Năm 2016, riêng phí đường bộ thu qua các trạm BOT dự kiến đạt khoảng 23.000 tỷ đồng (khoảng một tỷ USD), phí bảo trì đường bộ khoảng 6.000 tỷ, phí gửi xe tại các tòa nhà, bãi đỗ khoảng 15.000 tỷ.
Trong tham luận tại Diễn đàn Thanh toán điện tử 2016 (VEPF 2016), ông Vũ Quang Lâm, Thành viên HĐQT Tasco, kiêm Tổng giám đốc VETC cho biết, Việt Nam hiện có hơn 21.000 km đường quốc lộ, 730 km đường cao tốc và có khoảng hơn 100 trạm thu phí với lưu lượng xe khoảng 1,2 triệu lượt mỗi ngày đêm. Năm 2016, chỉ riêng phí đường bộ thu qua các trạm BOT dự kiến đạt khoảng 23.000 tỷ đồng (khoảng một tỷ USD), phí bảo trì đường bộ khoảng 6.000 tỷ, phí gửi xe tại các tòa nhà, bãi đỗ khoảng 15.000 tỷ.
"Những con số này thể hiện lượng giao dịch khổng lồ của các phương tiện giao thông trên đường quốc lộ, cao tốc, tại các trạm thu phí, trong nội đô hay các điểm đỗ, gửi xe... Điều này đòi hỏi một hình thức vận hành hoạt động giao thông vận tải thuận tiện, đơn giản trong việc khai thác và sử dụng nhưng đồng thời minh bạch, chặt chẽ trong quản lý", ông Lâm nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Tasco, thực tế, khi hàng loạt các dự án BOT giao thông mới bắt đầu được xây dựng, mô hình quản lý và hoạt động của các trạm thu phí công nghệ cũ (thu phí bằng tay, thu phí một dừng bằng mã vạch) đã thể hiện những nhược điểm do không đáp ứng được nhu cầu phát triển, gây ùn tắc giao thông và khó bảo đảm được tính minh bạch, nguy cơ thất thoát phí. Vì thế, giao thông thông minh (ITS) với việc ứng dụng các thành tựu mới nhất của công nghệ thông tin được kỳ vọng sẽ mang lại giải pháp đưa việc vận hành, quản lý hoạt động giao thông vận tải đạt đến trình độ phát triển mới, mang lại lợi ích cho toàn xã hội.
Tại Việt Nam, trước tháng 3/2016, chỉ có 5-7 trạm thu phí BOT có làn thu phí tự động công nghệ cũ với giá thành thiết bị cao, một vài bãi đỗ xe có làn thu phí tự động và chưa có tòa nhà nào có dịch vụ thu phí gửi xe tháng bằng thanh toán điện tử. Trong bối cảnh đó, ngày 13/3/2016, việc Liên danh Tasco – VETC thử nghiệm thành công và đưa vào sử dụng chính thức Dịch vụ thu phí tự động đường bộ VETC tại trạm thu phí Tasco Quảng Bình, mở đầu cho việc triển khai dịch vụ thu phí tự động tại các trạm thu phí trên toàn quốc, đánh dấu bước quan trọng trong tiến trình “công nghệ hóa” hoạt động quản lý, vận hành giao thông tại Việt Nam.
Dịch vụ thu phí tự động đường bộ VETC được áp dụng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification) sử dụng sóng radio để nhận diện tự động phương tiện xe cơ giới. Công nghệ RFID là công nghệ mới nhất được sử dụng phổ biến trên thế giới trong lĩnh vực nhận diện điện tử.
Về thực tế triển khai thu phí tự động đường bộ hiện nay,ông Lâm cho hay từ tháng 7/2016, Bộ Giao thông Vận tải chính thức phê duyệt dự án Thu phí tự động đường bộ của VETC theo hình thức hợp đồng BOO đầu tiên trên cả nước. Theo đó, trong giai đoạn 1 có 28 trên hơn 100 trạm sẽ thực hiện thu phí tự động trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14 – đoạn qua Tây Nguyên do VETC thực hiện.
Tính đến tháng 11/2016, đã có 7 trạm thu phí được vận hành thu phí tự động VETC, theo đó có khoảng 100.000 phương tiện được dán thẻ E-Tag (thẻ định danh phương tiện) và mở tài khoản giao thông VETC để sử dụng dịch vụ.
Theo lộ trình của Bộ Giao thông Vận tải, đến cuối năm 2017 các trạm thu phí trên toàn quốc phải có làn thu phí tự động và hết năm 2020 sẽ bỏ thanh chắn (barie) tại các trạm thu phí. Mục tiêu của VETC là trong năm 2017, 28 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14 sẽ thực hiện thu phí bằng dịch vụ thu phí tự động đường bộ, tiến tới toàn quốc thu phí tự động đường bộ vào năm 2020.
Từ ngày 1/7/2016, Công ty Cổ phần VETC đã triển khai hóa đơn điện tử đối với tất cả khách hàng tham gia sử dụng Dịch vụ thu phí tự động đường bộ VETC trên toàn quốc. Đối với các phương tiện sử dụng vé tháng, vé quý tại các trạm thu phí yêu cầu phải sử dụng dịch vụ VETC và thanh toán chuyển tiền qua ngân hàng.
Để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận công nghệ này, việc tổ chức dán thẻ E-Tag, mở Tài khoản giao thông miễn phí đã được VETC tổ chức thực hiện rộng rãi ở các địa phương có trạm thu phí sử dụng dịch vụ VETC, thông qua các trung tâm đăng kiểm, các trạm thu phí, các điểm dịch vụ VETC và các công tác viên dán thẻ di động…. Đồng thời, việc nộp tiền vào tài khoản thu phí được thực hiện đa dạng qua các kênh top-up như: mobile banking, internet banking, ví điện tử và các điểm dịch vụ nạp tiền trên toàn quốc…
Không chỉ tổ chức thu phí tự động tại các trạm thu phí trên quốc lộ, đường cao tốc, hình thức thu phí này còn được nghiên cứu để triển khai đồng thời đối với nhiều dịch vụ khác như bãi đỗ xe, phí bảo trì đường bộ, phí đăng kiểm, phí gửi xe tháng tại các tòa nhà…
Theo lãnh đạo Tasco, thực tế, hình thức thanh toán điện tử với các khái niệm như “công nghệ thu phí tự động”, “tài khoản giao thông”, “thu phí qua tài khoản”… lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam nên đối với nhiều người tham gia giao thông còn bỡ ngỡ, chưa hình dung được cách thức vận hành, chưa nhìn thấy được lợi ích của dịch vụ đối với bản thân và xã hội…
"Chính vì vậy đối với dự án này, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng như nhà đầu tư luôn xác định phải đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá rộng rãi các dịch vụ này tới người dân. Thậm chí công tác truyền thông còn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, quyết định đến thành bại của dự án bởi chỉ khi có sự đồng thuận, hưởng ứng của người tham gia giao thông thì dự án này mới đạt được những mục tiêu đề ra", vị này nhận định.
Theo VNE