Ông Trịnh Đình Dũng chọn phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất trên quỹ đất sẵn có của quân đội với vốn đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, xây dựng trong 3 năm.
Ngày 20/1, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng họp bàn với lãnh đạo các Bộ Quốc Phòng, Giao thông, Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, Sở Giao thông TP HCM để tìm giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Tại cuộc họp này, đơn vị tư vấn là Công ty Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC) thuộc Quân chủng Phòng không Không quân đã trình 3 phương án điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Theo phương án 3, đơn vị tư vấn đề xuất xây đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh và sân đỗ; cải tạo đường cất hạ cánh phía bắc hiện nay (đường 25L/07R); xây dựng nhà ga lưỡng dụng T3, công suất 10 triệu hành khách/năm, xây dựng nhà ga hành khách T4, công suất 10 triệu khách/năm ở khu vực phía nam sân bay hiện nay.
Phương án này sử dụng quỹ đất sẵn có của quân đội nên chi phí khoảng 19.700 tỷ đồng, thời gian xây dựng 3 năm, đảm bảo công suất từ 43-45 triệu hành khách/năm.
Lãnh đạo Sở Giao thông TP HCM báo cáo các phương án phân luồng, xây dựng 8 công trình giao thông tháo gỡ ùn tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất và các dự án thoát nước, chống ngập cho khu vực sân bay. Trong đó Bộ Quốc phòng đã thống nhất chủ trương, giao đất để Bộ Giao thông thực hiện đầu tư xây dựng hồ điều tiết khoảng 1,3 ha.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định việc điều chỉnh quy hoạch, nâng cấp cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là rất cấp bách, do đó các bộ, ngành, UBND TP HCM phải thực sự quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công. Phó thủ tướng cũng thống nhất đề nghị chọn phương án 3 trong các phương án nêu trên để sớm hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng trước ngày 25/2.
Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông chỉ đạo đơn vị tư vấn rà soát để hoàn chỉnh quy hoạch, trong đó bố trí khu vực kỹ thuật ở phía Bắc, đường lăn song song và đường lăn thoát nhanh, khu nhà ga hành khách, khu bến đỗ, hệ thống giao thông kết nối giữa sân bay với bên ngoài, hệ thống thoát nước. Đồng thời, chủ động phân định các dự án, xác định cơ cấu nguồn vốn đầu tư để mở rộng, nâng cấp sân bay.
“Hạng mục đường lăn, sân đỗ sử dụng vốn nhà nước, do doanh nghiệp nhà nước thực hiện; các hạng mục nhà ga hành khách, khu dịch vụ… kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hoá; các tuyến giao thông kết nối với bên ngoài thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư của UBND TP HCM”, Phó thủ tướng chỉ đạo.
Ông Dũng cũng giao UBND TP HCM triển khai tốt các dự án chống ùn tắc giao thông, đầu tư hạ tầng, kết nối từ trung tâm thành phố đến sân bay để tạo thuận lợi cho người dân.
Trước đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ra “đề bài” yêu cầu các cơ quan chức năng quy hoạch, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất đảm bảo 40-50 triệu hành khách/năm. Hiện công suất của sân bay Tân Sơn Nhất đến năm 2020 là 25 triệu hành khách, nhưng thực tế đang phải phục vụ 28 triệu lượt hành khách/năm.
Ngoài phương án 3, đơn vị tư vấn đã trình bày hai phương án: Phương án 1, xây dựng mới toàn bộ hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, nhà ga và các công trình phụ trợ trên diện tích khu vực sân golf phía bắc cảng hàng không và giải phóng thêm các khu vực dân cư xung quanh. Phương án này có thể nâng công suất sân bay lên khoảng 60 triệu khách/năm, nhưng mất từ 10 đến 15 năm xây dựng, giải toả hơn 140.000 hộ dân, chi phí dự kiến khoảng 200.000 tỷ đồng. Phương án 2 xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh hiện nay và sân đỗ; xây dựng đường lăn thoát nhanh và đường lăn song song giữa hai đường cất hạ cánh, cải tạo đường cất hạ cánh phía Bắc hiện nay; xây dựng nhà ga lưỡng dụng T3 và T4. Phương án này cần 61.000 tỷ đồng, thời gian xây dựng từ 8-10 năm, nâng công suất sân bay lên khoảng 43-45 triệu hành khách/năm. |
Theo VNE