(Baonghean) - Mùa hè là mùa phim rạp, chả thế mà lên mạng xã hội toàn thấy bạn bè mình kể chuyện đi xem phim. Dạo một vòng facebook, mình rút ra kết luận, 2 bộ phim được quan tâm nhất hiện nay đều là phim Việt: “Scandal 2” và “Sống cùng lịch sử”. Khổ nỗi, quan tâm theo 2 kiểu khác hẳn nhau.

“Scandal 2” là bộ phim của đạo diễn Victor Vũ. Phim của Victor Vũ thuộc dòng phim thị trường, gần với phim ảnh Âu Mỹ, tính giải trí tốt, kỹ xảo tốt, tính nghệ thuật thì...không ai quan tâm mấy, vì là phim thị trường mà! Còn phim “Sống cùng lịch sử”, khỏi nói cũng biết là thuộc dòng phim truyền thống. Cụ thể hơn, nói về chiến thắng Điện Biên Phủ, ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chủ đề cũ, cách khai thác có vẻ mới, thông qua các nhân vật là thanh niên sống ở thời hiện tại, tái hiện lại ký ức lịch sử thông qua những thước phim, ảnh và trí tưởng tượng.

Câu chuyện có lẽ vẫn là chuyện muôn năm cũ thôi: Scandal 2 công chiếu 720 suất ngày đầu ra rạp, thu về 10 tỷ đồng, phá kỷ lục phòng vé Việt Nam. Trong khi đó, “Sống cùng lịch sử” không bán nổi 1 tấm vé nào. Bộ phim về lịch sử hoành tráng là thế, được đầu tư 21 tỷ đồng, rốt cuộc chẳng ai buồn đi xem. Lý do vì đâu?

Trước tiên là khâu truyền thông, rõ ràng quảng cáo chưa bao giờ là điểm mạnh của những bộ phim trực thuộc hãng phim quốc gia sản xuất. Có lẽ vì cơ chế bao cấp nên họ không chịu áp lực phải lấy bộ phim ra làm cần câu cơm như các hãng phim tư nhân. Thử hỏi, giữa 2 bộ phim, 1 về đề tài đang nóng - thế giới người nổi tiếng - diễn viên đẹp, trailer hấp dẫn giật gân, quảng bá rầm rộ từ khi phim còn chưa đóng máy với 1 bộ phim thuộc hãng phim quốc doanh, đề tài lịch sử mang tính "băng rôn, khẩu hiệu" đã bão hoà từ lâu, trailer, poster hay khâu sản xuất đều khá im ắng, người xem sẽ chọn cái nào? Câu hỏi này không quá khó để trả lời.

Thứ hai, phim do hãng phim quốc gia kém hơn cả về khâu đầu tư, sản xuất. Ở đây mình không nói đến chi phí, 21 tỷ đồng là nhiều lắm chứ ít ỏi gì! Đầu tư ở đây là đầu tư tài năng, công sức và nhất là cái tâm của người làm nghệ thuật. Tại sao những bộ phim về đề tài chiến tranh, lịch sử ngày xưa cực kỳ thành công? Là vì không có điều kiện về công nghệ, kỹ thuật nên chỉ có thể tập trung vào diễn xuất, nội dung. Mà những cái đó mới làm nên sự chân thực chứ không phải là sử dụng khói gì, pháo gì cho hoành tráng, máy quay gì cho nước phim đẹp. Đừng nói tư nhân hơn nhà nước vì người ta có tiền, họ hơn ở cách sử dụng đồng tiền. Tiền túi bỏ ra, yêu cầu họ đặt ra đương nhiên phải cao, bởi vì lời ăn lỗ chịu không ai gánh hộ họ. Động cơ chính của họ chưa chắc là nghệ thuật mà là doanh thu, nhưng suy cho cùng, chính cái động cơ rất cá nhân ấy cũng ràng buộc, đảm bảo cho chất lượng của sản phẩm.

Lý do khiến những bộ phim nặng tính giáo dục do hãng phim quốc doanh sản xuất chết yểu, theo mình là do tư duy sản xuất và tư duy nghệ thuật chậm tiến. Làm một bộ phim ế chỏng chơ, người ta bù lu bù loa "Phim do nhà nước đặt hàng". Thế thì cái tâm, cái tầm của người làm nghệ thuật ở đâu, khi mà anh chỉ biết nhận tiền làm khoán, giũ bỏ mọi trách nhiệm với đứa con tinh thần của mình? Thứ nữa là, chiến tranh, lịch sử xem mãi cũng bão hoà. Phải xác định được, cũng đề tài ấy, trong một thời kỳ, góc nhìn, sự quan tâm của công chúng hướng vào một điểm, nhưng sang thời kỳ khác, công chúng lại có góc nhìn khác, mối quan tâm khác. Đất nước mình có đang chiến tranh khói lửa đâu mà các nhà làm phim cứ nhai đi nhai lại "xung phong", "quyết thắng", "muôn năm"... Những cái đó xưa quá, nhàm quá rồi. Công chúng bây giờ thích tình yêu, bi kịch, thậm chí là những cái trần trụi, những cái đó thời nào chẳng có? Nếu biết khai thác, hoàn toàn có thể lồng ghép được lịch sử với những giá trị tưởng như rất bình thường đó, làm cho chúng không tầm thường mà chân thực, đẹp và đi vào lòng người.

Kết lại, vẫn câu hỏi muôn thuở: Cha chung, ai khóc? Dư luận, báo chí rùm beng, một thời gian sẽ im ắng lại. Người làm phim vẫn ung dung xếp hàng chờ đến lượt như cầm sổ gạo, phiếu thịt ngày xưa. Tiền nhà nước vẫn bỏ ra, phim vẫn quay  và người xem vẫn tìm đến những bộ phim của các hãng tư nhân. Còn phim lịch sử, phim truyền thống? "Muôn năm"!

Hải Triều