Phát triển dược liệu - hướng đi đúng cho miền Tây

(Baonghean) - Nghệ An có diện tích lớn nhất nước, sự đa dang sinh học rất cao với khu vực miền Tây được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thiên nhiên thế giới; theo thống kê ban đầu của các nhà khoa học, Nghệ An có gần 1.000 loài thực vật có giá trị dược liệu khác nhau, trong đó có rất nhiều loài có giá trị cao. Ngoài ra, ở miền Tây, với đa dạng văn hóa, trí thức bản địa, nhất là các bài thuốc dân gian, kinh nghiệm sử dụng dược liệu rất phong phú, đa dạng của bà con các dân tộc là kho báu cần phát huy và khai thác. 
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, vấn đề phát triển công nghiệp dược và dược liệu trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa được quan tâm đúng mức. Doanh nghiệp dược trên địa bàn chưa quan tâm phát triển lĩnh vực đông dược. Công tác thu hút các doanh nghiệp dược và phát triển dược liệu mới manh nha. Trong khi đó, dược liệu trên địa bàn tỉnh bị tư nhân thu mua ùn ùn chở ra biên giới, có thời điểm, hàng ngày có hàng chục tấn được chở đi. Thậm chí có loại tư thương mua theo đặt hàng của ông chủ Trung Quốc mà các nhà quản lý không hiểu “họ mua để làm gì” và cũng không kiểm tra, kiểm soát được vì chưa có chế tài quản lý (vì dược liệu bị xếp vào nhóm lâm sản phi gỗ). Và rất nhiều loài đang trong tình trạng gần như tuyệt chủng ở cấp báo động đỏ.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội Nghệ An đến 2025 và tầm nhìn 2030 – một nội dung hợp tác giữa UBND tỉnh Nghệ An và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam thực hiện, mới được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua, đã xác định lấy công nghiệp dược gắn với phát triển dược liệu là 1 trong 4 mũi đột phá trong phát triển kinh tế. Ý tưởng này cũng đã được chính thức đưa vào dự thảo Chương trình  phát triển kinh tế, xã hội chuẩn bị trình Đại hội tỉnh Đảng bộ khóa XVIII. 
Điều này không những phù hợp với Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế Nghệ An đến năm 2020, phù hợp với Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy về ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với Chiến lược phát triển ngành Dược Việt Nam (Nghệ An đã được chính thức đưa vào Quy hoạch phát triển dược liệu Việt Nam), mà còn là một định hướng nhằm phát huy lợi thế so sánh của Nghệ An.
Chính vì vậy, để khai thác tiềm năng, lợi thế của Nghệ An, nhất là miền Tây gắn với công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững, phát triển dược liệu gắn với công nghiệp dược là một hướng đi đúng đắn. Nó vừa mở ra một hướng đi phù hợp với văn hóa bản địa của bà con dân tộc thiểu số, vừa bảo vệ khai thác rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, vừa tạo sinh kế bền vững không những thoát nghèo mà còn làm giàu trên mảnh đất và không gian sống bao đời họ gắn bó.
Quốc Thành
(TP. Vinh)

Tin mới