Dự kiến, phí đường bộ cao tốc Bắc - Nam khi khai thác là 1.500 đồng/km, sau đó, cứ 2 - 3 năm tăng 200 - 300 đồng, mức thu cao nhất là 3.400 đồng/km.

Thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã nhấn mạnh, việc đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là cần thiết và không thể trì hoãn.

Trong phiên thảo luận tại tổ chiều 8/11 về dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ chương của Chính phủ về việc xây dựng trục lộ cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế chính trị quan trọng của đất nước để tạo sự đột phát kinh tế xã hội.

Chia “mành mành” không thể tạo đột phá

Theo ông Thể, địa phương nào phát triển được công nghiệp, thương mại, dịch vụ cao đều trở thành địa phương phát triển. Còn tỉnh nào tập trung nông nghiệp thì nghèo hơn. Tuy nhiên, nghèo hơn không có nghĩa là có lối thoát.

Bộ trưởng Thể nêu rõ, trong bối cảnh ngân sách khó khăn nếu đem “miếng bánh” chia ra 63 tỉnh, thành thì khó tạo đột phá. Muốn đất nước phát triển bền vững, ngân sách dồi dào, tỉnh giàu có đủ lực hỗ trợ tỉnh nghèo, muốn ngân sách có thêm tiền để hỗ trợ tỉnh nghèo thì không cách nào khác là phải làm cao tốc để có trục đường tạo động lực phát triển kinh tế lớn. Trước mắt là chọn những đoạn tuyến cần thiết, cấp thiết nhất để làm.

1510192498678.jpgTuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ tạo đột phá lớn về phát triển kinh tế - xã hội.

Giải đáp thắc mắc của ý kiến một số đại biểu Quốc hội về trong số 11 dự án thành phần thì có tới 3 dự án đầu tư công toàn bộ còn 8 dự án còn lại đầu tư theo hình thức BOT, Bộ trưởng Thể cho hay, với dự án Cao Bồ - Mai Sơn, 15km dù ngắn nhưng phải làm cao tốc 4 làn xe để bảo đảm lưu lượng Hà Nội - Nghệ An - Hà Tĩnh trên 35.000 xe/ngày đêm, tới 2020 tăng lên 40.000 xe, nếu không có cao tốc sẽ ách tắc.

Đoạn này hiện đã đầu tư 2 làn xe rồi, cả trục 4 làn không lý do gì không đầu tư, nhưng nếu làm BOT rồi thu phí thì sẽ gây tâm tư vì đường cũ đầu tư lại rồi thu phí.

Dự án thứ 2 đầu tư công là đoạn Cam Lộ - La Sơn để tới 2020 đường Hồ Chí Minh tới mũi Cà Mau thông xe nhưng riêng đoạn này chưa có cao tốc. Vì vậy CP thống nhất đầu tư, nhưng do lưu lượng hạn chế nên chỉ đầu tư 2 làn xe và dùng đầu tư công 102 km với hơn 7.000 tỷ đồng.

Dự án thứ 3 là cầu Mỹ Thuận 2, đầu tư đặc thù 7km vốn đầu tư công khoảng hơn 5.000 tỷ đồng để tạo động lực cho 2 dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ đẩy nhanh tiến độ để tới 2020 thông tuyến, ông Thể giải thích.

Thu phí BOT cao nhất là 3.400 đồng/km

Về cơ chế giá thu, ông Nguyễn Văn Thể cho biết Bộ Giao thông Vận tải đang xin cơ chế giá dịch vụ với mỗi dự án 24 năm. Hiện Chính phủ thống nhất trình thu phí kín để tránh tình trạng thu phiếu hở đi bao nhiêu tính bấy nhiêu.

Trên cơ sở quy định của Luật Giá, để đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường, mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc Bắc - Nam khoảng 2.500 đồng/xe con tiêu chuẩn (PCU)/km tương ứng với thời gian kinh doanh khoảng 24 năm và phần vốn góp Nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 55.000 tỷ đồng, ông Thể trình bày.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải, để đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận, phù hợp với cơ chế thị trường và sức chi trả của người dân, Chính phủ xác định mức giá tại thời điểm đưa vào khai thác là 1.500 đồng/km. Sau đó, theo lộ trình, cứ 2 - 3 năm tăng 200 - 300 đồng. Mức thu cao nhất là 3.400 đồng/km.

“Có thể bây giờ giá như thế là cao nhưng 24 năm sau kinh tế phát triển thu 3.400 đồng có khi lại quá nhỏ”, Bộ trưởng Thể nêu rõ, đồng thời cho rằng phương án này mới có khả năng huy động được 70.000 tỷ đồng làm 654 km từ nay đến năm 2020 ngoài tiền ngân sách nhà nước chi là 55.000 tỷ đồng.

Theo tờ trình của Chính phủ, quốc lộ 1 hiện nay đã được đầu tư mở rộng 4 làn xe, năng lực đáp ứng được khoảng 35.000 xe con mỗi ngày đêm.

Đến năm 2020 nhu cầu vận tải trên các đoạn Nam Định - Hà Tĩnh, Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, Đồng Nai - Khánh Hòa vượt quá năng lực của quốc lộ 1; đến khoảng năm 2025, nhu cầu vận tải trên các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị, đoạn Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng, Quảng Ngãi - Khánh Hòa vượt quá năng lực của tuyến quốc lộ 1.

Việc đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam không thể trì hoãn do: Cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; Đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, đặc biệt là một số đoạn có nhu cầu cấp bách nhằm sớm khắc phục tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông; giải quyết những hạn chế mà quốc lộ 1 không thể đáp ứng; Lựa chọn khả thi trong bối cảnh đường sắt tốc độ cao chưa thể đầu tư sớm.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN