(Baonghean.vn) - Vấn đề bạo lực học đường được đăng tải trên chuyên mục: "Đại biểu HĐND nói, làm và lắng nghe" thời gian qua đã, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà quản lý các cấp, ngành. Báo Nghệ An tiếp tục đăng tải ý kiến của ông Nguyễn Minh Hạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương xung quanh vấn đề này.

Bạo lực học đường xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, và trách nhiệm cũng phải được nhìn nhận từ nhiều phía. Riêng đối với huyện Đô Lương, thời gian qua đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng, trong đó có công tác phòng, chống bạo lực học đường.


Huyện đã chỉ đạo thực hiện điểm về xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em tại 3 xã, tạo điều kiện cho các em sống và học tập trong môi trường an toàn, thân thiện, từ đó nhân rộng trong toàn huyện.


Tuy nhiên, công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, trong đó có bạo lực học đường vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm. Trước hết, công tác tuyên truyền, chăm sóc, bảo vệ trẻ em chưa thường xuyên, chưa khơi dậy và phát huy hết vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đoàn thể và của gia đình, trường học đối với công tác này. Đội ngũ cán bộ phụ trách công tác trẻ em cấp huyện và xã chưa đồng bộ và chưa đáp ứng yêu cầu. Về phía nhà trường vẫn chưa đầu tư đúng mức công tác giáo dục toàn diện kỹ năng sống cho các em.


Để công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, trong đó có bạo lực học đường chuyển biến tích cực hơn, góp phần hình thành nhân cách sống tốt đẹp cho các em thì cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của cấp ủy Đảng; sự điều hành, quản lý của chính quyền; sự phối hợp giữa các ngành, địa phương.

Tăng cường kiến thức và các kỹ năng thu thập, xử lý thông tin, kỹ năng can thiệp, tư vấn, trợ giúp đối với trẻ em bị bạo lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và tổ chức đoàn thanh niên, phụ nữ, kể cả các bậc làm cha, làm mẹ...

Đặc biệt, cần quan tâm tổ chức các lớp đào tạo, các hoạt động về kỹ năng sống cho các em độ tuổi vị thành niên. Một mặt, cần phải nhận thức rõ, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội, vì vậy các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các nhà trường và từng gia đình cần phải phối hợp đồng bộ để giảm dần tình trạng bạo lực học đường.

Hoa Thành (ghi)