(Baonghean) - Bước vào thực hiện mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2010 - 2015, trong bối cảnh suy thoái kinh tế chậm hồi phục ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá trắng, thiếc. Do vậy, hướng chỉ đạo của huyện Quỳ Hợp là tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, giữ ổn định hoạt động các doanh nghiệp; đồng thời gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc trên địa bàn, tập trung cho sự nghiệp trồng người.
Đột phá 3 cây trồng chủ lực
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Huyện ủy Quỳ Hợp ban hành 15 nghị quyết, trong đó, trên lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn có đến 5 nghị quyết, đáng lưu ý có Nghị quyết số 07- NQ/HU về “Thâm canh tăng năng suất các loại cây trồng chủ lực: lúa, ngô, lạc, mía đạt và vượt mức bình quân chung của tỉnh”. Có thể nói, với việc ban hành một loạt các nghị quyết trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và sự quyết liệt trong chỉ đạo triển khai thực hiện nên kết quả đạt được toàn diện. Sản lượng lương thực năm 2013 đạt trên 36.500 tấn/32.000 tấn (chỉ tiêu ĐH), vựợt trước 2 năm; năng suất bình quân 60 tạ/ha, hơn mức bình quân của tỉnh 4 tạ/ha.
Đối với Quỳ Hợp, một huyện miền núi không mấy thuận lợi đối với cây lúa nước thì đạt được kết trên quả là một sự nỗ lực rất lớn. Đồng chí Hoàng Văn Thái, Trưởng phòng NN&PTNT cho biết: Thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ huyện, Quỳ Hợp việc đầu tiên làm được là đã sàng lọc thay thế 12 loại giống bị thoái hóa bằng bộ giống cho năng suất, chất lượng cao như giống Kinh sở ưu 1588, PHB71, TH 3-5, SL9... đồng thời áp dụng đồng loạt các giải pháp về kỹ thuật như sử dụng phân dúi sâu, phân nén chống rửa trôi, gieo cấy, chăm sóc theo phương pháp SRI, bảo vệ thực vật đúng quy trình... Xã Châu Đình - một trong những xã có diện tích lúa nước khá lớn của huyện Quỳ Hợp (320 ha), trong chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, nhiệm kỳ này Đảng ủy xã mặc dù không có nghị quyết chuyên đề riêng nhưng trong chỉ đạo đều lồng ghép nhằm hỗ trợ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tập trung vào 2 cây chủ lực là cây lúa và cây mía.
Cụ thể đối với cây lúa, bên cạnh thay đổi bộ giống mới ổn định năng suất, chất lượng thì đã đầu tư nâng cấp hệ thống 5 trạm bơm điện, 1 đập dâng và 2 hồ chứa, đồng thời xây dựng mới 1,7 km kênh nội đồng đảm bảo nước tưới thường xuyên cho toàn bộ diện tích lúa. Để giống lúa mới năng suất cao nhanh đi vào đời sống bà con, Châu Đình xây dựng một số mô hình đối chứng như mô hình 10 ha lúa Kinh sở ưu tại xóm Mới, xóm Hầm, 5 ha giống AC5 tại xóm Bù Sen... Đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Chủ tịch UBND xã nêu kinh nghiệm: “Xây dựng mô hình thành công nhưng đồng thời phải tổ chức hội thảo đầu bờ nói rõ các giải pháp kỹ thuật chăm bón, giống, để bà con thấy được hiệu quả, khi đó mới triển khai nhân rộng được”.
Tại xã vùng trong Châu Lý, giải pháp có hiệu quả nhất khi triển khai thực hiện Nghị quyết xóa đói giảm nghèo là Đảng ủy xã chỉ đạo rà soát quỹ đất sản xuất nông nghiệp tăng diện tích lúa nước ổn định đưa vào quản lý, nhờ đó diện tích lúa nước từ chỗ cả xã chỉ có 190 ha thì sau rà soát đã tăng lên đến 317 ha, tạo ra sản lượng lương thực hàng năm đạt trên 4.300 tấn. Một thắng lợi lớn của Châu Lý, vụ đông năm nay xã mạnh dạn trồng thử nghiệm 40 ha ngô đông trên đất 2 lúa cho hiệu quả kinh tế cao.
