(Baonghean) - Tình trạng cháy nổ xe ô tô đang thật sự đáng lo ngại khi các chủ xe chưa quan tâm đến công tác phòng, chống cháy nổ, cơ quan chức năng chưa có biện pháp quyết liệt để ngăn ngừa, xử phạt.

Cháy nổ liên tục

2 giờ sáng 31/10/2016, xe khách 24 chỗ mang BKS 37B - 005.80 của anh Hồ Văn Nghĩa (xã Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu) đang đậu trước cổng nhà thì bốc cháy dữ dội. Ngay sau đó, chủ xe cùng người dân địa phương nhanh chóng sử dụng thiết bị chữa cháy có sẵn tiến hành dập lửa. Tuy nhiên, do ngọn lửa bùng cháy dữ dội nên sau hơn 2 giờ, chiếc xe bị cháy rụi hoàn toàn, chỉ trơ lại khung sắt.

images1854680_images1854270_bna_58cfa7bbac178.jpgChiếc xe khách 24 chỗ của anh Hồ Văn Nghĩa (huyện Quỳnh Lưu) bị cháy trơ khung vào ngày 31/10/2016. Ảnh: Phương Thảo

Hai tháng sau, vào ngày 13/12/2016, trên Quốc lộ 48 đoạn qua xã Tam Hợp (Quỳ Hợp) tiếp tục xảy ra vụ cháy xe tải mang BKS 37C-11846 do anh Quán Vi Ánh (SN 1985) điều khiển. Sự cố xảy ra vào lúc 4 giờ 27 phút sáng, lại ở địa bàn miền núi nên công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn; ước tính thiệt hại hơn 200 triệu đồng.

Hay gần đây nhất, vào ngày 3/1/2017, anh Nguyễn Đình Tùng đang điều khiển chiếc xe tải lưu thông trên đường tránh TP. Vinh thì phần cabin xuất hiện khói, chỉ sau đó vài giây ngọn lửa đã bốc cao. Dù may mắn thoát nạn nhưng vụ cháy đã khiến anh Tùng thiệt hại gần 100 triệu đồng do phía trước của xe bị cháy rụi.

Theo thống kê của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh Nghệ An, chỉ tính riêng từ ngày 21/12/2015 - 15/2/2017, trên toàn địa bàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ cháy nổ xe ô tô, gây thiệt hại về tài sản khoảng 1,576 tỷ đồng. Sau khi điều tra, cơ quan chức năng xác định có 13 vụ nguyên nhân là do chập hệ thống điện trên xe, 1 vụ cháy xảy ra sau va chạm tai nạn giao thông, 1 vụ do sơ suất trong quá trình sử dụng nguồn nhiệt. 

Ông Nguyễn Quý Khánh - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Nghệ An cho biết, nhiều xe khi đưa vào sử dụng, chủ xe ô tô đã tự ý độ chế, lắp thêm các thiết bị điện không đúng với thiết kế của nhà sản xuất như ti vi, tủ lạnh mini, đầu phát wifi, ổ điện cho khách sạc điện thoại... Một số xe còn lắp thêm bảng chữ điện tử khá bắt mắt phía kính trước của xe đề tuyến chạy, tên nhà xe…

Kiểm tra an toàn kỹ thuật xe ô tô ở Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Nghệ An. Ảnh: Phương Thảo

Ngoài ra, nhiều xe còn được trang bị cả hệ thống đèn led chạy dọc hai bên thành xe để trang trí. Những thiết bị “phát sinh” này tuy hữu ích với người sử dụng nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ chập, cháy hệ thống điện. Tuy nhiên, không phải chủ xe nào cũng ý thức được sự nguy hiểm này. 

Ông Nguyễn Qúy Khánh cho biết thêm, trung bình mỗi năm tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Nghệ An tiến hành kiểm định khoảng 30.000 lượt xe ô tô chỉ có khoảng 80% xe được kiểm định đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật để hoạt động. Song, trong số những xe đạt điều kiện thì chưa hẳn khi lưu thông trên đường đều đảm bảo an toàn. Bởi, trước khi đưa xe đến trung tâm để kiểm định, các chủ phương tiện đều tháo dỡ các thiết bị gắn thêm, trả về nguyên trạng ban đầu để “qua mặt” cơ quan chức trách. 

