(Baonghean) - Tôi xuất thân là giáo viên dạy văn ở Trường Năng khiếu thành phố Vinh. Từ năm 1989 đến nay tôi liên tục vinh dự được tham gia công tác hội thẩm tại Tòa án Nhân dân thành phố Vinh. Suốt 27 năm, tôi đã tham gia cùng tập thể Tòa án thành phố xét xử hàng trăm hàng ngàn vụ án… với biết bao kỷ niệm vui buồn, xót xa và thương cảm. Tôi xin kể lại một vài điều để cùng chia sẻ, suy ngẫm.

Tôi còn nhớ như in việc xử vụ trộm cắp tài sản (TCTS) của một sinh viên. Vì muốn có tiền ăn chơi, tiêu xài, sinh viên này đã sa vào trộm cắp tới 3 hành vi. Khi đưa ra xét xử, bố mẹ cậu ta rất đau lòng, riêng bị cáo cứ trâng trâng, trơ lì, không chút ân hận. Khi ấy, tôi không chịu nổi thái độ đó và nghĩ mình phải có trách nhiệm... Tôi đã phân tích cho bị cáo hiểu rõ lỗi lầm, đạo làm con, làm người, làm một sinh viên đang ngồi trên giảng đường. Bố mẹ đã vất vả vì mình, thức khuya dậy sớm, đầu tắt mặt tối với ruộng đồng, bán từng mớ rau, quả trứng, những tưởng để gom góp thêm tiền gửi cho con ăn học tạm đủ đầy. Trong khi cha mẹ và các em ở nhà ăn gì cũng được, mặc gì cũng xong. Thế mà bị cáo đã phụ lòng người sinh thành ra mình như thế. Thích hưởng lạc, hưởng thụ, ăn chơi, tiêu xài… Hãy nhìn xuống hội trường xem! Bố mẹ anh như thế nào. Bố anh tóc đã bạc, cúi đầu trong tủi nhục, hổ thẹn. Mẹ anh nước mắt đầm đìa… Anh sẽ nói gì, nói với Hội đồng xét xử và bố mẹ của anh. Bị cáo gục đầu khóc nức nở. Tôi biết, tôi đã khơi dậy được lòng trắc ẩn của bị cáo: ân hận và thương bố mẹ!
images1204617_ccct_2.jpgBà Phạm Thị Tố Tâm.
Kết thúc phiên tòa, người mẹ tội nghiệp ấy nắm chặt lấy tay tôi nói: Cảm ơn chị đã phân tích cho con tôi hiểu, cảm thấy ân hận và nó đã khóc được. Ở nhà, bố mẹ nói thế nào nó cũng cứ cãi phăng và chối đây đẩy, không bao giờ nó biết khóc là gì…
 
Một lần khác, Tòa án thành phố xử lưu động vụ 29 bị cáo đánh bạc ở phường Cửa Nam. Các bị cáo bao gồm đủ thành phần độ tuổi, gồm thanh niên, trung niên, nhưng cũng có các bị cáo tuổi ngũ tuần, lục tuần. Hôm đó, nhân dân đến dự rất đông. Công an làm nhiệm vụ cũng khá đông. Tôi đã phân tích để các bị cáo hiểu: đánh bạc là một trong những tệ nạn của xã hội, cần phải bài trừ. Đó là trò chơi đỏ đen, hoàn toàn do may rủi, lần này mình thắng người, lần sau mình thua người. Nó không dùng tài năng trí tuệ để làm ra của cải vật chất cho xã hội, cho gia đình mà những đồng tiền này là những đồng tiền không sạch, không chính đáng. Bao nhiêu gia đình tan nát vì cờ bạc. Cờ bạc đã đẩy bao nhiêu con người vào tù tội, vợ mất chồng, con mất cha, mất nhà cửa, ruộng vườn,… Khi xử xong vụ án, chị Mai, Viện trưởng Viện Kiểm sát thành phố ôm lấy tôi bảo: Chị cảm ơn em, em đã phân tích thật thấm thía, sâu sắc, cho các bị cáo, cho nhân dân đến xem hiểu, cả hội trường yên lặng lắng nghe… 
 
Và biết bao nhiêu vụ án, tôi không thể kể hết những lời phân tích của mình tác động đến bị cáo, đương sự; những ân hận muộn màng trên khuôn mặt các bị cáo và những lời cảm ơn chân thành của thân nhân họ… Nhưng, trong từng ấy tháng năm tham gia xét xử, đâu chỉ có những vụ án làm tôi vui mà cũng có không ít các vụ án khiến tôi day dứt…
 
Tôi còn nhớ, xử lưu động một vụ án cướp tài sản ở phường Vinh Tân. Bị cáo phá khóa, vào nhà khổ chủ giữa đêm khuya. Khi vào phòng ngủ của hai vợ chồng, bị cáo cầm dao trước mặt khổ chủ đe dọa bắt đưa tiền, điện thoại, máy tính xách tay… Như một cái máy, ông chồng đưa đủ cho hai thằng cướp để đổi lấy tính mạng của cả nhà. Ra tòa, bị cáo cãi: Tôi không cướp, tôi chỉ đưa dao lên và họ nhanh nhẹn đưa tài sản chứ đâu cướp trên tay họ. Tòa tuyên án 7 năm tù vì tội dùng hung khí đe dọa làm tê liệt ý chí của người bị hại để cướp tài sản. Kết thúc phiên tòa, khi ra về, người nhà các bị cáo đón đường đe dọa, chửi bới các thành viên hội đồng. Hôm đó, tôi phải đi vòng vèo để thoát khỏi sự bám đuổi, theo dõi của người nhà các bị cáo.
 