Cũng trên lĩnh vực nông nghiệp, một thành công mang tính chất “dấu ấn”, đó là Quỳ Hợp đã khống chế được dịch bệnh chồi cỏ và những nguy cơ do dịch bệnh này gây ra, lấy lại vị thế huyện trọng điểm vùng nguyên liệu mía. Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX Huyện đảng bộ cũng là thời điểm mà dịch chồi cỏ nặng nhất với diện tích bị dịch lên đến 4.000 ha và có nguy cơ lây lan nhanh. Một cuộc dập dịch chồi cỏ như làm “cách mạng” thay thế bộ giống mới có độ đường cao, kháng bệnh chồi cỏ với quyết tâm “kiên quyết không sử dụng giống nội vùng mà ngoại hóa giống mía”, đồng thời xây dựng vùng chuyên giống tại xã Bắc Sơn 70 ha, vùng Thung Chạng (Châu Đình) 40 ha để trở thành vùng chính cung cấp thay thế nguồn giống mới.
Nhờ đó, Quỳ Hợp không những đã khống chế hoàn toàn được bệnh chồi cỏ trên cây mía, mà còn có trên 80% diện tích đã được thay thế bằng bộ giống kháng chồi cỏ như: QĐ 93-159, Roc 10, Roc 16, QĐ 00236, độ đường từ chỗ trung bình chỉ đạt 9,5 thì nay đã tăng lên đạt 11,5, cá biệt có vùng mía độ đường đạt đến 15-16%. Trên địa bàn cũng đã xuất hiện một số mô hình áp dụng kỹ thuật mới trong canh tác trồng mía thâm canh bằng phương pháp tưới nhỏ giọt nên năng suất mía lên đến 120 tấn/ha như: mô hình của hộ gia đình ông Dương Đình Tấn, xóm Dinh, xã Nghĩa Xuân.
Trên diện tích 8 ha vùng Minh Chùa, xã Minh Hợp, ông Tấn đang sử dụng thì có 4 ha trồng mía, 4 ha trồng cam đều được áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel nên năng suất các loại cay trồng đều nâng cao, đặc biệt năng suất mía gấp 2 lần năng suất bình quân chung và độ đường ổn định luôn đạt trên 12%. Cũng theo báo cáo tổng hợp của Phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp, mặc dù diện tích mía hiện nay (6.300 ha)/mục tiêu 9.000 ha, nhưng với việc năng suất tăng cao, độ đường cũng tăng nên sản lượng mía hàng năm của huyện Quỳ Hợp trên 400.000 tấn, chiếm đến 40% sản lượng chế biến của Nhà máy đường NASU.
Tại Quỳ Hợp, nhiệm kỳ 2010 - 2015, trên lĩnh vực nông nghiệp có thể được xem là sự hồi sinh lấy lại thương hiệu “cam Vinh” vốn rất nổi tiếng sau một thời gian khủng hoảng về chất lượng. Hiện nay, trên địa bàn việc duy trì diện tích 1.400 ha đang cho một sản lượng cam thương phẩm tương đối lớn. Tại Công ty TNHH MTV nông nghiêp Xuân Thành, một đơn vị hiện nay đang thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy giá trị thương hiệu cam Vinh, thì đã có diện tích 700 ha trồng chủ yếu các giống cam Xã Đoài, Vân Du, V2, Sông Con, trong đó có 300 ha cam kinh doanh, sản lượng đạt khoảng 4.500 tấn/năm.
Thăm hộ ông Lê Tiến Dũng, xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp, trên diện tích chỉ vẻn vẹn 0,5 ha nhận khoán, năm nay dự kiến sản lượng trên 20 tấn quả. Từ đầu vụ thu hoạch đến nay, gia đình bán tại vườn, giá từ 50.000 đồng/kg, thu về không dưới 800 triệu đồng. “Gia đình chúng tôi tuân thủ quy trình chọn giống, chăm sóc, cắt tỉa tạo thế theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật công ty. Chúng tôi biết tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt này không những kéo dài tuổi thọ kinh doanh của vườn cây mà còn nâng cao giá trị cam Vinh” - ông Dũng cho biết. Ở vùng đất này, ra đường gặp “tỷ phú” nhờ trồng cam như vợ chồng ông Dũng không còn lạ. Ông Hoàng Minh - Giám đốc Công ty cho biết: Mục tiêu của chúng tôi là sản phẩm cam Vinh không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn có mặt ở thị trường nước ngoài. Do đó, Công ty đang nỗ lực phối hợp với các ngành, doanh nghiệp đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xây dựng kho bảo quản sau thu hoạch, chế biến, có như vậy mới tăng chuỗi giá trị thương hiệu cam Vinh trên vùng đất Phủ Quỳ”.
