Huyện Nghi Lộc trao thưởng cuộc thi viết về “Dân vận khéo”. Ảnh: P.V Nhiều mô hình hiệu quả
Anh Đinh Quang Hoàng - Giám đốc
HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã Nghi Trung là một người năng động, dám nghĩ, dám làm. Cách đây ít năm, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng hơn 800 triệu đồng xây dựng mô hình nhà lưới công nghệ cao. Nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật cao với hệ thống tưới nhỏ giọt và quy trình sản xuất hữu cơ, mô hình của anh đã thành công ngoài mong đợi. Hàng năm, nhà lưới anh thu hoạch 3 vụ cho thu nhập hợn 600 triệu đồng/năm, lợi nhuận 300 triệu đồng/năm.
Anh Quang cũng tạo việc làm cho 4 lao động địa phương với mức ổn định 6 triệu đồng/tháng. Anh Đinh Quang Hoàng cho hay: Sau khi xây dựng mô hình thành công, tôi đã vận động nhân dân trong xã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình nhà lưới áp dụng công nghệ cao vào trồng dưa lưới, đến nay đã nhân rộng ra được 3 mô hình nhà màng trồng dưa lưới đạt hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, còn vận động bà con nhân dân mở rộng diện tích trồng hoa ly, dưa hấu, dưa lê, dưa lưới từ 1 xóm chỉ có 6 ha đến nay có 3 xóm với diện tích 12 ha cho thu nhập trên 2 tỷ đồng một vụ dưa lưới, dưa hấu, dưa lê...
Với những đóng góp rất thiết thực, hiệu quả đó, anh Đinh Quang Hoàng, vinh dự được vinh danh trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2016 - 2020 của huyện Nghi Lộc.
Anh Đinh Văn Hoàng là một trong số rất nhiều tấm gương, mô hình thi đua “Dân vận khéo” của huyện Nghi Lộc.
Mô hình sản xuất dưa lê, dưa hấu sạch theo tiêu chuẩn Vietgap của nông dân xã Nghi Long. Ảnh: TL Theo thống kê của Ban Dân vận huyện Nghi Lộc, thực hiện mô hình “Dân vận khéo” từ năm 2018 - 2020, huyện Nghi Lộc đã có 1.248 mô hình. Ban chỉ đạo cấp huyện đã chỉ đạo cơ sở lựa chọn đăng ký về huyện 254 mô hình, gồm: Ban Chỉ đạo huyện đăng ký 6 mô hình, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện 47 mô hình; khối xã, thị trấn xây dựng 201 mô hình.
Một trong những cách tổ chức thực hiện rất hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, đã có các mô hình tập trung trong công tác xây dựng và củng cố tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền các cấp; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động chi đoàn, chi hội, nhất là xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng giáo.
Hay là mô hình “khéo” trong tham mưu, phối hợp và tuyên truyền, vận động nhân dân giải phóng mặt bằng của Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện, qua đó đã tổ chức các buổi tiếp xúc, đối thoại với người dân, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, đến từng hộ dân, gia đình để tìm hiểu và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, tuyên truyền, vận động, giải thích, giúp người dân hiểu rõ chủ trương, chính sách liên quan đến công tác thu hồi, giải tỏa, đền bù, hỗ trợ, tái định cư.
Do đó, đa số hộ dân bị ảnh hưởng từ việc giải phóng mặt bằng thực hiện các công trình, dự án đều chấp hành khá tốt việc di dời, nhận tiền đền bù và bàn giao đất, tạo điều kiện cho các công trình, dự án thực hiện đúng tiến độ như dự án Đại lộ Vinh - Cửa Lò, WHA, cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 48E...
Xây dựng khu tái định cư ở xã Nghi Phương (Nghi Lộc). Ảnh: TL Văn Trường Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, có các mô hình tiêu biểu, tập trung về việc “khéo” vận động nhân dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, xây dựng cánh đồng cho thu nhập cao như: Mô hình Khối Dân vận xã Nghi Long vận động bà con nhân dân sản xuất rau, củ quả sạch, an toàn theo quy chuẩn VietGAP với 11 hộ, xây dựng được 8.000 m2 nhà lưới với tổng vốn đầu tư trên 1,5 tỷ đồng, để sản xuất dưa chuột, dưa lưới cho thu hoạch 600 - 700 triệu đồng/ha.
Mô hình “Hội Nông dân đảm nhận đất hoang để cải tạo phát triển kinh tế có hiệu quả tại xã Nghi Hưng” với diện tích 2 ha đất bỏ hoang cho sản lượng thu hoạch gần 3 tấn thu về 20 triệu đồng; Mô hình cánh đồng cho thu nhập cao với giống lúa Dự Hương trên diện tích 35 ha của xã Nghi Đồng, cho năng suất đạt 6,4 tấn/ha, tổng giá trị hơn 201 triệu đồng; Mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa thuần chất lượng cao với 20 ha giống lúa BT09 tại xóm Trung Bắc, xã Nghi Hoa, năng suất đạt trên 70 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 1.402 tạ với giá lúa là 8.500 đồng/kg cho thu nhập1,191 tỷ đồng...
Tập trung phát triển kinh tế gắn với vận động nhân dân thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tập trung chủ yếu vào các nội dung như: Vận động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công, tiền của để làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, xây dựng nhà văn hóa xóm và các thiết chế văn hóa cơ sở.
Mô hình trồng dưa lưới cho thu nhập cao của gia đình anh Đinh Quang Hoàng ở xã Nghĩa Trung. Ảnh: Hoàng Cường Sức lan tỏa rộng lớn
Đồng chí Hồ Nam - Trưởng ban
Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nghi Lộc cho biết, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các ngành, đoàn thể các cấp đã cụ thể hóa việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” bằng các nội dung thi đua “Dân vận khéo” một cách thiết thực, có hiệu quả với sự tham gia có trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Việc tổ chức đăng ký xây dựng mô hình “Dân vận khéo” đã gắn được với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là việc thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; các mô hình, điển hình đã có tác dụng tuyên truyền, cổ vũ đối với phong trào tại địa phương, đơn vị.
“Thông qua việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2018 - 2020 đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của công tác dân vận và sự cần thiết của việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo”.Đồng chí Hồ Nam khẳng định và cho biết, qua thực hiện phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tập thể và cá nhân tiêu biểu trong việc “khéo” tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, cũng như xây dựng hệ thống chính trị các cấp”.
Hội Nông dân Nghi Lộc giải ngân nguồn quỹ hỗ trợ nông dân tại Nghi Vạn. Ảnh: TL Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã lan tỏa rộng khắp trên các lĩnh vực, như: Văn hóa - Xã hội; An ninh - Quốc phòng… Đặc biệt, huyện tổ chức thành công Cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” giai đoạn 2018 - 2020, đã có 47 lượt đơn vị tham gia với 101 tác phẩm dự thi, đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện công tác dân vận của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.
Nhờ làm tốt công tác vận động quần chúng nhân dân, nhất là việc triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần quan trọng đưa kinh tế - xã hội của huyện nhà tiếp tục có bước phát triển khá.
Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua và xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Gắn phong trào thi đua với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các phong trào, các cuộc vận động của các ban, ngành, đoàn thể, tạo nên phong trào thi đua rộng khắp trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, chú trọng xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong các cơ quan Nhà nước. Phấn đấu hàng năm mỗi cơ sở, cơ quan, tổ chức xây dựng mới từ 2 - 3 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Từ đó, góp phần tích cực vào việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TW7 (Khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra
Đồng chí Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc