(Baonghean) - Ngày 8/4 vừa qua, tại TP. Vinh, Sở VHTT và DL phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy giá trị các công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong nước" nhân kỷ niệm 10 năm phát huy giá trị công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ. Phóng viên báo Nghệ An đã ghi lại những ý kiến tâm huyết này.
Ông Thân Quang Huy - Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: Với cương vị là lãnh tụ tối cao của Đảng, Bác Hồ đã về thăm Bắc Giang 5 lần kể từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời (lần thứ nhất vào đầu tháng 5/1946; lần thứ 2 vào tháng 12/1954; lần thứ 3 vào ngày 29 /1/1955; lần thứ 4 vào ngày 6/4/1961 và lần thứ 5 vào ngày 6/4/1946). Đây là niềm vinh dự, tự hào của đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Giang. Những tên đất, tên làng ấy giờ đã trở thành những di tích - lịch sử - cách mạng tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang, là địa chỉ đỏ nhân dân tìm về trong những ngày lễ lớn.
Riêng tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, gian trưng bày về "Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân các dân tộc Bắc Giang" là một trong những nội dung quan trọng trong hệ thống trưng bày. Tuy nhiên trong công tác bảo tồn, phát huy các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất nhiều khó khăn như không có biên chế, không có ngân sách thường xuyên để hoạt động, kinh phí đầu tư của Nhà nước còn rất ít, công tác tuyên truyền, chưa có sức lan tỏa... Để công tác bảo tồn, phát huy các di tích, công trình về Bác ngày càng tốt hơn, Bắc Giang mong muốn thời gian tới Nhà nước cần quan tâm đầu tư kinh phí cho các hoạt động của các di tích gắn liền với Bác.
Ông Đào Văn Mùi – Trưởng ban quản lý Khu di tích Pắc Bó - Cao Bằng: Cao Bằng hiện có 8/13 huyện, thị có di tích lưu niệm gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các thời kỳ cách mạng. Các công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cao Bằng đã phát huy hiệu quả, đặc biệt công trình Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Pắc Pó mỗi năm đón tiếp hàng ngàn lượt khách đến dâng hương, dâng hoa. Để làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, Cao Bằng đã phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành liên quan, trong đó có sự quan tâm đặc biệt của hai đơn vị bảo tàng và du lịch trong công tác tuyên truyền, quảng bá các di tích gắn với các tour du lịch chính trên địa bàn.
Quảng trường Hồ Chí Minh tại Thành phố Vinh. Ảnh: Sỹ Minh
Ông Đoàn Nam – Trưởng phòng di sản văn hóa Sở VHTT và DL Nghệ An: Được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua, Nghệ An đã có sự quan tâm, đầu tư, bảo vệ, phát huy các di sản về Bác Hồ dưới nhiều hình thức khác nhau như bảo tồn, tôn tạo các di tích gốc; nghiên cứu, sưu tầm các hiện vật, tư liệu về Bác Hồ và người thân, tổ chức Hội thảo khoa học, trưng bày, làm phim, sản xuất các ấn phẩm văn hóa về cuộc đời và sự nghiệp của Người…
Tuy nhiên, hiện nay tỉnh Nghệ An đang gặp nhiều khó khăn trong việc bảo tồn, tôn tạo các di tích và phát huy giá trị các công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là nguồn lực đầu tư cho di tích, công trình văn hóa chưa xứng tầm. Công tác sưu tầm, nghiên cứu tư liệu về Bác Hồ còn mang tính chắp vá. Năng lực của đội ngũ cán bộ nghiệp vụ, cán bộ quản lý còn bất cập. Lễ hội Làng Sen là lễ hội tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức đã hơn 30 năm nhưng vẫn chưa xứng tầm với cống hiến của Bác Hồ và sự mong đợi của nhân dân cả nước... Thời gian tới, cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về các di tích, công trình gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh; khẩn trương nghiên cứu, thực hiện đề án nâng cấp lễ hội về Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lễ hội của cả nước; định kỳ tổ chức tổng kết, hội thảo khoa học để rút kinh nghiệm về hình thức quản lý, xây dựng mô hình hoạt động nghiệp vụ ở các đơn vị bảo tàng…
Ông Chu Đức Tính - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh: Thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Sở VHTT và DL đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị các công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong nước". Hội thảo lần này hướng tới việc nghiên cứu hoạt động chuyên môn của các công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước; Thảo luận, thống nhất những vấn đề liên quan đến việc thống kê, bảo tồn, quản lý và phát huy giá trị các công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; Khẳng định vị trí không thể thiếu của các công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đời sống văn hóa của nhân dân ta.
Đặc biệt, tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề thực tiễn đang nảy sinh hàng ngày, hàng giờ ở các địa phương trong việc bảo tồn và phát huy các công trình tưởng niệm; đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng các công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các ban, ngành liên quan thì chính những người làm công tác bảo tàng cũng cần trăn trở hơn nữa trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ phát huy các giá trị văn hóa di tích về Bác Hồ trên chính quê hương mình.