Một tin vui đến với ngành du lịch trong dịp đầu năm 2013 là Thủ tướng Chính phủ vừa chính thức phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để du lịch Việt Nam tăng tốc phát triển trong những năm tới.

Với quan điểm phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, du lịch Việt Nam sẽ chú trọng xây dựng nền “du lịch xanh”, gắn hoạt động du lịch với giữ gìn, phát huy các tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái. Đây chính là yếu tố quan trọng để tạo ra sự hấp dẫn và quyết định chất lượng, giá trị hưởng thụ du lịch và thương hiệu du lịch. Du lịch Việt Nam không phát triển dàn trải như thời gian qua, mà ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm chính như: Hệ thống sản phẩm du lịch biển có khả năng cạnh tranh trong khu vực về nghỉ dưỡng biển, tham quan thắng cảnh biển, hệ sinh thái biển; các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với di sản, lễ hội; phát triển mạnh du lịch ẩm thực; chú trọng các sản phẩm du lịch sinh thái, khám phá hang động, du lịch núi, du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn. 

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ảnh 1

                         Một góc thành phố biển Nha Trang-đô thị du lịch.

Mục tiêu tổng quát đặt ra là đến năm 2020, du lịch Việt Nam cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp với hệ thống cơ sở vật chất-kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới. Đến năm 2030, du lịch Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển. Trên cơ sở mục tiêu chung đó, cả nước sẽ phát triển 7 vùng du lịch (vùng trung du, miền núi Bắc Bộ; vùng Đồng bằng sông Hồng; vùng Bắc Trung Bộ; vùng duyên hải Nam Trung Bộ; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long) với những sản phẩm đặc trưng theo từng vùng và xây dựng 46 khu du lịch quốc gia, 41 điểm du lịch quốc gia. Trong đó, quan tâm phát triển 12 đô thị du lịch gồm: Sa Pa (Lào Cai), Đồ Sơn (Hải Phòng), Hạ Long (Quảng Ninh); Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Huế (Thừa Thiên-Huế), Đà Nẵng (TP Đà Nẵng), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Thiết (Bình Thuận), Đà Lạt (Lâm Đồng), Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu). Năm 2020, ngành du lịch phấn đấu thu hút 10,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 47,5 triệu lượt khách nội địa; tăng trưởng khách quốc tế là 7%/năm, nội địa là 5,1%/năm. Tổng thu từ khách du lịch đạt 372 nghìn tỷ đồng, tương đương 18,5 tỷ USD. Đến năm 2030, tăng số lượt khách quốc tế lên 18 triệu lượt và 71 triệu lượt khách nội địa; tăng trưởng tương ứng 5,2% và 4,1%/năm. Tổng thu từ khách du lịch đạt 708 nghìn tỷ đồng, tương đương 35,2 tỷ USD.

Đây là chiến lược phát triển du lịch Việt Nam có quy mô lớn với nguồn vốn đầu tư là 1.931 nghìn tỷ đồng (tương đương 94,2 tỷ USD) và có sự tham gia của nhiều bộ, ngành Trung ương và tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Không chỉ có tốc độ tăng trưởng ngày càng cao, đóng góp ngân sách Nhà nước ngày càng lớn, thông qua việc phát triển chiến lược du lịch còn tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội; đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, củng cố lòng tự hào dân tộc, quảng bá văn hóa và con người Việt Nam với thế giới.

Theo (QĐND) - LC