Ngày 24/4, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Quốc gia về y tế biển, đảo đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án "Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020" với sự tham gia của gần 250 đại biểu đại diện cho các cơ quan, đơn vị thuộc các Bộ, ngành trung ương và các địa phương ven biển.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hệ thống y tế hiện nay được tổ chức theo qui hoạch chung trong hệ thống y tế quốc gia; tuy nhiên cũng chưa thống nhất về tổ chức ở một số tỉnh, huyện. Cùng với đó, năng lực của các trung tâm y tế, bệnh viện, trạm y tế xã đảo còn hạn chế; các dịch vụ y tế (đặc biệt là chuyên khoa, kỹ thuật cao) chưa bao phủ hết đối với quân và dân đang sinh sống, làm việc trên biển đảo; thiếu hệ thống chuyển cấp cứu hiệu quả trên biển... 

793744_small_95109.jpg

Gần 250 đại biểu đại diện cho các cơ quan, đơn vị thuộc các Bộ, ngành trung ương và các địa phương ven biển tham dự Hội nghị. Ảnh:ĐT

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, từ năm 1991, việc chăm sóc sức khoẻ quân và dân trên biển, đảo đã triển khai theo mô hình kết hợp quân dân y mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, đến nay cũng bộc lộ nhiều bất cập do thiếu cơ chế liên kết các lực lượng y tế, chính sách xã hội chưa phù hợp, chính sách về tài chính - đầu tư chưa hợp lý. Hiện nay, sự phát triển về qui mô dân số, phát triển kinh tế biển, thời tiết bất thường và nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc đang là thách thức lớn đối với ngành y tế trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ quân và dân sinh sống, làm kinh tế và công tác trên vùng biển, đảo của tổ quốc.

Chính vì vậy, hội nghị được tổ chức nhằm triển khai Đề án "Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam năm 2020" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời thảo luận những nội dung cơ bản, những mốc thời gian và nguồn lực để triển khai Đề án trên phạm vi cả nước, trong phạm vi của các bộ, ngành và mỗi địa phương có liên quan làm cơ sở để Ban chỉ đạo các cấp xây dựng kế hoạch triển khai Đề án.

Theo số liệu điều tra năm 2012 của Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế), có 31,1% các trung tâm y tế thuộc các huyện đảo chưa có cơ sở riêng; 33,5% trạm y tế cần xây mới; trên 50% trạm y tế xã đảo không có bác sĩ; 80% tổng số hộ gia đình khu vực biển, đảo cần khám, chữa bệnh. Trong khi đó, hệ thống y tế nhân dân vùng biển đảo hiện tại vừa thiếu vừa chưa đủ năng lực chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ quân và dân trên biển, đảo phục vụ phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Theo nội dung Đề án đã được phê duyệt, ngân sách thực hiện "Đề án dự kiến là 8.200 tỷ đồng. Nguồn vốn trên sẽ lấy từ ngân sách sự nghiệp, trái phiếu Chính phủ, đầu tư phát triển, ODA, xã hội hóa và các nguồn vốn huy động từ các nguồn lực khác".

Phạm vi Đề án sẽ triển khai tại 151 quận, huyện, thị xã, thành phố của 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương. Mục tiêu bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe.

Đề án đặt chỉ tiêu đến năm 2020 sẽ đào tạo, bổ túc bác sỹ về y học biển để có đủ năng lực cấp cứu, khám chữa các bệnh lý đặc thù biển cho 70% các bệnh viện/trung tâm y tế huyện đảo và các bệnh viện ven biển thuộc các Bộ, ngành kinh tế biển. 100% Trung tâm y tế dự phòng ở địa phương ven biển mà mỗi Bộ, ngành kinh tế biển có một đơn vị, đủ năng lực khám dự phòng, tư vấn sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp, phòng chống dịch bệnh cho nhân dân, lực lượng lao động vùng biển, hải đảo.

Với các xã đảo độc lập trên biển, Đề án đặt mục tiêu 100% các xã có trạm y tế, trong đó 50% đạt tiêu chí chuẩn y tế cho vùng biển, đảo, phấn đấu 40% bệnh viện/ trung tâm y tế huyện đảo có khả năng triển khai kỹ thuật ngoại khoa tương đương bệnh viện hạng 2./.


Theo (dangcongsan.vn) - HL