(Baonghean.vn) - Tiếng máy may chạy rè rè, những cuộn chỉ đầy màu sắc, quần áo chất đầy xung quanh với những người thợ may đang miệt mài làm việc… đó là hình ảnh quen thuộc trên đường Đặng Thái Thân, TP. Vinh.

images1705952_img_6866.jpgMặc dù đồ may sẵn ngày nay có rất nhiều nhưng không phải lúc nào cũng vừa với khách. Đây cũng là lúc khách hàng cần đến bàn tay khéo léo của những người thợ may. Là một trong những con đường chuyên kinh doanh mặt hàng quần áo từ lâu ở thành phố Vinh nên nhu cầu sửa quần áo trên đường Đặng Thái Thân rất lớn.
Chị Ngô Thị Hiền Lương, một thợ may ở đây cho biết vào nghề đã hơn chục năm. Trước chị từng làm trong nhà máy may sau đó tách ra mở cửa hàng riêng, chuyên may, sửa quần áo.
Khách hàng chủ yếu đến để cắt gấu quần, thay phéc-mơ-tuya... còn đặt may thì ít hơn, chủ yếu là dân văn phòng hoặc lứa tuổi trung niên. Tùy vào yêu cầu của khách, độ cầu kỳ của quần áo mà người thợ sẽ đưa ra các mức giá khác nhau. Trung bình, tiền công người thợ nhận về cho mỗi lần sửa rơi vào khoảng từ 20.000 đồng đến vài trăm nghìn đồng.
Với những người thợ may ở đường Đặng Thái Thân, những ngày đông khách lên đến 20 - 30 người nhưng cũng có những ngày chỉ có vài ba người ghé qua. Tuy vậy, hầu như ngày nào thợ sửa quần áo đều có việc để làm, cho thu nhập đủ nuôi sống bản thân và gia đình.
Chị Lê Thị Hoài, một người thợ may có kinh nghiệm hơn 20 năm chia sẻ, làm nghề này rất cần sự khéo léo, tỉ mỉ nhưng đồng thời cũng phải nhanh và cần có thêm một chút chiều ý khách hàng. Bởi một khi làm đúng ý khách, làm đẹp thì chắc chắn vị khách đó sẽ hài lòng quay lại.
Những người thợ may chủ yếu làm việc từ 8 giờ sáng cho đến tận 6-7 giờ tối hoặc có thể muộn hơn sao cho kịp giao quần áo cho khách đúng hẹn.
Bất kỳ có vị khách nào ghé qua đều được các thợ may đo đạc, hỏi kỹ các yêu cầu hay tư vấn thêm về kiểu dáng trang phục cho phù hợp với gu thẩm mỹ và dáng người.
Không chỉ sửa lại quần áo sao cho hợp với dáng người, dưới bàn tay khéo léo, miệt mài của những người thợ may như anh Huy, chị Hoài, chị Lương... họ còn có thể khéo léo "biến cũ thành mới" với những chiếc áo da cũ kỹ...
Không chỉ đường Đặng Thái Thân, nhiều tuyến đường, con phố khác trên khắp thành phố Vinh vẫn có những người thợ may lặng lẽ cặm cụi bên chiếc máy khâu, chăm chút, tỉ mỉ sửa cho khách hàng từng đường kim mũi chỉ, làm đẹp cho từng chiếc áo, chiếc quần.

 

Chu Thanh

 

TIN LIÊN QUAN