(Baonghean) - Bao nhiêu năm ở phố, tôi vẫn luôn nhận mình là 'đứa nhà quê lên tỉnh' và 'ở trọ thành phố' để học cách lớn lên, trưởng thành, để ăn ở với người, với đời… 

Tôi có anh bạn, lắm tài, nhưng lập dị. Quê Diễn Châu, 2 vợ chồng ra Hà Nội lập nghiệp. Cái nghiệp hơi to to thì đổ rầm. Nguyên nhân tôi chẳng muốn hỏi, vì lúc tôi gặp anh thì vợ chồng con cái đã chuyển về Vinh rồi.

Gia tài mang theo là lỉnh kỉnh máy ảnh loại to, loại bé, loại mới toanh, loại thì như bới được từ trong hàng đồng nát đưa về. Ấy thế mà anh nâng niu, giữ gìn, chăm chút có khi hơn cả…vợ. Cái đam mê của đàn ông, đôi khi khiến đàn bà thật ngậm ngùi ghen tỵ.

images1708884_bna_57f8ae430b617.jpgNhững đứa trẻ vui vầy trong xóm trọ đường Nguyễn Duy Trinh. Ảnh: Sách Nguyễn

Cả gia đình thuê nhà trọ ở năm này qua năm khác, trong khi bạn bè mua đất, xây nhà, hoặc tậu căn hộ chung cư… Hỏi anh, sao không kiếm một căn mà ở, thiếu tiền thì vay, dù sao cũng có cái nhà của mình. Anh cười: Anh thích thuê nhà trọ hơn, ở chung cư, mỗi lần đi về nhà mà cứ phải gửi xe và lấy xe, phiền phức! Anh ở trọ, già thì về quê, thế thôi! Chị cũng chẳng phàn nàn, mấy đứa con thì đang còn nhỏ, hoặc chúng bị ảnh hưởng bởi tính cách của bố mẹ, chỉ cần có chỗ chơi, chỗ học, chỗ ăn ngủ, là vui. 

Mà cũng lạ, cái thứ lập dị và khùng khùng lại “dễ lây”. Chẳng hiểu làm thế nào, mà anh “dụ” được cả 2 ông bạn, một người từ tận thủ đô, một người ở trên quê, đều công việc, nhà cửa, vợ con đề huề vào Vinh ở trọ ngay nhà bên cạnh.

Thật ra, 2 anh này công việc phải qua lại thành phố Vinh rất nhiều. Trước đây, mỗi lần vào làm việc chỉ thuê khách sạn ở vài ngày. Việc xong lại quay về nhà. Thế mà giờ lại thuê nhà ở hẳn luôn hàng tháng. Vợ con sốt ruột vào “kiểm tra” thì cũng bị vui lây. Thế là, lại để yên cho hai ông chồng ở Vinh, để thỉnh thoảng mẹ con cũng được vào chơi. Thật đúng là khó hiểu. 

Còn anh thì vẫn cứ tưng tửng vậy, bảo tôi: Hay mày chuyển qua xóm này mà ở luôn! Tôi chối bay chối biến, sợ mình rồi cũng bị lây những cái khùng khùng, dị dị...

Một dãy phòng trọ ở phường Hưng Dũng, TP. Vinh. Ảnh: Q.L

Thỉnh thoảng, tôi vẫn được gọi sang cái xóm trọ “vui nhất thành phố Vinh” ấy tụ tập ăn uống nhậu nhẹt. Cái cuộc sống tự làm mình vất vả, thiếu ổn định, chẳng an cư như lời nhiều người nói, vẫn cứ trôi qua êm ấm. Tôi cũng biết dưới mỗi mái nhà, là một câu chuyện đầy nhọc nhằn, lo lắng của cơm áo gạo tiền.

Cả anh, bạn anh và tôi nữa. Nhưng tôi thấy gian nhà chật ấy vẫn rộng mở đón bao nhiêu họ hàng ở quê vào, bao nhiêu bạn bè từ nơi xa đến ở lại. Cũng gian nhà ấy, anh cưu mang, nuôi một đứa em kết nghĩa suốt hàng tháng trời, khi nó sa cơ lỡ vận, không còn một xu dính túi… Nhà to hay nhà nhỏ, ở trọ hay là nhà “chính chủ”, thì cũng là một tấm lòng người thôi, phải không? 

Tôi cũng đi ở trọ, nhưng ngược lại, tôi đổi chỗ xoành xoạch. Mình có quyền, mình có sự lựa chọn mà! Mỗi nơi đến, tôi cũng chẳng nói chuyện, chẳng kết thân, chẳng quan tâm tận tình đến hàng xóm ra sao. Như điển hình cho lối sống thờ ơ, ích kỷ và bàng quan với mọi thứ xung quanh. Rồi tôi bắt đầu đi trên những con đường từ lạ đến quen. Nhớ từng góc phố, từng quán café, từng ngõ ngách, xó xỉnh có… đồ ăn ngon. Nhưng khi bắt đầu có chút gì đó thân thuộc, tôi lại im im bỏ chạy. 

Thật ra, là tôi sợ. Tôi sợ bất kỳ một mối gắn bó nào, dù là nhỏ nhất, tôi sợ mình trở nên gắn bó với một nơi gọi là phòng trọ. Như một kẻ lúc nào cũng chuẩn bị tư thế sẵn sàng bỏ xứ mà đi, không muốn chịu bất cứ nỗi đau chia lìa nào. Nhưng lần nào đến nhà trọ mới, tôi đều mất ngủ suốt hàng tuần liền. Và vẫn nhớ…

Tôi nhớ cảm giác của ngày đầu đi ở trọ, ngày rời lũy tre làng ra phố. Nhập học xong xuôi, ông anh trai hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra chỗ ăn ở, rồi nộp tiền học cho con em, thì ra bến xe về quê. Tôi đứng vẫy tay, miệng cười toe toét bảo về nhanh đi, em ở đây có bạn rồi. Nhưng sau đó về phòng úp mặt vào tường khóc rấm rứt.

