TS. Hoàng Xuân Lương - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ, thành viên Ban Chỉ đạo Tây Bắc

Vùng dân tộc, miền núi nước ta chiếm 3/4 diện tích cả nước, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái bền vững của đất nước. Đây là địa bàn sinh tụ của đồng bào các dân tộc thiểu số, sống thành cộng đồng làng bản, cố kết dân tộc, dòng họ bền chặt, vì vậy, vai trò người già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ có ý nghĩa hết sức to lớn. Đảng, Nhà nước ta luôn xác định phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng trong chính sách dân tộc.

Thực tiễn những năm qua, ở vùng dân tộc, miền núi, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã làm nòng cốt trong các cuộc vận động chống di cư tự do; phòng chống ma túy; ngăn chặn truyền đạo trái pháp luật; vận động bà con hiến đất làm các công trình công cộng; hòa giải các mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư; nhiều vụ việc các phán quyết của tòa án không được thi hành mà phải thông qua hòa giải của cộng đồng.; đặc biệt trước âm mưu chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch, đội ngũ người có uy tín đã kiên trì vận động thuyết phục quần chúng thấy rõ các âm mưu, thủ đoạn xấu, củng cố lòng tin theo Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng trong việc giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Người uy tín là những người tiên phong, là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, hạt nhân tích cực trong vai trò động viên con cháu, vận động bản làng tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

799821_small_101839.jpg

Đồng chí Hoàng Xuân Lương thăm bà con xã Tây Sơn - Kỳ Sơn.
Ảnh: Thu Hương

Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là lực lượng nòng cốt hết sức đặc biệt và là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân; mạnh dạn góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng ở địa phương thực hiện các hương ước, quy ước và giám sát các chính sách của Đảng và Nhà nước.

Ngoài ra, người uy tín còn làm tốt công tác thông tin hai chiều giữa cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể để nắm tình hình trong nhân dân ở khu dân cư, thực hiện tốt phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, với tinh thần, trách nhiệm cao và sự năng nổ, nhiệt tình trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh ở địa phương đạt nhiều kết quả thiết thực trên địa bàn miền núi của tỉnh.

Thực hiện Quyết định 18/2011/QĐ- TTg, ngày 18/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ "Về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số", trong 2 năm qua, các ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, các bộ, ngành, mặt trận, các đoàn thể, cấp uỷ, chính quyền các địa phương và nhân dân cả nước hưởng ứng rất nhiệt tình, có nhiều hoạt động tôn vinh, biểu dương khen thưởng người có uy tín, tạo thành các hoạt động xã hội sâu rộng có sức lan toả trên địa bàn toàn quốc.

Từ đầu năm 2013 đến nay, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã tổ chức 3 hội nghị biểu dương người uy tín vùng Tây Bắc. Lần đầu tiên tổ chức tại Thành phố Điện Biên, tiếp đó là tại Cao Bằng và lần này ở Thành phố Vinh (Nghệ An). Triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, toàn vùng Tây Bắc đã lựa chọn được 22.695 người có uy tín. Hội nghị biểu dương người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số 5 tỉnh: Yên Bái, Phú Thọ, Hoà Bình, Thanh Hoá và tỉnh Nghệ An gồm 500 đại biểu, nhằm tôn vinh, biểu dương người có uy tín trong thời gian qua, là diễn đàn để trao đổi kinh nghiệm trong phong trào xây dựng thôn, bản, xã, phường vững mạnh toàn diện, cũng như thúc đẩy, nhân rộng các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực tại 5 tỉnh.

Là dịp để người có uy tín tiếp tục nêu cao vai trò nòng cốt của mình, phát huy vai trò trong việc vận động gia đình, người thân và nhân dân trong thôn, bản chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu đi đầu trong thực hiện xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; tham gia phát triển kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, phát huy vai trò trong phong trào tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể; tích cực phát huy, giữ gìn văn hoá dân tộc mình.

Những năm qua, đồng bào các dân tộc thiếu số các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Yên Bái, Phú Thọ, Hoà Bình luôn một lòng đoàn kết, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, tự mình phấn đấu vươn lên, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tạo nhiều khởi sắc cho quê hương. Tích cực đi đầu trong các phong trào của địa phương và hướng dẫn bà con cùng làm theo, nhiều người uy tín trở thành tấm gương sáng.

Tỉnh Thanh Hoá có ông Lầu Thanh Mai Dân người dân tộc Mông ở bản Pù Toong, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát tích cực vận động nhân dân, đặc biệt là vận động đồng bào Mông thực hiện ổn định cuộc sống, sản xuất; ông Phạm Bá Sơn người dân tộc Thái ở bản Khằm, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hoá tích cực vận động nhân dân tham gia đóng góp thực hiện tốt chủ trương xây dựng nông thôn mới tại địa phương; ông Nguyễn Văn Định, dân tộc Mường, thôn Đồng Phú, xã Thành Tân, huyện Thạch Thành nhận 20 ha đất trống, đồi núi trọc và rừng tái sinh xây dựng trang trại, phát triển chăn nuôi, trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả, ngăn khe suối làm ao thả cá, thu nhập hàng chục triệu đồng trở lên mỗi năm...

Các tỉnh Phú Thọ, Hoà Bình nhiều điển hình làm kinh tế giỏi, hiến đất làm đường giao thông, đường điện lưới; giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo;... tạo sức lan toả rộng khắp. Gương sáng ông Trần Văn Dự, dân tộc Cao Lan, xã Tây Cốc, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ đã tự hiến đất và vận động nhân dân hiến hơn 4.000m2 đất để xây dựng công trình giao thông đã tạo phong trào mạnh mẽ cho nhiều địa phương trong tỉnh hưởng ứng. Tỉnh Nghệ An có 1.241 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong những năm qua, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số Nghệ An đã phát huy tốt vai trò và bằng uy tín của mình đã thường xuyên tuyên truyền, vận động có hiệu quả việc thực hiện xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; góp phần tạo mối đoàn kết trong nhân dân, đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực xã hội, đồng thời tích cực tham gia vào phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, toàn dân bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 đã xác định “Thực hiện tốt chính sách động viên, khuyến khích già làng, trưởng bản, người có uy tín tham gia công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án vùng dân tộc thiểu số theo phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, vận động quần chúng nhân dân vùng dân tộc thiểu số chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ngăn chặn âm mưu chia rẽ khối đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch”.

Để cổ vũ, động viên phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, ngày 18/3/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg, thực hiện các chính sách đối với người có uy tín, từ chế độ tập huấn, tham quan, trao đổi kinh nghiệm, cung cấp báo chí và một số phương tiện thông tin đến chính sách hỗ trợ về vật chất và tinh thần trong các ngày lễ, tết, được thăm hỏi khi ốm đau, được đi nghỉ dưỡng, hỗ trợ khi gặp khó khăn, được hưởng các chế độ như thương binh, liệt sỹ khi tham gia các hoạt động xã hội, đấu tranh giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Hiện tại Thủ tướng Chính phủ đang giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chức năng, chuẩn bị Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò người có uy tín; sửa đổi, bổ sung QĐ 18 cho phù hợp với sự phát triển của phong trào, nhằm phát huy ngày càng tốt hơn vai trò người có uy tín trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


H.X.L