bna_image_3249923_1092019.jpgTham dự chương trình tập huấn có các đại biểu quốc tế, bộ ban ngành và các địa phương trong cả nước. Ảnh: Thành Chung
Từ ngày 9-11/9, tại Nghệ An, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức chương trình tập huấn với chủ đề “Phát triển du lịch cộng đồng” tại địa bàn của dự án “Đa dạng hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản tại các làng nông, ngư nghiệp” .

Dự chương trình tập huấn có ông Kobayasshi Ryutaro - Phó trưởng đại diện JICA tại Việt Nam; các giảng viên đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Yamanashi (Nhật Bản), Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam; các đại biểu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, các tổ chức quốc tế, các bộ ban ngành và các tỉnh, thành trong cả nước.

 
Lớp tập huấn tham quan làng nghề sản xuất miến gạo ở xóm Quy Chính, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn. Ảnh: Hoàng Đức Chung
Dự án “Đa dạng hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản tại các làng nông, ngư nghiệp” được JICA và tỉnh Nghệ An triển khai từ tháng 11/2015 – 11/2018, trên địa bàn 2 huyện Nam Đàn và Con Cuông.  Sau 3 năm triển khai, dự án đã thành công, đạt mục tiêu đề ra là đa dạng hóa các phương thức sinh kế thông qua việc nâng cao năng lực cộng đồng về du lịch di sản tại các làng nông, ngư nghiệp và cộng đồng dân tộc thiểu số.
Tại huyện Nam Đàn, dự án khảo sát đánh giá các di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan thiên nhiên; khảo sát đánh giá tuyến du lịch trên sông Lam, các làng nghề và cơ sở sản xuất đặc sản ở địa phương; xây dựng không gian trưng bày giới thiệu quảng bá các điểm đến du lịch và sản phẩm đặc sản địa phương; củng cố và phát triển mô hình CLB Dân ca Ví giặm Hùng Sơn xã Vân Diên...
Nghe biểu diễn Dân ca Ví, giặm tại huyện Nam Đàn. Ảnh: Hoàng Đức Chung
Dự án hỗ trợ thành lập tổ dịch vụ ẩm thực tại xã Nam Trung; phát triển các mô hình HTX sản xuất tương Sa Nam, sản xuất tinh bột sắn và tinh bột nghệ xã Nam Anh, sản xuất miến gạo và bánh đa làng nghề Quy Chính. Ngoài hỗ trợ các máy móc, trang thiết bị cho các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, dự án còn hỗ trợ phát triển sản phẩm từ vấn đề thiết kế bao bì, nhãn mác đến điều tra thị trường
Tương tự, tại huyện Con Cuông, Dự án đã thành lập các tổ dịch vụ lưu trú, ẩm thực, văn nghệ, các hoạt động tham quan trải nghiệm tại bản Nưa; hướng dẫn thành lập, hỗ trợ máy móc cho tổ hợp tác sản xuất các sản phẩm từ cam ở bản Pha, xã Yên Khê; hỗ trợ các hộ dịch vụ homestay làm nhà nhà vệ sinh, nhà tắm.
Ở 2 huyện, dự án còn đào tạo cho người dân về kỹ năng phục vụ ẩm thực, kỹ năng biểu diễn và dàn dựng các tiết mục, tiểu phẩm; quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm; kỹ thuật canh tác và sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP; đẩy mạnh quảng bá du lịch.
Du khách tham quan làng nghề Tương Sa Nam ở thị trấn Nam Đàn. Ảnh: Hoàng Đức Chung
Các mô hình triển khai đều thành công, tạo nên sinh kế cho người dân. Dự án đã tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ, qua đó làm chuyển biến nhận thức của người dân địa phương, thu hút được một số hộ dân tự nguyện đầu tư cơ sở vật chất và đăng ký tham gia các tổ dịch vụ. Mô hình cũng đã có sức lan tỏa đến các bản, làng ngoài khu vực thực hiện dự án.
Trong khuôn khổ chương trình tập huấn, các đại biểu trao đổi, truyền đạt các nội dung liên quan đến đa dang hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản; tham quan, trải nghiệm các mô hình ở 2 huyện Nam Đàn và Con Cuông./.