Thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo

Về bản Na Tổng, xã Tam Thái, huyện Tương Dương, nhiều người không khỏi ngạc nhiên về sự thay đổi nhanh chóng ở nơi đây. Từ một bản nghèo khó, người dân quanh năm chỉ biết phát nương làm rẫy, nhưng đến nay, bản Na Tổng đã toát lên một diện mạo mới khi trong bản có nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo; xuất hiện các mô hình kinh tế cho thu nhập cao. Để có được thành quả như ngày hôm nay, phải nhắc đến ông Nguyễn Trọng Tân – người có uy tín ở bản Na Tổng đã tích cực vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Năm 2014, sau khi về nghỉ hưu, ông Nguyễn Trọng Tân được nhân dân bầu là người có uy tín của bản, với những kiến thức của bản thân qua nhiều năm công tác tại địa phương, bản thân ông đã cố gắng cùng với cấp ủy, chi bộ và Ban quản lý bản thực hiện hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của bản đề ra hàng năm. 

Ông Tân chia sẻ: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hằng năm, tôi được tham gia các lớp tập huấn của huyện, tỉnh tổ chức, được cấp phát Báo Nghệ An, Báo Dân tộc và Phát triển… Qua đó, tôi cập nhật kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tình hình thời sự… Từ đó, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân”. 

bna_15259637_22102021.jpgÔng Vi Mỹ Sơn - Phó Ban Dân tộc tỉnh chia sẻ về chính sách đối với người có uy tín. Ảnh: Thu Hương

Đến nay, bản Na Tổng đã hình thành mô hình trồng rau sạch 2,7 ha với 20 hộ tham gia; tăng quy mô và tổng đàn chăn nuôi lợn thịt; áp dụng kỹ thuật vào sản xuất 2 vụ lúa hơn 100 ha đem lại năng suất cao, chất lượng gạo ngon. Đặc biệt, ông đã vận động nhân dân trồng sắn cao sản bước đầu cho năng suất cao; mô hình trồng ổi, thanh long, mô hình ươm cá giống, nuôi vỗ béo trâu, bò, lợn… cho bà con thu nhập từ 80 - 90 triệu đồng/hộ/năm; góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Trong công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nhiều người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Người có uy tín gương mẫu trong tham gia phát triển kinh tế; đồng thời tích cực tuyên truyền bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, xây dựng thành công mô hình kinh tế trang trại.

Nhờ vậy, đa số gia đình người có uy tín có kinh tế vững vàng nên đã hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nghèo biết cách kinh doanh, sản xuất, hỗ trợ cây giống, tiền mặt giúp cho họ thoát nghèo, nâng cao thu nhập. Nhờ đó, tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2 - 3 %/năm; trong đó bình quân tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm 3 - 4%/năm...

Thực hiện tốt chính sách với người có uy tín

Toàn tỉnh Nghệ An có trên 3,3 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 14,7% dân số toàn tỉnh; có 6 dân tộc sống tập trung gồm Kinh, Thái, Thổ, Khơ mú, Mông, Ơ đu và một số dân tộc khác. Toàn tỉnh có 1.238 người có uy tín, họ là những Bí thư chi bộ; trưởng thôn, bản; nhân sỹ, trí thức; cán bộ nghỉ hưu; già làng; trưởng dòng họ; doanh nhân... 

Đoàn công tác kiểm tra việc tiếp nhận, lưu trữ, sử dụng báo Đảng của người có uy tín Lô Văn Thái ở bản Đình, xã Chi Khê, huyện Con Cuông. Ảnh: Thu Hương

Trong những năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, người uy tín còn làm tốt công tác thông tin hai chiều giữa cấp ủy chính quyền, MTTQ và các đoàn thể để nắm tình hình trong nhân dân ở khu dân cư, thực hiện tốt phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". 

Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn giữ gìn khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư; phối hợp cùng lực lượng công an giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, không để xảy ra điểm “nóng”. Họ luôn phối hợp với chính quyền để tuyên truyền, vận động nhân dân đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, không nghe theo những luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu; cùng với các lực lượng công an, quân đội xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân, giữ vững bình yên bản, làng.

“Hằng năm, đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định công nhận người có uy tín, đồng thời triển khai thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì phối hợp với các ban, ngành có liên quan, địa phương tổ chức triển khai đúng theo quy định; đảm bảo đầy đủ các chế độ chính sách cho người có uy tín trên địa bàn tỉnh như: Cung cấp thông tin qua các hội nghị, lớp bồi dưỡng kiến thức, cấp phát ấn phẩm sách báo, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm; hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần; khen thưởng...”. 

Ông Vi Văn Sơn - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An 

Đoàn công tác Ban Dân tộc tỉnh thăm mô hình nuôi ếch, lươn, gà của gia đình người uy tín Vang Trần Nhị ở bản Can, xã Tam Thái, huyện Tương Dương. Ảnh: Thu Hương

Để ghi nhận những nỗ lực của người có uy tín trong cộng đồng, các cấp, ngành duy trì tổ chức hội nghị gặp mặt, biểu dương, khen thưởng với người có uy tín tiêu biểu. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có 344 lượt người có uy tín được tặng Giấy khen, Bằng khen của các cấp. Dự kiến trong tháng 11/2021, UBND tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị Tuyên dương người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu cấp tỉnh, lần thứ Ba và tặng quà, biểu dương, khen thưởng 190 cá nhân người có uy tín có nhiều thành tích xuất sắc giai đoạn 2019 - 2021. Qua đó, kịp thời biểu dương, tôn vinh, động viên người có uy tín tiêu biểu, xuất sắc trên các lĩnh vực.

Nhờ việc thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín, đã giúp người có uy tín phát huy vai trò “cầu nối” trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, tham gia tố giác, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.