(Baonghean.vn) - Phiên chợ đấu giá cổ vật nhằm gây quỹ là hoạt động nổi bật của các thành viên Hội cổ vật Sông Lam hưởng ứng Ngày di sản văn hóa Việt Nam ( 23/11/2005 - 23/11/2016).
Phiên đấu giá được tổ chức tại Hội quán cổ vật Sông Lam, “mái nhà chung” của những người đam mê cổ vật xứ Nghệ. Diễn ra vào một ngày đặc biệt, phiên đấu giá không chỉ là dịp để các hội viên gặp gỡ, chia sẻ, giao lưu, đánh giá lại hoạt động của hội trong suốt một năm qua. Đồng thời là dịp để trưng bày, giới thiệu những hiện vật quý được các thành viên cất công sưu tầm và gìn giữ. Phiên chợ đấu giá là ý tưởng được hình thành sau khi Hội cổ vật Sông Lam thành lập. Những ngày đầu do chưa có địa điểm, nên phiên chợ chỉ được tổ chức một tuần một lần ở một quán cóc nhỏ dọc đường Lê Mao. Hai năm trở lại đây, với mong muốn có một địa điểm tập trung, anh Hồ Mạnh Toàn, một thành viên trong Hội đã tự bỏ tiền đầu tư để xây dựng nên Hội quán cổ vật và biến nơi đây vừa là nơi trưng bày các hiện vật quý cổ quý hiếm. Những cổ vật được đưa đến tại phiên chợ được các thành viên sưu tầm trên đất xứ Nghệ với nhiều nguyên liệu khác nhau như gốm, sành, sứ, đồng, gỗ… Mỗi một hiện vật được đấu giá là một tác phẩm nghệ thuật. Các hiện vật được các chủ nhân nâng niu, chăm chút cẩn thận. Những viên đá thạch anh màu xanh được tìm thấy ở vùng đất Phủ Quỳ (Nghệ An). Chiếc răng hàm hóa thạch được tìm thấy bãi cát sông Lam Tượng Thích Ca Mâu Ni được phủ bạc có từ thời Lê Tham dự phiên chợ chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam có hàng trăm hiện vật được các thành viên trong hội mang đến. Tuy nhiên, ban tổ chức chỉ chọn 5 món giá trị nhất để mọi người đấu giá. Điều đặc biệt, đây đều là những hiện vật quý có nguồn gốc từ Việt Nam, đó là một chiếc đĩa bằng gốm sứ đời Trần, một chiếc đĩa bằng gốm sứ đời Lê, một đĩa ngoạn ngọc đời Nguyễn, một chiếc âu đựng trầu bằng đồng đời Nguyễn. Giá khởi điểm của các hiện vật từ 900.000 - 5.000.000 đồng. Toàn bộ số tiền thu được từ phiên đấu giá sẽ được dùng để gây qũy cho các hoạt động thiện nguyện do Hội cổ vật sông Lam đứng ra tổ chức. Nói thêm về ý nghĩa của chương trình, anh Phạm Văn Thanh, Chủ tịch Hội Cổ vật Sông Lam cho biết: Dù quy mô tổ chức không lớn nhưng anh em trong Hội rất hào hứng với các hoạt động này. Chúng tôi cho rằng, ý nghĩa của phiên chợ không chỉ ở mỗi phiên đấu giá thành công mà qua đó còn là dịp để tôn vinh những hiện vật quý, góp phần gìn giữ và bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc.
Mỹ Hà - Thành Cường