(Baonghean) - Cũng như những phong trào cách mạng khác, gắn liền với Xô viết Nghệ Tĩnh là một hệ thống di tích - nơi ghi nhận, chứng kiến những sự kiện lịch sử đã xảy ra trong quá trình diễn biến phong trào. Trải qua thời gian, những di tích đó đã được bảo tồn, phát huy gắn với các hoạt động giáo dục truyền thống.
Ông Lê Thanh Hưng - Phó giám đốc Trung tâm VHTT huyện Hưng Nguyên cho biết: "Ngoài Đài tưởng niệm liệt sỹ 12/9, hiện trên địa bàn huyện còn có 9 di tích Xô viết Nghệ Tĩnh (trong đó có 5 di tích đã được xếp hạng) trên tổng số 119 di tích và dẫn tích. Cùng với các di tích khác, hiện các di tích gắn với Xô viết Nghệ Tĩnh đã được tỉnh, huyện và nhân dân đặc biệt quan tâm bằng việc xã hội hóa nâng cấp, tôn tạo lại các di tích. Tiêu biểu như đền Xuân Hòa ở Hưng Long được làm mới lại hoàn toàn bằng sự đóng góp của nhân dân và con cháu xã Hưng Long; riêng các di tích gắn với nhà thờ họ được sửa chữa và bảo quản thường xuyên...". Đặc biệt, đài liệt sỹ 12/9 đã được lập dự án tôn tạo với tổng mức đầu tư 320 tỷ đồng. Công tác phát huy giá trị của các di tích được các địa phương hết sức quan tâm. Hàng năm, vào các ngày lễ lớn như 2/9, 12/9, Tết Nguyên đán, ngày khai trường, đại hội các đoàn thể ... đều tổ chức dâng hương, hoa tại các di tích. Riêng di tích gắn với nhà thờ họ, đình, đền luôn thu hút đông đảo nhân dân tới thắp hương vào các ngày rằm, mồng một hàng tháng.
Các cháu thiếu nhi tham quan Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Sỹ Minh
Theo thống kê, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 400 di tích liên quan đến quá trình hoạt động từ tổ chức tiền thân của Đảng đến giai đoạn rút lui bảo toàn lực lượng. Tuy vậy, có trên 100 di tích đã trở thành phế tích. Trong quá trình nghiên cứu, sưu tầm, xác minh, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã lập hồ sơ khoa học 38 di tích và địa điểm di tích trình Bộ VHTT cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Nhiều di tích đã thực sự trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, học tập của địa phương. Các di tích đã được chọn làm nơi tổ chức các hoạt động văn hóa - xã hội như: đốt đuốc trong các hội khỏe Phù Đổng, kết nạp Đảng viên, đoàn viên mới, tổ chức lễ hội mừng Xuân, tiễn đưa các thế hệ con cháu lên đường bảo vệ Tổ Quốc (di tích 12/9 Thái Lão, đình Võ Liệt, đình làng Quỳnh Đôi, Đình Phú Nhuận, đền Trìa, quần thể di tích lịch sử làng Đỏ...). Từ đó, khơi dậy trong lòng nhân dân, thế hệ trẻ tình yêu quê hương đất nước, tạo niềm tin vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, nâng cao thêm ý thức, niềm tự hào và trách nhiệm bảo vệ di tích của nhân dân.
Tuy nhiên, do các di tích Xô viết Nghệ Tĩnh xây dựng đã quá lâu, lại nằm trong vùng thiên nhiên khắc nghiệt, thêm vào đó là kinh phí chống xuống cấp của ngành còn hết sức hạn chế, đời sống nhân dân nhiều vùng quê còn khó khăn nên nhiều di tích bị xuống cấp, xâm phạm, như nhà ông Hoàng Viện, cổng làng Phù Xá, nhà thờ họ Phạm...
Di tích Xô viết Nghệ Tĩnh là tài sản lịch sử văn hóa vô giá, bởi vậy công tác nghiên cứu, trùng tu và phát huy tác dụng truyền thống mang ý nghĩa to lớn. Thiết nghĩ, những nơi đã hình thành hệ thống di tích cần xây dựng kịch bản lễ hội truyền thống, tạo nên những điểm văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc nhằm thu hút khách tham quan. Còn những nơi có điểm di tích không có điều kiện đủ để lập hồ sơ xếp hạng thì nên viết lại đầy đủ nội dung lịch sử và làm bia dẫn tích hoặc tượng đài lịch sử văn hóa.