Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Con Cuông lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025
Mở đầu bài phát biểu tại đại hội, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông nhấn mạnh, Con Cuông là vùng đất lịch sử “Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay” mà Bình ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi đã nhắc đến; một vùng đất nổi tiếng với “Cơm Mường Quạ, cá sông Giăng”.
Đây là đơn vị thứ 2 của tỉnh tổ chức Đại hội Đảng bộ cấp huyện và là 1 trong 4 đơn vị được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn làm đại hội điểm.
Phó Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Con Cuông trong phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, quyết tâm đổi mới, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, thách thức để đạt nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện, tạo thế và lực cao hơn cho giai đoạn mới.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng thẳng thắn nêu một số tồn tại, hạn chế đề nghị đại hội thảo luận, phân tích, đánh giá sâu sắc, làm rõ nguyên nhân, rút ra bài học để từ đó đề ra giải pháp khắc phục có hiệu quả trong nhiệm kỳ mới.
Đó là, kinh tế trên địa bàn huyện Con Cuông phát triển còn chậm, chưa bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa mạnh; phong trào xây dựng NTM còn hạn chế; tiến độ đồ án Quy hoạch xây dựng huyện Con Cuông theo hướng phát triển đô thị sinh thái còn chậm.
Cùng với đó là một số giá trị truyền thống, lịch sử chưa được khai thác, phát huy với tư cách như là một lợi thế so sánh. Tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao; đời sống đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đang gặp nhiều khó khăn.
Năng lực lãnh đạo của một số cấp ủy; hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền ở một số lĩnh vực còn hạn chế; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân có phần chưa đáp ứng yêu cầu, chưa theo kịp sự thay đổi của xã hội.
Bày tỏ sự thống nhất, đồng tình cao về phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được nêu trong báo cáo chính trị trình bày tại đại hội; Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông cũng định hướng 6 nhóm vấn đề trọng tâm đối với Đảng bộ huyện Con Cuông trong nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Thứ nhất, cần quan tâm công tác lập quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng huyện Con Cuông theo hướng phát triển đô thị sinh thái, làm cơ sở cho phát triển kinh tế - xã hội huyện theo hướng bền vững. Kinh tế Con Cuông phải là kinh tế “xanh”; sự phát triển của Con Cuông phải là sự phát triển thân thiện.
Muốn vậy cần tập trung giải quyết tốt các vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình phát triển; phải có cơ chế, sự động viên, hỗ trợ để người tài giỏi, năng động vượt lên làm giàu, dẫn dắt cộng đồng; đồng thời cũng phải quan tâm đến những người không có điều kiện để vươn lên, nhằm đảm bảo sự ổn định xã hội. Phát triển kinh tế phải theo công thức “Con người hòa cùng thiên nhiên, được thiên nhiên che chở, nuôi sống”.
Thứ hai, đẩy mạnh phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, từng bước phát triển thành trung tâm dịch vụ, thương mại vùng Tây Nam tỉnh Nghệ An. Tập trung phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa - lịch sử…
Ưu tiên thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư các dự án du lịch trên địa bàn; nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch hiện có; chú trọng phát triển thêm các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa truyền thống đặc trưng của người dân địa phương.
Thứ ba,tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới, nhất là tại các thôn, bản. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, khai thác lợi thế, tăng quy mô sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến; phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông, lâm, thực phẩm sạch, an toàn.
Chú trọng phát triển kinh tế rừng, nhất là phát triển nông, lâm nghiệp công nghệ cao dưới tán rừng; rà soát, xem xét chuyển một số diện tích rừng nghèo, rừng cạn kiệt để phát triển kinh tế, bảo đảm độ che phủ rừng phù hợp.
Con Cuông có điều kiện và cần khẳng định quyết tâm trở thành trung tâm ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật công nghệ lớn trong lĩnh vực lâm nghiệp và là một trung tâm logistics cho chuỗi sản xuất, sản phẩm dịch vụ, chuỗi giá trị của Nghệ An ở khu vực Tây Nam.
Thứ tư, chăm lo phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, an sinh xã hội; đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, đẩy lùi tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức để người dân tự vươn lên thoát nghèo.
Với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng, huyện Con Cuông cần tiếp cận vấn đề này một cách quyết liệt, tự tin theo hướng coi đây là một trụ cột phát triển vững chắc, hết sức quan trọng của huyện trong thời gian tới.
Thứ năm, tiếp tục bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới, duy trì tốt mối quan hệ với tỉnh có chung đường biên giới của nước bạn Lào. Đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là buôn bán ma túy, buôn người, tổ chức đi ra nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép…
Làm tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho nhân dân về tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm ổn định tình hình an ninh chính trị của địa phương. Huyện sẽ luôn là một điểm tựa, một khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng - an ninh cho tỉnh nhà trong mọi tình huống.
Thứ sáu, tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Tăng cường công tác phát triển đảng viên; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng, gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định về nêu gương; tạo chuyển biến mới về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền và chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể nhân dân...