Dự và chỉ đạo Đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Bùi Thanh An - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Lê Đức Cường - Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; Đại tá Nguyễn Ngọc Hà - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh. Cùng dự có các đồng chí: Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh.
Nhiều kết quả quan trọng
Phát biểu khai mạc phiên chính thức Đại hội, Bí thư Huyện ủy Quế Phong Trương Minh Cương khẳng định: Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ và nhân dân huyện Quế Phong đã phát huy truyền thống quê hương, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu giành được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tạo đà để huyện nhà vươn lên.
“Tư tưởng chỉ đạo của Đại hội là: Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển bền vững; đảm bảo quốc phòng - an ninh, đối ngoại; quyết tâm đưa Quế Phong trở thành huyện khá của vùng Tây Bắc tỉnh Nghệ An”- đồng chí Trương Minh Cương nhấn mạnh.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Lê Văn Giáp - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong trình bày tóm tắt Báo cáo chính trị. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 8,42%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 19,98 triệu đồng năm 2015 lên 28,85 triệu đồng năm 2020; cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 -2020 đạt trên 5.000 tỷ đồng.
Thu ngân sách trên địa bàn hàng năm đạt và vượt dự toán cấp trên giao; tổng thu 5 năm đạt 150,357 tỷ đồng/121,480 tỷ đồng, vượt 23,77% dự toán.
Thu hút đầu tư được huyện quan tâm chỉ đạo, trong nhiệm kỳ đã thu hút đầu tư được dự án chế biến sản phẩm lâm sản ngoài gỗ tại xã Đồng Văn và dự án chế biến đá hoa tại xã Tri Lễ với tổng mức đầu tư trên 450 tỷ đồng.
Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giai đoạn 2016 - 2020 huy động được 3.090 tỷ đồng (riêng huyện quản lý đạt 1.339 tỷ đồng) đã góp phần quan trọng cải thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất và đời sống của nhân nhân, đặc biệt hạ tầng về giao thông, thủy lợi, trường lớp học, trạm y tế, nhà văn hóa cộng đồng,…
Chương trình xây dựng nông thôn mới được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Năm 2019, xã Quế Sơn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2020 có 20 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Số tiêu chí bình quân toàn huyện đạt 12,58 tiêu chí/xã, tăng 4,2 tiêu chí so với năm 2015.
Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, bản sắc văn hóa các dân tộc được quan tâm gìn giữ và phát huy; công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân được tăng cường; chất lượng dạy, học được nâng lên; việc làm, an sinh xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 51,43% năm 2015, xuống còn 26,49% năm 2019.
Công tác xây dựng Đảng thường xuyên được quan tâm chăm lo và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các mặt. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được chăm lo xây dựng, củng cố ngày càng vững chắc.
Công tác cán bộ đã có nhiều đổi mới, việc xem xét đánh giá cán bộ, quy trình tuyển chọn, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ được thực hiện tốt, bảo đảm dân chủ, có sự thống nhất giữa đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ.
Huyện quan tâm chỉ đạo công tác phát triển đảng viên, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng nữ, người dân tộc thiểu số, nông dân, trí thức và lực lượng trẻ. Trong nhiệm kỳ kết nạp 931 đảng viên (đạt 103% so với Nghị quyết).
Năng động, sáng tạo để phát triển
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông biểu dương và chúc mừng những thành tựu mà Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Quế Phong đã giành được trong nhiệm kỳ vừa qua.
Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Đại hội làm rõ nguyên nhân của những khuyết điểm, hạn chế trong nhiệm kỳ qua và bàn kỹ giải pháp khắc phục khó khăn, thách thức, phát huy cao nhất thế mạnh của huyện trong nhiệm kỳ tới, phấn đấu, vươn lên trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước xây dựng Quế Phong trở thành huyện khá của các huyện miền núi phía Tây của Nghệ An.
Nhấn mạnh, trong giai đoạn tới các địa bàn miền núi của chúng ta sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của Nhà nước bằng các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội...
Dư địa để phát triển của Quế Phong đang còn khá lớn, nhất là trong việc khai thác các tiềm năng của huyện về đất đai, vốn rừng, du lịch... Vì vậy, việc cơ cấu lại nội ngành nông nghiệp giữa chăn nuôi và trồng trọt, việc đổi mới, chuyển hướng sản phẩm, hàng hóa... sẽ có những động lực mới.
Đồng chí Nguyễn Văn Thông yêu cầu huyện Quế Phong cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nông, lâm, thủy sản, quy hoạch nông thôn mới...
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông bày tỏ tin tưởng rằng, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Quế Phong sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, khơi dậy sự năng động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường vượt qua trở ngại, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội đề ra.
Tại Đại hội, các đại biểu đã bầu 36 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lần XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; lấy phiếu giới thiệu chức danh Bí thư Huyện ủy Quế Phong lần thứ XXII đối với đồng chí Trương Minh Cương - Bí thư Huyện ủy nhiệm kỳ 2015-2020.
Các đột phá phát triển của huyện Quế Phong nhiệm kỳ 2020-2025
1. Tăng cường phát triển nguồn nhân lực, gắn với đổi mới căn bản toàn diện giáo dục – đào tạo; phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đổi mới tư duy, khắc phục tư tưởng trì trệ; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng, ý chí vươn lên, năng động, sáng tạo, đổi mới, phát triển.
2. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
3. Tiếp tục xác định phát triển kinh tế rừng là lợi thế của huyện để ưu tiên trồng rừng nguyên liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết trồng rừng, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ doanh nghiệp chế biến.
4. Phát huy tiềm năng, lợi thế các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, hình thành các tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.