cao_truong_sinhquoter2599405_682020.pngPGS.TS.BSCKII Cao Trường Sinh.

Ông sinh năm 1963, tại xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu. Năm 1988, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Thái Bình, được giữ lại trường giảng dạy. Tuy nhiên, với mong muốn được cống hiến cho quê hương, nên về công tác tại Bệnh viện Nhi Nghệ An. Sau đó, công tác tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh. Vừa tham gia chữa bệnh cứu  người, vừa làm công tác giảng dạy tại Trường Trung cấp Y Nghệ An...

Hiện nay, ông là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Vinh - Giám đốc Bệnh viện Trường ĐH Y khoa Vinh. Ông cũng là Ủy viên BCH Hội Tim mạch Quốc gia Việt Nam, thành viên Hội Tim mạch Đông Nam Á (FasCC), Hội Tim mạch Hoa Kỳ (FACC), thành viên Hội Tăng huyết áp thế giới...

Ngay khi trở về quê hương Nghệ An làm việc, giảng dạy, bác sĩ Cao Trường Sinh đã xác định phải nỗ lực xây dựng phong trào nghiên cứu khoa học tại Trường Trung cấp Y Nghệ An (nay là Trường Đại học Y khoa Vinh) nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của nhà trường.

Ông đã cùng với các cộng sự từng bước xây dựng và hoàn thiện giáo trình các môn học, công bố các đề tài nghiên cứu để phục phục vụ dạy học lý thuyết cũng như lâm sàng cho sinh viên. Một trong những đề tài nổi bật là xây dựng 80 bộ giáo trình cùng 80 bộ câu hỏi trắc nghiệm khách quan của các đối tượng giảng dạy Đại học và triển khai đánh giá bằng trắc nghiệm khách quan trên máy tính giúp các bộ môn, giảng viên có đủ bộ giáo trình giảng dạy và đánh giá, giảm được hàng ngàn giờ coi thi, chấm thi, giấy thi. Đề tài này được triển khai hiệu quả vào công tác giảng dạy, giúp tiết kiệm cho nhà nước khoảng 500 - 600 triệu đồng/năm. 

PGS.TS.BSCKII Cao Trường Sinh chia sẻ kinh nghiệm với y bác sỹ, sinh viên tại Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh.

Ngoài ra ông còn làm chủ nhiệm đề tài cấp cơ sở về điều tra tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường làm căn cứ để kiểm định chất lượng đào tạo và xây dựng kế hoạch đào tạo hàng năm. Thông qua các đề tài về giáo dục học, giáo dục Y học đã hướng dẫn các đồng nghiệp triển khai nhiều đề tài theo hướng nghiên cứu này, tạo ra phong trào nghiên cứu và các sản phẩm nghiên cứu đóng góp vào việc nâng cao chất lượng và phát triển nhà trường.

Ngoài việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, BS Cao Trường Sinh đã viết và biên soạn nhiều sách chuyên khảo, giáo trình phục vụ giảng dạy cho đối tượng đại học, sau đại học và đào tạo liên tục cho các bác sỹ ở các bệnh viện như: Kỹ thuật theo dõi huyết áp lưu động 24 giờ - Từ nguyên lý đến thực hành; Điện tâm đồ cơ bản, Giáo trình thần kinh học được xuất bản bởi các nhà xuất bản có uy tín…

PGS.TS.BSCKII Cao Trường Sinh thăm, khám cho bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh.

Trong những năm qua, ông đã chủ trì thực hiện 6 đề tài với nhiều sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh và nhiều đề tài cấp cơ sở có giá trị khoa học, có ý nghĩa thực tiễn: Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp phòng trị tự kỷ trẻ em dưới 6 tuổi tại Nghệ An; Một số giải pháp phát hiện sớm và điều trị chứng rối loạn tự kỷ cho trẻ em tại Nghệ An. Kết quả đề tài hiện đang được ứng dụng tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, cùng tại 7 huyện, thành trong tỉnh và nhân rộng trong toàn quốc…

Kết quả nghiên cứu của đề tài cũng là căn cứ quan trọng cho các trường mầm non, tiểu học, phát hiện sớm trẻ tự kỷ để có phương pháp giáo dục và phối hợp với phụ huynh và ngành y tế để giáo dục, phục hồi nhân cách tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em. Phương pháp và mô hình điều trị tự kỷ này hiện đang được áp dụng hiệu quả tại bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Đề tài đặc biệt này cũng góp phần đào tạo được hơn 400 giáo viên mầm non, xây dựng được mô hình và ứng dụng các phương pháp giáo dục thay đổi hành vi của trẻ tự kỷ; đào tạo phổ cập cho các cán bộ y tế các bệnh viện huyện, 185 sinh viên y khoa, 150 sinh viên mầm non, đặc biệt là đã điều trị cho 229 trẻ tự kỷ. Hai đề tài này đã được giải nhất Hội thi sáng tạo khoa học công nghệ Nghệ An năm 2017.