Gìn giữ văn hóa, chăm lo sự nghiệp trồng người
Theo giới thiệu của đồng chí Nguyễn Tiến Cảnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, người từng có thời gian dài là Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quỳ Hợp, chúng tôi về thăm bản Vi, xã Bắc Sơn. Đây là địa chỉ quen thuộc và hấp dẫn đối với những người muốn tìm hiểu, khám phá về không gian sống, cũng như nét đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái những năm gần đây. Hiện nay, bản có 56 hộ, 248 nhân khẩu. Tất cả các hộ dân đều ở nhà sàn mang phong cách, dáng dấp đặc trưng của đồng bào Thái. Trong không gian này, người dân còn thành lập các CLB văn hóa dân gian với các nhóm bảo tồn hát dân ca Thái như các điệu: xuối, lăm, nhuôn; nhóm ẩm thực chuyên chế biến các món ăn của người Thái; nhóm bảo tồn các nhạc cụ của đồng bào dân tộc.
Đồng chí Vi Thanh Hải, Bí thư Chi bộ bản Vi, xã Bắc Sơn chia sẻ: “Vào ngày lễ truyền thống như Tết Độc lập, Tết truyền thống của dân tộc, lễ giỗ của các bậc khai bản, lập mường, người dân đều tổ chức các tiết mục văn nghệ, chế biến các món ăn và mặc trang phục truyền thống, tạo nên nét đặc sắc cho bản Vi. Ngoài ra, các CLB còn phục vụ cho hoạt động du lịch nếu có du khách. Thông qua đó, tăng cường mối đoàn kết trong bản làng, giáo dục truyền thống của dân tộc Thái với thế hệ trẻ trước nguy cơ mai một”. Không chỉ có bản Vi, tại huyện Quỳ Hợp còn có xóm thuần dân tộc Thổ (xóm Mó - Nghĩa Xuân), xóm văn hóa đa dân tộc (xóm Hoa Thành - Châu Quang).
Nhiều xã đã thành lập được các CLB Văn hóa dân gian và tổ chức hoạt động có hiệu quả; tổ chức các lớp dạy chữ Thái. Các hoạt động như liên hoan văn nghệ quần chúng, thi ẩm thực, thi trang phục, thi văn hóa rượu cần, thi các môn thể thao dân tộc như: khắc luống, kéo co, nhảy sạp, ném còn, đẩy gậy, bắn nỏ, đi cà kheo... được tổ chức sôi nổi từ huyện đến cơ sở, nhất là vào dịp lễ tết, các ngày lễ lớn. Do đó, nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số như: tiếng nói, chữ viết, trang phục, ẩm thực, nhà ở, các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ... đã được bảo tồn.
Qua 10 năm thực hiện Đề án xây dựng huyện điểm văn hóa miền núi và dân tộc thiểu số, giai đoạn 2001 - 2011, huyện Quỳ Hợp đã gặt hái được nhiều thành tựu trên lĩnh vực này, đặc biệt là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể và vật thể trên địa bàn. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, UBND huyện đã xây dựng Đề án "Xây dựng huyện điểm văn hoá miền núi và dân tộc thiểu số Quỳ Hợp, giai đoạn 2012 - 2015". Với sự kế thừa những kết quả đã đạt được, kết hợp với những cách làm sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn, huyện tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, đặc biệt là công tác xã hội hóa trong phục dựng, bảo tồn các di tích văn hóa.
Chúng tôi đến thăm đền Choọng tại xã Châu Lý, đây là nơi thờ người con gái tên Nang Phốm Hóm - người có đóng góp rất lớn trong việc gom góp lương thực nuôi quân trong khởi nghĩa Lam Sơn, khi nghĩa quân lưu lại nơi đây để tuyển quân, gom góp lương thực phục vụ cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược. Tự trong tâm thức của người dân địa phương, Nang Phốm Hóm là biểu tượng đẹp về công - dung - ngôn - hạnh của người con gái Thái, là biểu tượng của tình đoàn kết anh em giữa hai dân tộc Thái và Kinh. “Tuy nhiên, theo thời gian và những biến thiên của lịch sử, đền Choọng cũ bị hư hỏng, chỉ còn nền cũ và một vài dấu tích. Vì vậy, việc phục dựng đền Choọng luôn là mong mỏi trong tiềm thức của người dân địa phương.