Chủ xe thờ ở, quản lý yếu kém

Một số nguyên nhân gây cháy, nổ xe ô tô khác được các chuyên gia kỹ thuật chỉ ra là việc sử dụng khoang xe, cốp xe để chở những vật liệu dễ cháy nổ như bình ga mini, bật lửa, điện thoại di dộng, máy tính xách tay, máy ảnh, nước hoa, keo xịt tóc…, khi xe vận hành đường dài dưới thời tiết nắng nóng, nhiệt độ trong cốp xe có thể lên tới 60 - 700C thì càng dễ gây ra cháy nổ. Một số trường hợp khác, việc đổ đèo dài rà phanh liên tục cũng có thể gây mất phanh, cháy xe. 

Khi được hỏi về tác hại của việc đấu nối thêm thiết bị trên xe, các chủ xe đều cho rằng không gây ảnh hưởng đến an toàn của xe. Chính sự chủ quan của nhiều chủ xe khách đã làm gia tăng nguy cơ mất an toàn về cháy nổ. Và đặc biệt, đối với những xe khách giường nằm đang chở lượng lớn hành khách trên xe, khi có sự cố xảy ra thì hậu quả sẽ rất lớn. 

Anh Nguyễn Văn Trung - chủ xe khách giường nằm chạy tuyến Vinh - Hà Nội cho biết: “Dù các thiết bị này có thể gây chập điện nhưng trong khi các xe khác đều có mà xe của mình không có để đáp ứng nhu cầu cho hành khách thì không thể cạnh tranh để kinh doanh được”.

Mặc dù hiểu rõ các nguyên nhân gây ra cháy nổ xe ô tô nhưng việc chủ động ngăn ngừa vẫn chưa được các chủ phương tiện quan tâm. Cùng với đó, công tác kiểm tra, kiểm soát, xử phạt khi phát hiện của cơ quan chức năng chưa đủ sức răn đe.

Đặt câu hỏi đối với lực lượng Thanh tra giao thông về vấn đề này, một cán bộ Thanh tra giao thông của Sở Giao thông Vận tải Nghệ An cho biết, cho đến nay vẫn chưa tiến hành xử phạt trường hợp nào có sử dụng, lắp đặt các thiết bị không đúng quy chuẩn kỹ thuật xe. Lực lượng thanh tra có kiểm tra nhưng khi phát hiện chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở. 

Kiểm xe cơ giới Nghệ An kiểm tra hệ thống phanh của xe tải. Ảnh: P.T

Hiện nay, số lượng xe ô tô của người dân ngày càng gia tăng. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn Nghệ An có 91.000 xe ô tô đăng ký. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc phòng, chống cháy nổ phương tiện xe ô tô, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Do đó, trước hết chính bản thân chủ các phương tiện phải nâng cao ý thức chấp hành luật, hiểu phương tiện để sử dụng đúng cách.

Đại tá Vũ Ngọc Duệ - Trưởng phòng Tham mưu, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh Nghệ An khuyến cáo, các chủ phương tiện cần thường xuyên bảo dưỡng và phát hiện sớm những bất thường của xe; tuyệt đối không tự ý lắp ráp nội thất xe trái với thiết kế. Ngoài ra, khi rời khỏi xe cần tắt máy, kiểm tra các nguồn điện và phải trang bị bình chữa cháy xách tay để kịp thời xử lý khi xảy ra sự cố cháy nổ.

Trước tình trạng cháy nổ ô tô gia tăng, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra, rà soát lại các điều kiện về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và các điều kiện về cơ sở hạ tầng giao thông đối với xe khách giường nằm. Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm kiên quyết không kiểm định đối với các xe khách giường nằm lắp đặt thêm các thiết bị điện tử không theo quy định, gây quá tải cho hệ thống điện của xe. Xử lý nghiêm đối với các tổ chức và cá nhân vi phạm.

Bộ GTVT cũng yêu cầu các Sở GTVT chỉ đạo lực lượng Thanh tra sở và các bến xe trên địa bàn, kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với việc xếp, dỡ hàng hóa, hành khách và các điều kiện về kỹ thuật của phương tiện trước khi cho xe xuất bến. Đặc biệt là những xe khách giường nằm chở theo hàng hóa dễ cháy, nổ, hàng hóa bị cấm... Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và không cho phép phương tiện xuất bến khi chưa đảm bảo các điều kiện về an toàn kỹ thuật.


Phương Thảo


TIN LIÊN QUAN