Tuần qua, các báo xôn xao bàn luận về Nghị định 46/2016/NĐ-CP tăng mức phạt với “vượt đèn vàng” ngang bằng “vượt đèn đỏ”.
Trên rất nhiều báo chạy với dòng tiêu đề ‘vượt đèn vàng, phạt như đèn đỏ”. Dòng tiêu đề này đã khiến không ít người dân chưa nắm rõ vấn đề nghĩ rằng đó là bất hợp lý trong quy định.
Theo các bài báo lý giải, đèn vàng hay được gọi là "tín hiệu vàng" trong các văn bản luật và dưới luật là loại đèn tín hiệu trung gian, bước chuyển để báo hiệu cho các xe chuẩn bị từ đèn xanh (được đi) sang đèn đỏ (dừng lại).
Vì khoảng nghỉ này có những thời điểm chuyển đổi nên dễ gây ra hiểu nhầm và tranh cãi giữa người tham gia giao thông và CSGT. Qua đó, một số bài báo cho rằng Nghị định 46/2016/NĐ-CP, do Bộ Giao thông Vận tải trình ký, đã nâng mức phạt vượt đèn vàng lên bằng mức phạt vượt đèn đỏ.
Thậm chí, có báo còn dẫn lời luật sư cho rằng: “Tính chất lỗi của vượt đèn vàng nhẹ hơn mức độ lỗi của vượt đèn đỏ nên Nghị định 171/2013 quy định mức phạt vượt đèn vàng thấp hơn mức phạt vượt đèn đỏ”.
Thực tế, tại Nghị định 171/2013 không quy định lỗi nào là “vượt đèn vàng” và “vượt đèn đỏ”.
Kế thừa quy định tại điểm k khoản 4 điều 1 Nghị định 171/2013/NĐ- CP, tại Nghị định 46/2016/NĐ- CP cũng tiếp tục quy định với hành vi “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”.
Xét về kỹ thuật lập pháp, dùng từ “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” đã bao hàm rất nhiều các hiệu lệnh đèn tín hiệu khác, chẳng hạn như vạch nằm ngang, vạch nằm dọc (mà Hà Nội đang lắp đặt tại các ngã tư trên đường Lê Văn Lương) và các tín hiệu đèn khác.
Gọi là lỗi vượt đèn đỏ, hay vượt đèn vàng chỉ là cách gọi của dân gian mà không phải là ngôn ngữ của luật. Do đó, sẽ có những cách hiểu không chính xác.
Trao đổi với PV Infonet, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn luật sư Tp HCM) cho rằng: “Nghị định quy định phạt 1.200.000-2.000.000 đồng cho ôtô và 300.000- 400.000 đồng cho xe máy "đối với người điều khiển xe không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông". Một số báo đăng “vượt đèn vàng bị phạt” là chưa hiểu đúng nguyên nghĩa của quy định. Không phải mọi trường hợp vượt đèn vàng đều bị phạt.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng lý giải, tại khoản 3 điều 10 Luật Giao thông đường bộ quy định: “Tín hiệu đèn giao thông có ba mầu, quy định như sau: a) Tín hiệu xanh là được đi; b) Tín hiệu đỏ là cấm đi; c) Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường”.
“Như vậy, có hai trường hợp được vượt đèn vàng, một là người điều khiển đã đi quá vạch dừng và trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy, đều là trường hợp hoàn toàn không vi phạm.
Do đó, không thể có lỗi “vượt đèn vàng” mà chỉ có lỗi "không tuân theo hiệu lệnh tín hiệu đèn”- Luật sư Nguyễn Kiều Hưng nhấn mạnh.
So sánh với quy định cũ và mới: Điều 1, Nghị định 171/2013/NĐ- CP: 4. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi sau đây: k) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Điều 5, Nghị định 46/2013/NĐ- CP: 5. Phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; b) Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông. |
Theo Infonet.vn