(Baonghean) - Sau khi chia tách (tháng 7/2013), huyện Quỳnh Lưu đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển 3 lĩnh vực mũi nhọn là trồng trọt, thủy sản và cụm công nghiệp tập trung. Nhờ xác định được hướng đi phù hợp đó, Quỳnh Lưu đã bước đầu tạo được thế “chân kiềng” vững chắc thúc đẩy kinh tế phát triển.

Nâng sản lượng lương thực

Năm 2014, Quỳnh Lưu  có diện tích đất gieo trồng là 26.693 ha, giảm 1,24% so với năm 2013 (diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Quỳnh Lưu giảm nhiều vì chia tách huyện), nhưng sản lượng lương thực đạt 103.004 tấn, tăng 8,83% so với năm 2013. Tạo ra được sự chuyển biến tích cực đó chính là nhờ quy hoạch, đầu tư hợp lý, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới cơ cấu giống, dịch chuyển sản xuất theo đúng định hướng.

Ông Hồ Ngọc Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công trong phát triển kinh tế của huyện là đã xây dựng được quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng giai đoạn chi tiết và trên cơ sở đó, hàng năm huyện tổ chức hội nghị duyệt kế hoạch cụ thể cho từng xã, thông qua đó rà soát, điều chỉnh và định hướng phát triển gắn với quy hoạch từng vùng kinh tế của huyện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở, đồng thời ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ phát triển kinh tế, nhất là về lĩnh vực nông nghiệp, như phát triển mô hình cách đồng mẫu lớn, dồn điền, đổi thửa, giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng các mô hình chăn nuôi tập trung… Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế một cách đúng hướng”.

Ngư dân thôn Nghĩa Phú, xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) đóng tàu công suất lớn. Ảnh: Hồng Diện

Bởi vậy, trong khi nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh hiện đang tập trung xây dựng các mô hình đầu tư thâm canh rau sạch, chất lượng cao, thì bà con nông dân ở Quỳnh Lưu đã làm đại trà. Không chỉ nghề trồng rau Quỳnh Lương nổi tiếng cả nước, mà nay nhiều xã khác cũng rất thành công trong chuyển đổi ruộng đất, tập trung đầu tư thành cánh đồng lớn, thâm canh rau an toàn. Năm 2014, trên diện dích 3.147 ha rau, màu, bà con nông dân đạt sản lượng 53.041 tấn (năng suất bình quân đạt 168,53 tạ/ha). Thời gian qua, mặc dù ngân sách gặp khó khăn, nhưng huyện cũng đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng/năm hỗ trợ cho người dân thực hiện cánh đồng mẫu lớn. Được quy hoạch, định hướng phát triển cụ thể, có cơ chế hỗ trợ kịp thời, cùng với đó là sự năng động, nhạy bén về thị trường của người dân, Quỳnh Lưu nhanh chóng phát triển được những vùng chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn mang lại hiệu quả cao, như: Vùng cây nguyên liệu phục vụ cho chế biến công nghiệp ở phía Tây của huyện; cánh đồng mẫu lớn rộng từ 30 – 60 ha trồng lúa chất lượng cao, AC5, NA2 ở xã Quỳnh Ngọc, An Hòa, Quỳnh Thạch, Quỳnh Lâm… Cơ cấu cây trồng ở Quỳnh Lưu tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng, năng suất các loại cây trồng đều vượt kế hoạch. 

Hướng ra biển lớn

Ngư nghiệp là nghề chính ở xã Sơn Hải. Năm 2014, từ 252 chiếc tàu thuyền, ngư dân trong xã đã ra khơi khai thác hải sản với sản lượng gần 2.730 tấn. Cùng với đó, việc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản đã giúp xã đạt tổng giá trị của ngư nghiệp gần 112,8 tỷ đồng. Năm 2014 này, tổng giá trị ngư nghiệp tăng hơn gấp 2 lần, đạt 240 tỷ đồng, trong đó nhờ phát triển nghề đánh bắt xa bờ, nên lượng khai thác tăng lên 3.500 tấn. Ông Trần Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho biết: “Tạo được sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực ngư nghiệp, là do chính sách hỗ trợ, đầu tư của nhà nước cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn vươn ra khơi xa. Hiện nay, trong xã có 215 chiếc tàu đánh bắt xa bờ (trong đó có tàu công suất 700 CV) và được trang bị các loại máy móc hiện đại như máy dò ngang, máy Movimar, máy kết nối vệ tinh, máy Icom… nên các tàu đã vươn ra khai thác hải sản ở vùng Vịnh Bắc Bộ, đem về nguồn lợi hải sản đa dạng, giá trị cao và trữ lượng lớn, vì vậy, giá trị ngư nghiệp của Sơn Hải tăng nhanh”.

Quỳnh Lưu có hơn 19,5 km đường biển, có 2 lạch chính đổ ra biển và nối nhau với các hệ thống sông Mai Giang, kênh Nhà Lê, tạo thành vùng triều rộng lớn, nên rất thuận lợi cho việc phát triển thủy sản. Ông Nguyễn Xuân Dinh – Trưởng phòng NN & PTNT  cho biết: “Thông qua các chương trình, dự án cho vay, hỗ trợ vốn của Nhà nước, ngư dân đã chủ động đầu tư đóng tàu thuyền công suất lớn để vươn xa. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 1.253 tàu thuyền, trong đó có 662 tàu công suất trên 90 CV, với tổng công suất máy là 225.730 CV. Do phát triển đội tàu khai thác xa bờ đi đôi với bảo vệ chủ quyền biển đảo, lấy Vịnh Bắc Bộ là ngư trường truyền thống và vùng biển Hoàng Sa là ngư trường tiềm năng, nên thời gian qua, ngư dân Quỳnh Lưu đã khai thác hiệu quả nghề đánh bắt hải sản xa bờ”.

