(Baonghean) - ...Nhiệm kỳ qua, mặc dù tình hình chung của cả nước và địa phương gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân, song với quyết tâm cao, Đảng bộ và nhân dân huyện Tương Dương đã nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, khắc phục khó khăn, đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Đại hội XXV nhiệm kỳ 2010 – 2015 của Đảng bộ huyện đề ra.
 
Kinh tế có bước tăng trưởng khá cao (đạt 13,43%), cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và tích cực. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm; thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Quốc phòng - an ninh được củng cố, giữ vững; an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cơ bản ổn định, công tác đối ngoại với các huyện nước bạn (Lào) có chung đường biên giới được duy trì, phát huy có hiệu quả... Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng... Sự đoàn kết, cộng sự của tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy được quan tâm, chăm lo. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được nâng lên. Nội dung, hình thức hoạt động Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có nhiều đổi mới.
 
images1165605_dh6.jpgBí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc kết luận tại phiên làm việc
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tựu quan trọng mà Đảng bộ và nhân huyện nhà đạt được trong nhiệm kỳ qua. 
 
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Đảng bộ huyện Tương Dương cần nghiêm túc nhận rõ và sớm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm sau đây:
 
Tương Dương vẫn là huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cao; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp, tốc độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa có đột phá lớn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động còn chậm. Chưa phát triển mạnh các loại cây, con chủ lực để thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Việc quản lý người dân vùng tái định cư thủy điện Bản Vẽ (ở Thanh Chương) quay về làm ăn ở lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ còn lúng túng. Chưa khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, nhất là khai thác các thế mạnh về đất đai, về phát triển kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và sản phẩm từ rừng. 
 
Lãnh đạo tỉnh trao đổi với các đại biểu bên lề đại hội. Ảnh: p.v
Hệ thống kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục và thiết chế văn hóa tuy đã được đầu tư nhiều nhưng còn thiếu, chưa đồng bộ. Chất lượng giáo dục thấp so với mặt bằng chung toàn tỉnh. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, lao động thiếu việc làm còn nhiều. Còn 3 xã chưa có đường, điện vào trung tâm xã. Tội phạm ma túy còn diễn biến phức tạp, số người nghiện ma túy còn nhiều, tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên còn cao; các tập tục lạc hậu đang là thách thức của quá trình phát triển. 
 
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng và năng lực chỉ đạo, điều hành của chính quyền, nhất là chính quyền cấp cơ sở, chưa đáp ứng kịp yêu cầu giai đoạn mới. Một số cơ sở có biểu hiện thiếu hụt cán bộ chủ chốt. Công tác cải cách hành chính và trình độ, năng lực của cán bộ công chức có chuyển biến nhưng chậm. vẫn còn một bộ phận cán bộ, nhân dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Hoạt động của MTTQ, các đoàn thể nhân dân tuy có chuyển biến, nhưng vẫn còn biểu hiện hành chính hóa... 
 
Tương Dương là huyện miền núi cao, điều kiện đất đai, khí hậu, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, điều kiện phát triển có những mặt không thuận lợi so với các huyện khác. Tuy nhiên, huyện có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng và trữ lượng lớn; an ninh chính trị ổn định, nội bộ đoàn kết; có nhiều chương trình, dự án lớn đầu tư, đặc biệt là các nhà máy thuỷ điện; là địa phương có nền văn hoá đậm đà bản sắc các dân tộc, nhân dân có truyền thống cách mạng, cần cù. Đây là những điều kiện và cơ hội tốt để huyện tranh thủ các nguồn lực, phát huy nội lực cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững... 
 
Tại Đại hội này, tôi xin lưu ý một số nội dung sau đây: 
 
Thứ nhất, cần bám sát các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW  ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020; Quyết định số 2355/QĐ-TTg ngày 4/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2020 để cụ thể hóa việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tập trung vào xây dựng đường giao thông, hệ thống điện, trường học, trạm y tế, công trình nước sạch, thủy lợi, các công trình phục vụ dân sinh… Phấn đấu hoàn thành đường đi vào trung tâm 3 xã còn lại và xây dựng xong đường điện vào 3 xã chưa có điện. Đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế đặc biệt là kinh tế hộ và kinh tế trang trại; tổ chức đánh giá hiệu quả, lựa chọn và nhân rộng các mô hình phù hợp để phát triển. Lựa chọn, xác định cây, con chủ lực của địa phương, nhất là phát huy lợi thế về rừng để phát triển kinh tế. Chú trọng xây dựng các làng, bản có nghề, nhất là nghề dệt thổ cẩm, đan lát, nghề mộc dân dụng và phát triển cây dược liệu... để phát triển các sản phẩm truyền thống theo hướng hàng hóa gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Khai thác tối đa lợi thế lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ, Khe Bố, các hang động, rừng nguyên sinh Pù Mát, Pù Huống... để phát triển du lịch. 
 
Thứ hai, chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm; có phương án đào tạo nghề gắn với thu hút đầu tư tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho con em địa phương đi làm việc tại các khu công nghiệp ở vùng đồng bằng, đô thị của tỉnh và xuất khẩu lao động. Tiếp tục có các giải pháp phù hợp và đồng bộ để giảm nghèo nhanh, bền vững, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ tới. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; đấu tranh xóa bỏ các tập tục lạc hậu. Đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư". Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân tự vươn lên thoát nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, tăng cường xây dựng nhà bán trú cho học sinh, hạn chế tỷ lệ học sinh bỏ học. Chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tuyến cơ sở; làm tốt công tác phòng chống các loại dịch bệnh.
 
Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân cảnh giác với các hoạt động truyền đạo trái pháp luật; kiên quyết không để các tà đạo xâm nhập vào địa bàn làm mất bản sắc văn hóa của các dân tộc và gây mất ổn định tình hình an ninh chính trị của địa phương.Tăng cường các giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông; kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm nhất là buôn bán ma túy, buôn người, tội phạm hình sự khác, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân… Tăng cường củng cố, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Tiếp tục làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng, phòng chống lụt bão, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… 
 
Thứ tư, tiếp tục củng cố khối đại đoàn kết trong toàn Đảng, toàn dân. Tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh để thật sự là hạt nhân tiên phong, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện. Thực hiện tốt Đề án nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ. Chăm lo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh từ huyện xuống cơ sở. Phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc. Chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính tại các cơ quan, đơn vị theo tinh thần Chỉ thị số 17- CT/TU của Tỉnh ủy. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11) và việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Nâng cao đạo đức công vụ, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức. Tăng cường công tác cải cách hành chính, bám sát, nắm chắc tình hình cơ sở, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vướng mắc ngay từ cơ sở. Làm tốt công tác đối ngoại với các huyện nước bạn (Lào) có chung đường biên giới, nhằm giữ vững biên giới hòa bình hữu nghị, hợp tác ổn định lâu dài.
 
Thứ năm, thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TW4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chăm lo công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ ở cơ sở, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới.
 
...Ngay sau khi kết thúc Đại hội, đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khẩn trương cụ thể hoá Nghị quyết thành các chương trình hành động, đề án, kế hoạch để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Ban Thường vụ Tỉnh ủy tin tưởng rằng, Đảng bộ và nhân dân huyện nhà sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn, thách thức phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội đề ra, góp phần thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.
 
Đồng chí Hồ Đức Phớc
Bí thư Tỉnh ủy
---------------------------------------------------------
(*) Đầu đề do Báo Nghệ An đặt.