PGS.TS.BSCKII Cao Trường Sinh tham dự Hội nghị Tim mạch toàn quốc lần thứ 16 (tháng 11/2019).

Cùng với đó, ông thực hiện nhiều đề tài như: Thực trạng và một số giải pháp phòng và điều trị loãng xương ở người trên 40 tuổi tại thành phố Vinh tỉnh Nghệ An. Kết quả đề tài đã khám sàng lọc đo mật độ xương cho 2.065 người và đã xác định được tỷ lệ loãng xương ở người trên 40 tuổi ở thành phố Vinh là 39,6%, đề xuất và áp dụng các biện pháp đề phòng loãng xương và điều trị được 60 người loãng xương nặng, giảm được tỷ lệ gãy xương do loãng xương ở người trên 40 tuổi, đặc biệt là ở phụ nữ.

Đề tài hiện đang được áp dụng tại Bệnh viện trường Đại học Y khoa Vinh. Ngoài ra, có thể kể đến một số đề tài khoa học có tính ứng dụng cao như: Thực trạng tăng huyết áp tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An; Nghiên cứu điều trị thoái hóa khớp gối bằng huyết tương giàu tiểu cầu phối hợp với ghép tế bào gốc trung mô từ mô mỡ tự thân tại Nghệ An... Những đề tài này đã được Bộ Y tế cho phép triển khai và đang được thực hiện hiệu quả tại Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh với 30 bệnh nhân thoái hóa khớp. 

Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh với cơ sở vật chất khang trang hiện đại, luôn đặt bệnh nhân làm ưu tiên hàng đầu và đem lại môi trường khám, chữa bệnh thân thiện, những thiết bị y khoa hiện đại, phấn đấu xây dựng và trở thành bệnh viện: Uy tín – Niềm tin – Chất lượng.

Trong quá trình công tác ông cũng đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm có giá trị khoa học, ý nghĩa thực tiễn cao như: Nghiên cứu biến đổi huyết áp và hiệu quả điều trị của lercanidipine ở bệnh nhân nhồi máu não có tăng huyết áp bằng theo dõi huyết áp lưu động 24 giờ.

Sáng kiến này được áp dụng từ năm 2009 đến nay, hiện đang phát huy hiệu quả tại khoa Thần kinh Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, Trường Đại học Y khoa Vinh, khoa Thần kinh, khoa Tim mạch của nhiều bệnh viện trong toàn quốc. Sáng kiến  này đã được giải nhì Sáng tạo khoa học công nghệ cấp tỉnh năm 2015 và được tặng thưởng Bằng Lao động sáng tạo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Bên cạnh đó, có thể kể đến một số đề tài cấp cơ sở tiêu biểu, như: Đánh giá kết quả bước đầu tác dụng của Alasta trên bệnh nhân loãng xương; Nghiên cứu chỉ số cổ chân cánh tay, vận tốc sóng mạch ở bệnh nhân tăng huyết áp nguyên phát bằng máy VP Plus; Đánh giá kết quả bước đầu điều trị thoái hóa khớp gối bằng huyết tương giàu tiểu cầu tự thân... Các đề tài này hiện đang áp dụng, phát huy hiệu quả trong khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng điều trị và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc trung mô tự thân điều trị bệnh thoái hóa khớp gối.

Những hoạt động khoa học của BS Cao Trường Sinh trên các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Y học, khám chữa bệnh đã góp phần thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học tại Trường và Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh, góp phần vào sự phát triển chung của ngành y tế nói chung, vào sự nghiệp đào tạo cán bộ y tế của tỉnh Nghệ An nói riêng.

PGS.TS.BSCKII Cao Trường Sinh chia sẻ: “Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục cống hiến, tiếp tục thực hiện các đề tài nghiên cứu đang dang dở và thực hiện các đề tài mới dựa trên nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, phát triển khoa học kỹ thuật đặc biệt trong lĩnh vực Y học của tỉnh nhà nhằm  đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân”.

Với những thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu, giảng dạy và nhiều lĩnh vực khác, PGS.TS. BSCKII vinh dự là một trong những điển hình tiên tiến được vinh danh tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 - 2020.

PGS.TS. BSCKII Cao Trường Sinh đã được vinh danh bằng nhiều danh hiệu và phần thưởng xứng đáng:

- Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2015;

- Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2011;

- Nhiều Bằng khen, Bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND tỉnh;

- Nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm 2012, 2015.

- Năm 2017 ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc...