Nhiều vấn đề nóng được đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ, nhưng nhiều Bộ trưởng làm cho vấn đề nguội đi do cách trả lời vòng vo.
Từ 16 đến 18/11, tại Hội trường Diên Hồng đã diễn ra cuộc chất vấn chưa có tiền lệ của Quốc hội với Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao. Đặc biệt lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.
Bộ Trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời tại phiên chất vấn. Đối với thế giới, không còn là chuyện lạ, nhưng với Việt Nam, đây là bước tiến mới, tiệm cận với dân chủ hiện đại, tiến bộ. Chính vì lẽ ấy mà cuộc chất vấn đã thu hút đông đảo cử tri cả nước theo dõi trực tiếp qua hệ thống Phát thanh, Truyền hình. Đặc biệt là cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, các nhà hoạt động xã hội. Các cụ hưu trí rút ngắn thời gian tập thể dục buổi sáng từ các công viên để về sớm, kịp theo dõi qua màn hình, radio với lời nhắc nhủ “về kịp họp Quốc hội”. Các vị cũng đặt mình vào Hội trường Diên Hồng, giữa trung tâm Thủ đô để được nhìn, được nghe, được đồng hành cùng đại biểu do mình bầu ra. Cử tri không chỉ giám sát Chính phủ mà còn giám sát cả Quốc hội.
Sức nóng, sức cuốn hút cử tri, công luận bắt đầu từ đổi mới cách chất vấn của Quốc hội. Nhưng nóng hơn cả là những vấn đề đặt ra từ cuộc sống, nhỏ nhất từ bữa ăn, viên thuốc chữa bệnh đến chủ trương, chính sách phát triển đất nước, ý chí, phương sách bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn Tổ quốc.
54 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt 175 câu hỏi cho các thành viên Chính phủ, trong đó dành 140 câu hỏi cho 16 Bộ trưởng, Trưởng ngành, 3 Phó Thủ tướng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao. 18 ĐBQH gửi tới Thủ tướng Chính phủ 27 câu hỏi. Chủ tịch Quốc hội cũng được nhận và trả lời ngay 3 câu hỏi của đại biểu Trần Du Lịch. Với cách hỏi vấn đề chứ không hỏi người được chỉ định như trước đây đã tăng thêm nội hàm chất vấn, tạo cơ hội cho nhiều thành viên Chính phủ trả lời câu hỏi của ĐBQH và cũng là của cử tri cả nước.
175 câu hỏi của ĐBQH và trả lời của các thành viên Chính phủ đã vẽ nên bức tranh sống động về hiện tình đất nước với gam màu tươi sáng của ổn định chính trị, giữ vững an ninh, quốc phòng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tự hào với vị thế của Việt Nam là thành viên Liên Hợp Quốc có trách nhiệm, tham gia ngày càng nhiều, càng sâu vào công việc của thế giới và khu vực.
175 câu hỏi và sự trả lời đã thổi sức nóng nghịch lý của xã hội vào nghị trường.
Nghịch lý lớn nhất là đất nước đã trải qua 40 năm giải phóng, 30 năm đổi mới, nhưng thành quả mang lại chưa tương xứng với sức dân bỏ ra, chưa tương xứng với thành quả tiền nhân để lại. Bức bách hơn nữa, tính từ năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN đến nay tròn 20 năm hội nhập sâu rộng vào thế giới hiện đại, văn minh, đã vào WTO, APEC, mới đây nhất là thành viên TPP, và chỉ còn 1 tháng nữa là bước vào thị trường chung ASEAN.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã hoạt động quyết liệt để mang lại sân chơi chung, bình đẳng, cùng có lợi cho nền kinh tế nước nhà phát triển bằng chị bằng em. Môi trường pháp lý đã có, nhưng không ít cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân chưa thật sự tìm và hiểu để thi hành các hiệp đinh thương mại tự do. Đến lúc gặp khó khăn, chới với trước thực tại “thua trên sân nhà” thì tìm cách đổ lỗi cho nhau, đổ lỗi cho cấp trên.
Câu trả lời trông đợi là làm thế nào để tiến kịp thời gian đang giục giã thì còn bỏ ngỏ. ĐBQH hỏi vì sao 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ mà đến nay chưa có Luật cho loại hình doanh nghiệp này, thành viên Chính phủ trả lời là còn soạn thảo. Một vấn đề bức xúc về thời gian là xây dựng hành lang pháp lý cho “Công nghiệp phụ trợ” khi TPP đang gõ cửa thì Bộ trưởng Công thương báo tin là đã ban hành Nghị định 111 cách đây 2 tuần. Vấn đề công nghiệp phụ trợ đã được đặt ra cách đây 30 năm.
Một nghịch lý lớn, bao trùm là làm sao để phòng chống tham nhũng có hiệu quả. Tham nhũng phát triển từ “tham”, “nhũng loạn”, từ vặt vặt đến “lợi ích nhóm” “cục bộ địa phương” đang làm xói mòn, đánh mất lòng tin của dân với Đảng, với Nhà nước. Mặt trái cơ chế thị trường “đẻ” ra thị trường “mua quan bán chức” đang không còn là “một bộ phận” mà lan rộng ngày càng nhanh, càng tinh vi. Cơ chế “bôi trơn”, “xin cho” không hề thuyên giảm mà phát triển theo chiều sâu len lỏi vào đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, xói mòn bậc thang giá trị đạo đức.
