“Chông chênh” trường trung cấp và bài toán giáo viên
Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Đề án, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đoàn Hồng Vũ cho biết, giai đoạn 2012-2015, các cơ sở đào tạo nghề đã tuyển sinh đào tạo cho 51.131 người (đạt 71,5% mục tiêu đề án), xây dựng mới 8 chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, 9 chương trình trình độ trung cấp.
Giai đoạn 2016-2018 đã tuyển sinh đào tạo cho 40.439 người (đạt 99,12% mục tiêu đề án), tăng 25 nhà giáo, nâng tổng số nhà giáo lên 1.627 người, áp dụng 24 chương trình đào tạo nghề của các nước trong khu vực và quốc tế. Về mạng lưới cơ sở đào tạo lao động kỹ thuật, hiện có 27/32 cơ sở, đạt 84% mục tiêu đề án.
Người đứng đầu sở này cũng thông tin, việc tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng đối với học sinh từng bước phát huy hiệu quả. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông không đăng ký tuyển sinh vào đại học ngày càng tăng, đơn cử năm nay con số này xấp xỉ 42%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo ngành Lao động, nhận thức của một bộ phận nhân dân, phụ huynh đang mong muốn con em vào học tại các trường đại học, mà không muốn vào các trường cao đẳng, trung cấp nghề, nên ảnh hưởng đến công tác đào tạo lao động kỹ thuật.
Đồng chí Đoàn Hồng Vũ chỉ ra 2 vấn đề mà ngành đang trăn trở trong lĩnh vực đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo lao động kỹ thuật, đó là sự “chông chênh” của các trường trung cấp và bài toán giáo viên.
Theo đó, thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), sở đã rà soát và có kế hoạch sáp nhập một số trường trung cấp vào trung tâm giáo dục thường xuyên, nhưng thực tế một số vấn đề nảy sinh nên hiện đang chờ chủ trương của tỉnh.
Giám đốc Sở LĐTB&XH đề nghị: “Chúng tôi kiến nghị cấp trên trong quá trình sắp xếp trường trung cấp cần thận trọng, có bước đi phù hợp, nên chờ có quy hoạch mạng lưới giáo dục quốc gia rồi thực hiện, để hạn chế nảy sinh tiêu cực”.
Cùng với đó, xác định lấy chất lượng, hiệu quả đào tạo làm khâu đột phá trong đào tạo nghề nói chung, đào tạo lao động kỹ thuật nói riêng, song hiện trạng giáo viên “èo uột”, người giỏi xin ra làm ngoài nhiều vì lên lớp dạy lương chỉ 5-6 triệu đồng/tháng, làm ngoài 15-16 triệu đồng/tháng, thậm chí có trường hợp tự đứng ra thành lập doanh nghiệp tư nhân.
“Giữ chân giáo viên giỏi rất khó, nhất là hiện nay chúng ta đang giảm biên chế một cách cơ học "ra 2 vào 1", giáo viên kỳ cựu nghỉ hưu nhưng không nhận thêm người được. Giả định điều kiện cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị của các trường giữ nguyên không đổi, thì cần đội ngũ giáo viên tốt để nâng chất lượng đào tạo”, đồng chí Đoàn Hồng Vũ phân tích, và đề xuất “bài toán giáo viên” cần được giải bằng cách có thêm cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ này, để thu hút những người có trình độ tay nghề cao vào giảng dạy tại các trường cao đẳng, trung cấp công lập.
Chia sẻ thêm với đoàn công tác, Sở LĐTB&XH cho biết đang xây dựng phần mềm đào tạo nghề và phần mềm xuất khẩu lao động để làm tốt công tác dự báo tình hình, từ đó triển khai các kế hoạch tốt hơn. Sở kiến nghị cần nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền trong công tác đào tạo nghề nói chung, đào tạo lao động kỹ thuật nói riêng.
“Trên thì lo mà dưới thì không biết thế nào, chưa thấy huyện nào trăn trở đặt vấn đề với sở về đào tạo nghề tạoviệc làm cho con em địa phương”.
Chuyển biến nhận thức để hành động mạnh mẽ hơn
Sau khi lắng nghe các ý kiến trao đổi, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận, đánh giá việc thực hiện Đề án đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về mặt nhận thức trong xã hội, đồng thời chuyển thành hành động, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành để chăm lo cho công tác đào tạo nghề, đào tạo lao động kỹ thuật.
Đề án đi vào thực tiễn đã tạo được sự phát triển của các cơ sở đào tạo nghề, mạng lưới, cơ sở vật chất, trang thiết bị có sự nâng cấp, và thực tế là thời gian qua Nghệ An được đánh giá cao trong tương quan chung cả nước.
Cùng với đó, năng lực quản lý Nhà nước về đào tạo nghề, đào tạo lao động kỹ thuật sau khi thực hiện đề án được tăng cường, hiệu quả sử dụng lao động kỹ thuật sau đào tạo được nâng cao.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Sơn
Trong thời gian tới, Trưởng đoàn công tác cho rằng, cần cụ thể hóa các giải pháp đào tạo nghề, đào tạo lao động kỹ thuật, để đưa Nghệ An trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của khu vực và cả nước.
"Phải chuyển nhận thức để hành động mạnh hơn nữa về trách nhiệm đào tạo nghề, lao động kỹ thuật, trong đó lưu ý phải phân luồng sớm hơn, rõ hơn từ cấp học trung học cơ sở; có cơ chế thực hiện hiệu quả việc học sinh vừa học nghề, vừa học văn hóa; dự báo, phân tích tốt về thị trường lao động, dẫn thông tin, kết nối kịp thời đến các đầu mối liên quan...", đồng chí Nguyễn Xuân Sơn gợi mở.
Bên cạnh đó, khẳng định hội nhập quốc tế là xu thế không thể đảo ngược, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh, muốn phát triển lĩnh vực đào tạo nghề, đào tạo lao động kỹ thuật thì phải phát huy lợi thế của tỉnh, từ đó tăng cường hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo.
Tương tự, muốn giải quyết vấn đề việc làm sau đào tạo, cũng cần tăng liên kết với nước ngoài, với doanh nghiệp, phát huy tính năng động của địa phương.