Ngày 8/7/2011, Sở VH -TT &DL đã có công văn đồng ý phục hồi, tôn tạo đền Choọng”, đồng chí Cao Duy Thái, Phó Bí thư Đảng ủy xã Châu Lý, người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa bản địa cho biết. Tuy nhiên, việc huy động nguồn kinh phí thực hiện gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, huyện đã thành lập Ban vận động phục dựng, tôn tạo đền và được các doanh nghiệp trong Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa huyện Quỳ Hợp hưởng ứng nhiệt thành. Vì vậy, giai đoạn 1 của dự án phục dựng đền Choọng đã hoàn thành giai đoạn 1 vào ngày 12/7/2014 trong niềm vui mừng của người dân Mường Choọng với công trình Thượng điện và các công trình phụ trợ. Điều đáng nói là toàn bộ kinh phí xây dựng công trình có giá trị 10 tỷ đồng này đều được huy động hoàn toàn từ nguồn vốn xã hội hóa. Đồng chí Vi Văn Hóa, Bí thư Đảng ủy xã Châu Lý cho biết: “Nếu không có công tác xã hội hóa, công trình đền Choọng khó có thể hoàn thành được như hôm nay. Đó cũng là nền tảng để tiếp tục thực hiện việc phục dựng đền giai đoạn 2 gồm Hạ điện và các công trình thuộc giai đoạn 3”.
Với những kết quả đạt được, lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể và vật thể, huyện Quỳ Hợp quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực giáo dục và thu được nhiều kết quả rõ nét, dẫu điều kiện dạy và học của một huyện vùng cao còn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đến thăm Trường THPT Quỳ Hợp I - nơi ghi nhiều dấu ấn trong năm học 2013 - 2014 vừa qua khi có 204 học sinh đậu đại học, trong đó có lớp 12A đậu 100% học sinh với 20 em đạt từ 24 điểm trở lên. Tính trên tổng thể, năm học 2013 - 2014, trường có 8% học sinh được xếp loại giỏi, 53% học sinh xếp loại khá, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 99,73%, có 24 lượt học sinh giỏi cấp tỉnh khối 11, 12.
Chia sẻ về những kết quả đáng tự hào trên, thầy giáo Cao Thanh Lưu, Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp I cho biết: “Những thành tích đạt được trong dạy và học là kết quả của một quá trình. Trong những năm học vừa qua, trường đã giao trách nhiệm chăm lo chất lượng cho từng giáo viên và tổ bộ môn; tăng cường quản lý đúng quy định về nội dung dạy chính khóa; đồng thời xây dựng chương trình bồi dưỡng để nâng cao trình độ cho học sinh. Bên cạnh đó, trường còn giao quyền tự chủ cho giáo viên chủ nhiệm và tổ bộ môn, chúng tôi chỉ quản lý chất lượng, qua đó khuyến khích giáo viên chủ động tìm tòi các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học; xây dựng khối đoàn kết trong nhà trường và các cơ chế, chính sách khích lệ giáo viên”.
Còn trên bình diện chung, năm học 2013 - 2014 là năm thứ tư thực hiện các Nghị quyết của cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2010 - 2015. Trong năm học này, huyện đã có thêm 2 trường học đạt chuẩn quốc gia (THCS Văn Lợi và TH Châu Tiến), nâng số trường đạt chuẩn lên 43 trường (TH: 22, THCS: 10, MN: 11)/tổng số 69 trường, đạt 62,3%. Với kết quả trên và đặt trong tương quan chung của các huyện miền núi và cả tỉnh thì kết quả xây dựng trường chuẩn của huyện thuộc các đơn vị có thành tích cao, xếp thứ 5/21 huyện, thành, thị trong tỉnh.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Võ Sỹ Sơn, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Quỳ Hợp chia sẻ kinh nghiệm: Nhằm mục tiêu thực hiện xây dựng trường chuẩn quốc gia, chúng tôi xác định công tác xã hội hóa đóng vai trò hết sức quan trọng. Từ đó, dựa trên kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia, huyện, ngành giáo dục và các địa phương triển khai các giải pháp cụ thể nhằm vận động, ưu tiên các nguồn vốn vào xây dựng cơ sở hạ tầng, đi đôi với đó là tập trung nâng cao chất lượng dạy và học”.
Trao đổi với chúng tôi về những dấu ấn đã đạt được, đồng chí Phan Đình Đạt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳ Hợp cho biết: “Dựa trên những thành tựu đã đạt được, chúng tôi sẽ tập trung rút kinh nghiệm nhằm tìm ra những bài học hay trong cách xây dựng nghị quyết, chỉ đạo triển khai vào thực tiễn, tạo nền tảng xây dựng huyện Quỳ Hợp phát triển toàn diện, với mục tiêu trở thành huyện miền núi khá nhất của tỉnh Nghệ An, chuẩn bị tinh thần tốt nhất cho Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020”.
Hữu Nghĩa - Nhật Lệ