy ra những trường hợp oan sai. Do đó, cải cách tư pháp cần chú trọng nhiều đến việc phòng chống oan, sai trong tố tụng hình sự (TTHS). Và để phòng chống oan, sai trong TTHS đạt hiệu quả cao thì trước hết phải nhận diện được nguyên nhân dẫn đến oan, sai để có các giải pháp phòng chống hiệu quả. Và đây cũng chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cải cách tư pháp hiện nay ở nước ta. Theo kết quả điều tra, nghiên cứu của các chuyên gia về tư pháp, thì có năm nguyên nhân dẫn đến oan, sai trong TTHS.
Thứ nhất, do các quy định của pháp luật hình sự và pháp luật TTHS chưa chặt chẽ và chưa hoàn thiện. Đây được coi là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng oan, sai trong TTHS do còn nhiều quy định chưa rõ ràng, chưa chặt chẽ và chưa đầy đủ, chưa có văn bản hướng dẫn thống nhất và xác định rõ ranh giới giữa tội phạm và không phải là tội phạm, với vi phạm pháp luật hành chính, dân sự, kinh tế…
Thứ hai, do năng lực chuyên môn, nghiệp vụ non, yếu, kiến thức pháp luật chưa vững của một số người tiến hành tố tụng. Từ đó dẫn đến lúng túng, phán đoán phiến diện, một chiều nên đánh giá vụ án đã không căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm để xem xét hành vi của bị can; không nắm hết tất cả các quy định có liên quan đến các yếu tố cấu thành tội phạm này.
Thứ ba, do chưa bảo đảm thực hiện tốt và đầy đủ nguyên tắc độc lập của tòa án và của các cơ quan và người tiến hành tố tụng khác. Điều này có nghĩa là khi xét xử, điều cốt yếu là, tòa án độc lập, không bị ràng buộc hay bị chi phối bởi ý kiến của ai hay quan điểm của bất cứ cơ quan nào.
Thứ tư, do sự cố ý vi phạm pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa, vi phạm nguyên tắc công bằng của pháp luật. Có thể nói, đây là nguyên nhân sâu xa và gắn liền với những yếu tố “tiêu cực” khác trong hệ thống hay là do “bệnh thành tích” gây ra. Thứ năm, do các nhóm nguyên nhân chủ quan và khách quan tác động đến. Việc kết án oan cho công dân Nguyễn Thanh Chấn như đã đề cập ở trên, nhiều khả năng là do nguyên nhân thứ hai và thứ tư gây nên.
Giải pháp khắc phục các nguyên nhân đó được các chuyên gia đưa ra, bao gồm: Tiếp tục hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật TTHS hiện hành, cũng như ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn đầy đủ những quy định chưa thống nhất để phục vụ thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Đi cùng với đó là nâng cao năng lực chuyên môn, nghề nghiệp, kiến thức pháp luật, bản lĩnh chính trị, đạo đức của những cán bộ tư pháp, đặc biệt là những người tiến hành tố tụng.
Bảo đảm thực hiện tốt và nghiêm chỉnh nguyên tắc độc lập của tòa án, các cơ quan và người tiến hành tố tụng. Đổi mới công tác của Viện Kiểm sát trong TTHS và dân chủ hóa hoạt động TTHS để bảo đảm tranh tụng dân chủ trong TTHS, nhằm tôn trọng và bảo vệ quyền công dân. Đây là bước đi cơ bản để khắc phục tệ quan liêu trong TTHS, cũng như phục vụ yêu cầu dân chủ, bình đẳng trong TTHS có sự tham gia, giám sát của xã hội đối với hoạt động TTHS của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Tập trung thực hiện tốt các giải pháp đó để từng bước hạn chế và tiến tới loại bỏ triệt để các yếu tố, nguyên nhân dẫn đến những oan, sai trong TTHS chính là một trong những bước đi cơ bản, quan trọng để công cuộc cải cách tư pháp đi tới thành công.
Duy Hương