Tôi không sao quên được những ngày đi bộ một mình dưới mưa từ trường về nhà trọ. Xung quanh người xe hối hả, ánh đèn đường, ánh đèn thành phố vẫn rực rỡ, lung linh mà thấy cô đơn, lạc lõng đến vô cùng, tự hỏi mình thuộc về đâu? Căn phòng cũng chỉ là nơi tạm bợ, với mối quan hệ hời hợt: cho thuê và thuê trọ.

Tôi nhớ cả tiếng khóc của chị phòng bên cạnh, và người chồng giận dữ đóng sập cửa bỏ đi lúc nửa đêm. Những lúc ấy, mình cũng thon thót không ngủ được. Rồi người chồng chị ấy trở về nồng nặc mùi rượu, bát đĩa loảng xoảng. Cả xóm hốt hoảng sáng đèn chạy sang can ngăn, khuyên giải. 

Tôi nhớ những chuyến công tác dài ngày, đi mây, ở núi, ngủ rừng… Trở về ngơ ngác úp mặt vào phố, lại chỉ muốn đóng cửa phòng ngủ vùi, thì bị em hàng xóm gọi dậy sang ăn cơm. Mẹ tôi không thích tôi thuê nhà riêng ở, mà muốn tôi ở trong dãy trọ, nhà tập thể là vì thế. Bà nói, “lỡ đêm hôm có chuyện gì, còn có người để kêu”.

Có hôm, sau ngày dài mệt mỏi rã rời vì bao nhiêu chuyện tồi tệ ập xuống, tôi bước chân về phòng trọ, ngồi bệt nơi cửa phòng, chẳng buồn mở cửa, chẳng buồn bật điện lên. Bỗng nhiên, cô chủ trọ lò dò đi lên cầu thang, tay cầm hơn chục bông hoa hồng gói trong giấy báo, bảo: “Cô thấy mày hay cắm hoa, hôm nay mùng một mua hoa về cắm, dư nhiều bông quá cô mang lên cho mày”! Chỉ nhiêu đó thôi mà tôi đã cảm động không nói nên lời, chợt thấy có động lực để đứng dậy.

Mãi mãi về sau, quen dần với cuộc sống ở trọ, khi những vội vã tất bật của cuộc sống cuốn trôi đi nhiều bận tâm suy nghĩ lang thang trong đầu, tôi lại tìm thấy cảm giác thật nhẹ nhõm khi trở về phòng trọ. Để lúc đó chỉ một mình tôi, thoải mái khóc cười, chẳng phải che đậy cảm xúc, chẳng phải giấu giếm lo âu, khó khăn với người thân. Và dù ở một mình, tôi vẫn yên tâm phía bên kia bức tường cũng có những người khác. Chưa hẳn là thân thiết, nhưng nếu có chuyện gì, tôi sẵn sàng đập cửa nhờ giúp đỡ. Con người ta, có thể ở một mình, nhưng chẳng ai sống được một mình.

Cô bạn tôi điều kiện gia đình khá giả, nhà thành phố, học hành giỏi giang. Nhưng tốt nghiệp đại học là khăn gói xin phép bố mẹ cho ra ngoài ở trọ. Hai bác ôm mặt kêu trời: “Có nhà không ở, bố mẹ nuôi cơm không ăn, lại bỏ tiền ra ngoài đi thuê trọ” nhưng chẳng thể nào ngăn cản nổi đứa con gái bướng bỉnh. Đành phải đồng ý, kèm theo lời đe dọa: “Bố mẹ có tai mắt cả đấy, mày ra ngoài mà hư hỏng thì bị lôi cổ về ngay, nghe chưa”!

Giúp bố làm rau (ảnh chụp tại xóm trọ đường Nguyễn Duy Trinh.

Nó đi làm, kiếm tiền, chật vật xoay xở với cuộc sống cơm niêu nước lọ. Cuối tuần thì về thăm nhà. Bố mẹ cho gạo, cho thịt, cho cá thì mang đi, nhưng tiền nhất định không lấy, thiếu thì nó đi vay bạn. 

Nó cứ cười phớt, nói: “Bố mẹ cho đi học đến lúc có cái nghề trong tay là được rồi. Ở nhà thì cứ ỷ lại mình luôn có người nuôi nấng, không lớn lên được. Tao cũng muốn ra ngoài xem bọn mày ở trọ thế nào. Ra rồi mới thấy, tự do thật đấy, nhưng cái giá phải trả cũng đắt ghê gớm ấy. Chẳng rủng rỉnh tiền bạc, bữa ăn bữa nhịn.

Rồi cứ tự tin mình có trách nhiệm với công việc, với mọi người thì sống ổn cả thôi. Nhưng cuối cùng lại vô trách nhiệm với bản thân mình nhất. Cho nên ở trọ để mà học cách nuôi mình, sau mới nuôi được người khác”!

Bao nhiêu năm ở phố, tôi vẫn luôn nhận mình là “đứa nhà quê lên tỉnh” dù thực tình, hương đồng gió nội đã bay đi hết nhiều. Có thể kém may mắn hơn so với những bạn thành phố, phải xa gia đình tự mình xoay xở cuộc sống, nhưng ở trọ cũng là cách để mình lớn lên, trưởng thành. Để học cách ăn ở với người đời, học cách sống, cách quan tâm, cách yêu thương nhau vừa đủ.

Quỳnh Lương
 

TIN LIÊN QUAN