Khi trả lời các vấn đề nóng này, một số thành viên Chính phủ giải trình vòng vo với câu nói đầu môi là “đã kiểm tra”, “đã xem xét” và đề nghị “sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị” mà không nghiêm túc nhận trách nhiệm cá nhân. ĐBQH xúc động hỏi: “Trong bối cảnh đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, hàng triệu nông dân, hàng triệu người lao động, công nhân đang vật lộn với mức lương vài ba triệu đồng/tháng thì có nhiều cán bộ, thậm chí cán bộ giữ cương vị rất thấp đã giàu lên một cách rất nhanh chóng”. Tất nhiên không có cơ quan nào có thống kê chính xác, nhưng đây là một thực trạng, một nghịch lý nhức nhối lương tâm.
Điệp khúc “được mùa mất giá” không chỉ là câu hỏi trong nghị trường mà nỗi than phiền của hàng triệu nông dân, nằm trong nghịch lý: tại sao ta có thế mạnh về nông nghiệp mà nay hội nhập vào thị trường thế giới lại kém thế? Vì sao thương lái lãi to mà nông dân chịu khổ, nhà nước chịu thiệt. Vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã đặt ra từ lâu, đã có hẳn nghị quyết của Trung ương Đảng soi sáng, nhưng tại sao đến nay chưa tích tụ ruộng đất để đi lên sản xuất hàng hóa có tính cạnh tranh cao? Tại sao doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào nông nghiệp? Vật cản nào ngăn trở khoa học công nghệ hiện đại, tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp?
ĐBQH hỏi tại sao? Tư lệnh ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời gọn gàng, chung chung là “Tồn tại do cơ cấu, nên phải thực hiện tái cơ cấu”. ĐBQH đặt câu hỏi cụ thể hơn: “Tại kỳ họp thứ 2 và thứ 6, nhiều đại biểu đặt vấn đề với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về trách nhiệm trong việc kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng thuốc trừ sâu, không sử dụng chất cấm trong sản xuất chế biến nông sản và chăn nuôi. Bộ trưởng hứa sớm khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên qua thực tế cuộc sống hàng ngày và phản ánh của cử tri cho thấy không những không được khắc phục mà có chiều hướng gia tăng. Có thể nói con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của chúng ta chưa bao giờ ngắn và dễ dàng như hiện nay”.
Câu hỏi nóng và rốt ráo như vậy, nhưng Bộ trưởng từ từ, chầm chậm đưa ra hết chủ trương, quyết định, thông tri đến con số để giải trình, khiến cho không khí tranh luận đang “nóng”, bỗng nhiên “nguội”.
Vấn đề tưởng không nóng bằng tham nhũng, nhưng lại nóng, rất nóng giữa nghị trường từ một sự kiện: môn lịch sử độc lập hay tích hợp trong giáo dục phổ thông. Vượt ra khỏi thuật ngữ giáo dục đào tạo, ĐBQH quan tâm đến mục đích đào tạo con người Việt Nam trong xã hội hiện đại. Phải hiểu và yêu nước qua bộ môn lịch sử. Phải dạy và học môn lịch sử thế nào để bồi bổ lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho mỗi công dân. Vấn đề không ở chỗ “độc lập” hay “tích hợp” mà là cải cách, đổi mới thế nào để học lịch sử có vị trí xứng đáng trong hệ thống, dạy và học thế nào để bảo đảm thông hiểu lịch sử dân tộc để khẳng định nhân cách Việt, phẩm chất Việt trong cuộc sống hiện đại. Mục đích là học sử để học làm người. Tích hợp như thế nào để đạt mục đích ấy là chuyện phải bàn, phải làm.
Khi bị dồn hỏi, Bộ trưởng GD-ĐT đưa ra kết luận chung chung là đang lắng nghe, sẽ làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, với Hội đồng Lý luận Trung ương mà không đặt tầm quan trọng vào các chuyên gia đầu ngành. Cử tri theo dõi trực tiếp nhận ra ngay là câu hỏi “nóng”, nhưng trả lời “nguội”.
Bộ trưởng Bộ vân hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn. Tư lệnh ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch đứng trước câu hỏi nóng là tại sao đất nước có tiềm năng du lịch mà ngành “công nghiệp không khói” phát triển chậm? chậm hơn cả bạn Lào và Campuchia? đã trả lời: “Tôi nhớ phiên chất vấn tại kỳ họp trước, Chủ tịch Quốc hội hỏi bao giờ du lịch Việt Nam bằng Thái Lan, Malaysia, Singapore. Tôi bỏ ngỏ. Tôi để lại cho nhiệm kỳ tiếp theo trả lời việc này. Tôi không dám trả lời”. Kết thúc trả lời chất vấn “nóng”, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh xin chịu trách nhiệm về những yếu kém của ngành Du lịch, nhưng “cái trách nhiệm này của chúng tôi sẽ truyền lại cho Bộ trưởng kế tiếp. Vì thời gian không còn nữa thì làm sao bây giờ”.
Cả hội trường Diên Hồng vang tiếng cười ồ của đại biểu của dân, vì cảm thông, chia sẻ với chính khách “hoàng hôn nhiệm kỳ”. Nhưng với trách nhiệm của một Bộ trưởng thì không thể. Dù một phút tại nhiệm cũng phải chịu trách nhiệm đến cùng những việc mình làm. Cách nói dân dã của Bộ trưởng muốn làm nguội vấn đề, thư giãn cho đại biểu, nhưng lại nóng lên về tinh thần trách nhiệm đến cùng. Cái cốt lõi mà “chất vấn nóng” cần có, truyền lại cho nhiệm kỳ sau./.
Theo VOV