Để giúp ngư dân vươn khơi, bám biển, huyện Quỳnh Lưu đang tích cực triển khai việc hỗ trợ ngư dân đăng ký đóng tàu mới thuyền theo Nghị định 67 – CP. Song song với đó, vận động các tổ chức tín dụng, nhất là Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT Quỳnh Lưu tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn. Chỉ tính riêng năm 2014, Ngân hàng Nông nghiệp huyện đã hỗ trợ khoản vốn hơn 100 tỷ đồng cho ngư dân đóng mới 50 tàu công suất từ 90 CV trở lên, và do làm tốt công tác tín dụng, quản lý nguồn vốn, nên không phát sinh nợ xấu. Đây là tín hiệu vui của ngư dân Quỳnh Lưu và cả với các tổ chức tín dụng, vì qua đó, tạo niềm tin để cùng tiếp tục mạnh dạn đầu tư vào đóng mới tàu thuyền công suất lớn vươn ra khơi xa.

Một cách làm tạo hiệu quả tích cực trong khai thác hải sản ở Quỳnh Lưu, đó là việc ngư dân thành lập các tổ hợp tác trên biển, như mô hình nghề câu kết hợp với nghề vây, mô hình thuyền dịch vụ hậu cần kết hợp với các tổ hợp tác khai thác và trong năm 2014, đã thành lập 13 tổ hợp tác trên biển, nâng tổng số tổ hợp tác toàn huyện lên 81 đơn vị, đưa 100% số tàu thuyền khai thác hải sản vào tổ chức này. Với cách đầu tư mạnh mẽ để phát triển đa dạng các loại hình hoạt động của nghề khai thác hải sản trên biển, năm 2014, sản lượng khai thác, nuôi trồng thuỷ, hải sản của Quỳnh Lưu đạt 53.212 tấn (tăng 59,2% so với năm 2013) và tổng  giá trị là 1.314 tỷ đồng (tăng 31,1% so với năm 2013). 

Tín hiệu khả quan từ cụm công nghiệp 

Trước đây, quy hoạch các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp tập trung (CCN) của Quỳnh Lưu là ưu tiên phát triển về phía Bắc, nên sau khi chia tách, các vùng này thuộc vào TX. Hoàng Mai. Vì vậy, Quỳnh Lưu hiện nay đang dồn sức tập trung quy hoạch, đầu tư phát triển các KCN, CCN. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn cho công tác này là tại các địa phương vùng đồng bằng lại không có đủ diện tích đáp ứng cho việc xây dựng phát triển KCN, CCN. 

Được biết, trước đây Quỳnh Lưu cũng đã quy hoạch 2 CCN tại xã Quỳnh Giang (rộng 33 ha) và Quỳnh Hồng (rộng hơn 30 ha), nhưng không thành công vì khó khăn trong việc GPMB. Ông Nguyễn Sơn Hà -Trưởng phòng Công Thương Quỳnh Lưu cho biết: “Qua khảo sát, huyện đã lựa chọn quy hoạch đầu tư các KCN, CCN tại vùng phía Tây của huyện (gồm các xã Tân Thắng, Quỳnh Châu, Ngọc Sơn…). Tuy đầu tư ở vùng này gặp rất nhiều khó khăn về hạ tầng kỹ thuật, cách xa trung tâm huyện, nhưng lại có lợi thế về đất đai rộng lớn, phù hợp với các ngành nghề sản xuất, chế biến công nghệ cao, dệt may, mỹ nghệ, VLXD… Hiện nay, huyện đã hợp đồng với Viện Quy hoạch & Thiết kế - Xây dựng Nghệ An khảo sát 3 CCN tại xã Ngọc Sơn rộng 40 ha, Quỳnh Châu rộng 70 ha và Tân Thắng 70 ha. Cùng với đó, huyện đang hoàn thành các thủ tục cần thiết để trình tỉnh bổ sung vào quy hoạch các CCN”.

Quyết tâm đầu tư phát triển các CCN để tạo ra bước đột phá phát triển ngành CN - TTCN ở Quỳnh Lưu là hướng đi phù hợp, các cấp, ngành liên quan ở huyện đang nỗ lực triển khai. Nhằm tạo điều kiện thông thoáng trong thu hút nhà đầu tư, Quỳnh Lưu ban hành cơ chế, chính sách phù hợp như: Cải cách thủ tục hành chính nhanh, gọn; hỗ trợ  cùng doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục đầu tư; miễn giảm thuế; Giá thuê đất hợp lý; hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động; khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật CCN…

Với việc tập trung phát triển 3 mũi nhọn là, trồng trọt, thủy sản và công nghiệp, huyện Quỳnh Lưu đang từng bước khẳng định là một trong những “cực tăng trưởng” quan trọng ở phía Bắc của tỉnh. 

Hoàng Vĩnh