(Baonghean) - Lâu lắm rồi, kết quả một cuộc bầu cử Quốc hội ở Iran mới lại được chờ đợi đến thế - không chỉ là sự chờ đợi của 80 triệu người dân Iran, mà còn cả cộng đồng quốc tế. Người ta tự hỏi liệu sẽ có một sự thay đổi căn bản trong Quốc hội Iran vốn do phe bảo thủ thống trị lâu nay? Liệu chính sách thân phương Tây của phe ủng hộ cải cách có bị “gây khó dễ”? 

Chấm điểm sự hài lòng của người dân
 
images1471159_bau_cu_iran_1___abc.jpgTổng thống Hassan Rouhani tuyên bố tiếp tục cống hiến vì tương lai của đất nước Iran. Ảnh: ABC
Trong cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên kể từ khi Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1, người dân Iran sẽ chọn ra 290 thành viên Quốc hội và 88 thành viên Hội đồng Chuyên gia - cơ quan chỉ định và giám sát công việc của lãnh đạo tối cao. Sở dĩ mốc thời gian Iran đạt thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1 luôn được nhắc tới bởi nó là di sản lớn nhất mà Tổng thống Iran Hassan Rouhani đạt được trong nhiệm kỳ của mình tính tới thời điểm này, là minh chứng rõ nhất cho sự thay đổi của một Iran cởi mở hơn, thân thiện hơn với phương Tây, đang từng bước thoát khỏi sự cô lập trên trường quốc tế. Bởi vậy, cuộc bầu cử lần này sẽ là cơ hội để chấm điểm sự hài lòng của người dân với những gì mà ông Rouhani đã mang tới cho đất nước Iran, thể hiện qua lá phiếu ủng hộ phe cải cách hay ủng hộ phe bảo thủ. 
 
Theo quy định của Iran, kết quả kiểm phiếu chỉ được công bố sau khi có sự phê chuẩn của Hội đồng giám hộ - là cơ quan chịu trách nhiệm xét duyệt tư cách ứng cử của các ứng cử viên. Nhưng ngay từ khi chưa có kết quả chính thức, những thông tin trong quá trình kiểm phiếu sơ bộ ở từng khu vực bầu cử đã liên tục được gửi đi, cho thấy cuộc chạy đua vô cùng quyết liệt giữa phe cải cách và ôn hòa với phe bảo thủ. Thủ đô của Iran với dân số 12 triệu người là Tehran đã chứng kiến sự nổi dậy mạnh mẽ của lực lượng cải cách ôn hòa.
Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei tham gia bỏ phiếu. Ảnh: Haaretz
Theo đó, phe cải cách đã giành được tới 29/30 ghế trong Quốc hội, còn phe bảo thủ chỉ giành được duy nhất 1 ghế. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc phe cải cách ôn hòa sẽ thắng thế ở các khu vực bỏ phiếu khác. Những thông tin sau đó đã củng cố nhận định này khi phe bảo thủ có được 82 ghế trong Quốc hội, trong khi phe bảo thủ và ôn hoà mới có được 49 ghế, còn các ứng cử viên độc lập có được 71 ghế. Tuy nhiên, kết quả chính thức cuối cùng sẽ phụ thuộc vào các cuộc bầu cử bổ sung ở một số thành phố và thị trấn, nơi mà các ứng cử viên không giành đủ 25% số phiếu tối thiểu theo yêu cầu. 
 
Cuộc đua gay cấn trong cuộc bầu cử Quốc hội Iran đã từng được giới chuyên gia dự đoán trước, xuất phát từ quan điểm khác nhau của người dân Iran triển vọng phát triển kinh tế của đất nước. Những người ủng hộ phe cải cách và ôn hòa tin tưởng vào viễn cảnh tiềm năng đầu tư nước ngoài gia tăng mạnh mẽ sau thỏa thuận hạt nhân sẽ tạo “cú hích” cho nền kinh tế, giúp tạo ra nhiều việc làm mới. Ngược lại, những người ủng hộ phe bảo thủ lại giữ vững niềm tin vào một mô hình phát triển kinh tế theo hướng “tự cung tự cấp”, phù hợp với những ý tưởng của cuộc Cách mạng hồi giáo năm 1979 và giữ khoảng cách “thận trọng” trong các mối quan hệ ngoại giao. 
 
Cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ
 
Dư luận quốc tế đánh giá đây là một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của Iran, bởi trước đây phe bảo thủ luôn chiếm thế áp đảo trong Quốc hội. Có thể ngay thời điểm này, Tổng thống Hassan Rouhani và các cộng sự của mình vẫn phải tranh đấu mạnh mẽ cho con đường cải cách, nhưng ông Rouhani có cơ sở để tin rằng đây sẽ là sự khởi đầu cho một xu hướng phát triển mới của đất nước khi gần 60% trong tổng số 80 triệu dân của Iran là dân số trẻ (dưới 30 tuổi). Họ đang háo hức với viễn cảnh được hội nhập với thế giới sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và đặt hy vọng vào chính phủ của Tổng thống Rouhani có thể cải thiện con số 25% thất nghiệp trong thanh niên như đã từng cam kết. 
 
Sau khi có kết quả kiểm phiếu sơ bộ, ông Rouhani đã rất tự tin tuyên bố rằng: "Cuộc cạnh tranh đã kết thúc. Đã đến lúc mở ra một chương mới trong quá trình phát triển kinh tế của Iran dựa vào những nguồn lực nội tại và các cơ hội quốc tế”.
 
Có lẽ ông Rouhani đã nhận thấy khả năng thúc đẩy các chương trình nghị sự của chính phủ khá thuận lợi với cán cân quyền lực chính trị trong Quốc hội hiện nay khi phe cải cách ôn hòa đã có tiếng nói hơn rất nhiều so với thời điểm ông đắc cử Tổng thống. Sự hiện diện mạnh mẽ nhất của lực lượng cải cách trong Quốc hội kể từ năm 2004 đến nay đang giúp chính phủ của ông Rouhani nâng cao uy tín và gia tăng ảnh hưởng, giúp ông tiếp tục thực hiện những cải cách theo hướng đưa Iran xích lại gần với phương Tây hơn. 
 
Những phụ nữ Iran ủng hộ phe cải cách. Ảnh: Reuters
Có thể quãng thời gian hơn 1 tháng kể từ khi các lệnh cấm vận Iran được dỡ bỏ chưa đủ để mang lại những kết quả đo đếm được. Nhưng những chuyến công du của hàng loạt nhà lãnh đạo phương Tây tới Iran cũng như của Tổng thống Rouhani tới châu Âu nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế, sự tham gia của Iran vào các “hồ sơ nóng” của khu vực đã cho thấy một Iran thực sự “chuyển mình” trong quá trình hội nhập trở lại với thế giới. Các chuyên gia kinh tế dự báo, khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ, tốc độ tăng trưởng của Iran được kỳ vọng đạt từ 7-8%/năm, Iran có thể từ nền kinh tế lớn thứ 29 trên thế giới vươn lên vị trí thứ 22.
 
Ông Rouhani và phe cải cách đang có một nền tảng rất tốt để thu hút sự ủng hộ của người dân Iran. Tất nhiên, để duy trì được sự ủng hộ này, để con đường cải cách của Iran trở thành một xu hướng không thể đảo ngược, để cuộc bầu cử Quốc hội lần này thực sự “mở ra chương mới” cho Iran, chính phủ của ông Rouhani sẽ phải chứng minh được khả năng điều hành đất nước của mình, trong đó có khả năng vượt qua những rào cản đến từ phe bảo thủ. Đó sẽ là một cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của những người theo phe ôn hòa, trong đó có Tổng thống Hassan Rouhani - những người đã được cử tri Iran tín nhiệm. 
 
 
Thúy Ngọc