Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 375/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản.

790851_small_91967.jpg

Hải sản đánh bắt về cập bến tại bến cá xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Theo đó, đến năm 2020, khoảng 40% tàu cá khai thác hải sản trên biển hoạt động theo các mô hình liên kết. Số vụ tàu cá bị thiệt hại do thiên tai, rủi ro trên biển giảm xuống dưới 75% so với năm 2011...
 
Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, cơ bản hoàn thành việc tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản phù hợp với từng nhóm nghề, từng ngư trường nhằm nâng cao hiệu quả và thu nhập của ngư dân, đồng thời hướng đến phát triển thành ngành công nghiệp khai thác hải sản hiệu quả và bền vững.
 
Cụ thể, đến năm 2020, khoảng 40% tàu có khai thác hải sản trên biển hoạt động theo các mô hình liên kết; Trong đó, 90-100% tàu cá hoạt động ở vùng khơi tổ chức sản xuất theo mô hình có tàu dịch vụ hậu cần nghề cá trên ngư trường. 100% tàu cá khai thác hải sản vùng khơi được cung cấp bản tin dự báo ngư trường hạn ngắn (7-15 ngày/bản tin).
 
Đề án cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2020 giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 10%; giảm số vụ tàu cá bị thiệt hại do thiên tai, rủi ro trên biển xuống dưới 75% so với năm 2011.
 
Để đạt được mục tiêu trên, nhiệm vụ của đề án là tổ chức, sắp xếp lại tàu thuyền khai thác hải sản vùng biển ven bờ và vùng lộng theo quy hoạch của ngành và của từng địa phương; xây dựng, phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết các khâu trong quá trình sản xuất, từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, phù hợp với từng nghề, từng địa phương; đẩy mạnh phân cấp quản lý tàu cá khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng cho các địa phương; phát triển mô hình tổ chức đồng quản lý nghề cá vùng biển ven bờ.
 
Đối với sản xuất trên vùng biển khơi, trên cơ sở số liệu điều tra nguồn lợi hải sản ở vùng khơi, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển tàu cá; xác định số lượng tàu cá khai thác tối đa trên từng vùng biển, theo nhóm nghề, đối tượng khai thác. Đồng thời, tổ chức lại công tác quản lý khai thác hải sản vùng khơi theo hạn ngạch; xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất hợp tác xã, tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển...
 
Bên cạnh đó, tổ chức lại dịch vụ hậu cần trên bờ, nhất là khâu thu mua, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo hướng phát triển các Hợp tác xã, tổ hợp tác kinh doanh thủy sản và dịch vụ hậu cần, tạo mối liên kết chia sẻ lợi ích giữa ngư dân khai thác với tổ chức, doanh nghiệp thu mua, cung cấp dịch vụ tại cảng cá, bến cá.../.


Theo (Chinhphu.vn) - L.T