Ngày 9/9, đoàn công tác do đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác sản xuất, thu hoạch lúa hè thu; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với cơn bão Conson và mưa lớn tại một số địa phương. Cùng đi có lãnh đạo ngành Nông nghiệp và PTNT.
Tại huyện Diễn Châu, đoàn công tác đã kiểm tra việc vận hành, tiêu thoát nước tại cống tiêu Diễn Thành. Đây là công trình thủy lợi đầu mối, có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho sản xuất và dân sinh của 2 huyện Diễn Châu và Yên Thành. Trong 2 ngày qua, trên địa bàn huyện Diễn Châu đã có mưa từ 100 - 150mm, để chủ động ứng phó với mưa lớn có thể xảy ra, huyện đã chủ động phối hợp tổ chức tiêu thoát nước.
Tại đây, đoàn công tác cũng đã đi kiểm tra tình hình neo đậu tàu thuyền tại Lạch Vạn. Diễn Châu có 970 phương tiện đánh bắt hải sản, phần lớn tàu thuyền đã về neo đậu tại bến, hiện còn 30 chiếc đang trên đường về bờ. Toàn bộ diện tích lúa hè thu của huyện cũng đã thu hoạch xong.
Đoàn công tác cũng đã đến kiểm tra công tác tiêu thoát nước tại bara Nghi Quang (Nghi Lộc) và bara Bến Thủy. Tại các công trình này, đơn vị quản lý đã chủ động tiêu thoát, gạn triều tiêu úng trước dự báo bão và mưa lớn.
Đến nay, tại Hưng Nguyên và Nghi Lộc vẫn còn một số diện tích lúa hè thu chưa được thu hoạch. Hiện các cống tiêu trên hệ thống thủy lợi Nam đang vận hành tối đa công suất để tiêu úng cho vùng nội đồng; các địa phương cũng đã và đang tập trung nạo vét các tuyến kênh tiêu để đảm bảo tiêu thoát nước nhanh nhất.
Sau khi đi kiểm tra thực tế tại các địa phương, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu ghi nhận công tác chủ động ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ của các địa phương.
Đồng thời, yêu cầu các đơn vị thủy lợi tổ chức vận hành tốt hệ thống tiêu úng, hạ thấp mực nước nội đồng để đề phòng mưa lớn gây ngập úng, bảo vệ cây trồng hè thu - mùa và vụ đông; những diện tích lúa hè thu đã chín từ 70%, cần huy động nhân dân khẩn trương thu hoạch để hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Tiếp tục khẩn trương kêu gọi tàu thuyền về bến, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tại các khu neo đậu. Hết sức chủ động, có giải pháp cụ thể trong việc di dời người dân ở các khu vực ven biển, vùng ngập lụt và có nguy cơ sạt lở đất trong trường hợp cần thiết. Đặc biệt, tại các huyện miền núi, hiện các hồ chứa đã có thông báo xả lũ, chính quyền địa phương cần theo dõi, nắm chắc tình hình, diễn biến, có các giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ du.
“Cơn bão Conson có đường đi phức tạp, vận tốc đang có chiều hướng tăng dần. Trước dự báo diễn biến của bão và mưa lớn, cần khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng chống, đảm bảo cho an toàn người dân cũng như sản xuất; với phương châm phòng là chính, tuyệt đối không được chủ quan” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.