Và nữa, lại một kỷ niệm “hú vía”. Hôm ấy, giữa trưa hè nóng bức. Tôi đang chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa để nghỉ trưa. Bỗng thấy một người xô cửa xông vào. Anh ta mặc áo phông có con đại bàng đen sải cánh trước ngực, người nồng nặc mùi rượu, nói: Cô hội thẩm, có nhớ tôi là ai không? Tôi trả lời: Tôi nhớ chứ! Tôi mới tham gia xử vụ ly hôn của anh cách đây hai ngày. Cô có thương tôi không? Tôi bảo: Tôi thương anh ở nhà nuôi hai con nhỏ cho vợ đi xuất khẩu làm thuê làm mướn gửi tiền về để anh nuôi con và làm nhà. - Tôi nói với cô là không phải thương kiểu ấy mà thương tôi kiểu khác! Tôi bàng hoàng, biết anh ta đang không bình thường. Tôi bình tĩnh mời anh ta vào nhà,  bật quạt, pha nước cam cho anh ta uống. Đợi anh ta dịu xuống, tôi hỏi: Anh có gì muốn nói với tôi không ? – Tôi muốn hỏi cô, tôi định viết đơn kháng cáo, bởi vì tòa đã xử chia đôi con, chia đôi nhà của tôi, không thể được, tôi uất lắm! Cô góp ý thật bụng cho tôi đi, có nên kháng cáo không? Tôi khuyên anh, không nên, vì luật ở cấp nào cũng thế, từ tòa án huyện, thành phố, tòa án tỉnh đến tòa án tối cao đều xử chung một luật. Anh kháng cáo chỉ mất thêm lệ phí thôi. Hãy nghe tôi đi. Anh ta cũng khẽ nhàng: Thôi, tôi nghe cô, vì tôi thấy cô cũng chân thành khuyên tôi, chào cô, tôi về. Anh ta về rồi, tôi nhẹ cả người!
 
Là một giáo viên dạy Văn, khi đi từ nhà tới trường, tôi thấy cuộc sống sao thanh bình yên ả. Và đáng yêu biết bao, sân trường rợp bóng cây xanh, tiếng chim hót líu lô trên những cành phượng vĩ hòa với tiếng nô đùa rộn rã yêu thương của học trò… Thật là nên nhạc nên thơ… Bước chân lên bục giảng, tôi thả mình vào những bài thơ, trên những cánh cò bay lả bay la trên đồng ruộng mênh mông xanh biếc… Anh bộ đội trong thơ cầm súng bảo vệ biển trời Tổ quốc thân yêu… Sao mà bình yên thế. Cuộc sống thật đáng yêu biết bao!
 
Nhưng, lúc ở tòa án, khi lật giở từng trang cáo trạng, mới hiểu ra rằng: Cuộc sống, xã hội mình đâu được bình yên thế, bằng phẳng thế. Mà thực tế, ngay trong phạm vi địa bàn thành phố mình đang sống, tội phạm đang xảy ra hàng ngày, hàng giờ dưới muôn vạn hình dạng khác nhau. Mặt trái của xã hội đang cần những con người cầm cân nảy mực để cho xã hội được trở lại bình yên như vốn có.
 
Đã 5 khóa tham gia làm công tác hội thẩm, một thời gian tương đối dài, tôi hiểu được khá nhiều điều. Để xử được một vụ án, đòi hỏi tập thể lãnh đạo tòa án, thẩm phán, hội đồng xét xử, vất vả biết dường nào. Vất vả ngay từ khi nghiên cứu hồ sơ cho đến khi xét xử, nghị án và tuyên án. Phải cẩn trọng trong từng chi tiết, hành vi nhỏ của từng sự việc liên quan. Bởi công việc này liên quan đến sinh mạng chính trị và vật chất của con người, liên quan đến an ninh, an toàn xã hội và cuộc sống bình yên cho tất cả mọi người. Các thẩm phán, các hội đồng xét xử luôn phải là người bản lĩnh, cân não để hoàn thành trọng trách cầm giữ cán cân công lý. Cán cân ấy luôn giữ được thăng bằng thì xã hội được bình yên, môi trường sống của mọi người được trong lành. 
 
Một ngày không xa nữa, tôi sẽ không còn được ngồi xét xử vì kết thúc nhiệm kỳ hội thẩm. Tự đáy lòng, tôi cảm nhận mối liên hệ giữa dạy Văn và dạy người. Làm công tác xét xử, tất cả đều nhân văn, đó là sự gặp gỡ giữa khuyến thiện và trừng ác, góp phần làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
 
Phạm Thị Tố Tâm
(Hội thẩm, Tòa án Nhân dân TP. Vinh)