Phụ huynh đã hành xử không đúng. Nhưng bình tâm lại, nhiều người đặt câu hỏi việc phạt của giáo viên - cái gốc của vấn đề - đã đúng hay chưa và giới hạn nào cho việc phạt học trò?
Không xúc phạm học sinh
ThS Nguyễn Thị Thu Huyền - giảng viên khoa tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho rằng cách phạt học sinh như trên, giáo viên đã không tôn trọng quy chuẩn, đạo đức, cách hành xử của người đứng lớp.
"Trách - phạt được coi là một phương pháp giáo dục. Nhưng nó là lựa chọn cuối cùng khi các phương pháp khác không có tác dụng. Nhưng dù có trách - phạt thì vẫn phải tuân theo quy tắc không được xúc phạm thân thể và nhân phẩm học sinh" - cô Huyền ý kiến.
Tương tự, TS Ngô Minh Oanh - nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM - cho hay, chuẩn mực nghề nghiệp của nhà giáo là không được nóng nảy, luôn bình tĩnh, ứng xử đúng mực với học trò.
"Tôi cho rằng trong quá trình giáo dục trẻ, kỷ luật lớp học cần phải có nhưng phải mềm mỏng, kiên trì, nhẫn nại. Trước khi phạt học sinh thì người giáo viên phải hiểu thật kỹ về học sinh của mình (hoàn cảnh gia đình, suy nghĩ, mong muốn... của các em) để áp dụng một hình thức giáo dục phù hợp. Mục đích của kỷ luật là giúp học sinh tiến bộ hơn chứ không phải phạt học sinh cho bõ ghét" - ông Oanh chia sẻ.
Từ góc độ nhà trường, ông Từ Quốc Tuấn - hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3, TP.HCM) - cho biết vào đầu mỗi năm học nhà trường đều triển khai điều lệ trường tiểu học cho giáo viên.
"Đó là những điều giáo viên không được làm rồi thảo luận về phương pháp giáo dục, răn đe học sinh trên tinh thần động viên, giúp đỡ các em. Tôi thường nói với giáo viên nếu bức xúc quá, các thầy cô hãy bước ra khỏi lớp vài phút để cơn bực tức hạ xuống.
Khi đã phạt học sinh phải thật bình tĩnh để nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo. Phạt học sinh để học sinh thay đổi chứ không phải đánh các em cho đau - sợ thì có sợ đấy nhưng chưa chắc các em đã thay đổi" - ông Tuấn nói thêm.
Còn theo hiệu trưởng một trường phổ thông ở TP.HCM, biện pháp để giáo dục học sinh một cách hiệu quả nhất chính là "kỷ luật tích cực". "Tâm lý học sinh thích khen chứ không thích chê. Thế nên, hãy áp dụng những cách thức để động viên, khích lệ trẻ làm tốt hơn, học tốt hơn" - ông này nói.
Áp lực tứ bề
Giáo viên một trường tiểu học ở TP.HCM lý giải việc mình hay "nóng nảy" với học sinh là vì "áp lực bủa vây tứ phía".
Cô đề nghị: "Xã hội cần hiểu hơn về cuộc sống của nhà giáo hiện nay. Ngoài nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền khi đồng lương giáo viên còn thấp, giáo viên tiểu học lại bị cấm không được dạy thêm.
Chưa hết, áp lực lớn nhất của thầy cô giáo hiện nay là phải chuyển tải hết chương trình quá nặng trong một thời gian nhất định. Nếu không sẽ bị ban giám hiệu nhà trường đánh giá về chuyên môn.
Có trường, giáo viên nôn nóng vì học sinh yếu quá, theo chương trình không kịp đã phải lấy cả tiết sinh hoạt chủ nhiệm để rèn chữ cho học sinh. Trong bối cảnh đó mà gặp học sinh yếu, lười, không chịu học bài, làm bài mà còn quậy phá trong lớp thì giáo viên rất dễ nổi nóng.
Và nếu không kiềm chế kịp thời, các thầy cô rất dễ có những hành động, lời nói gây tổn thương đến học sinh".
Một giáo viên khác cũng tâm sự có phụ huynh đề nghị "bé lì lắm, cô cứ khẻ tay là bé ngoan ngay" khi cô nhờ phụ huynh hỗ trợ để giáo dục con em. "Tuy vậy, có những học sinh bị... khẻ tay hoài vẫn không làm bài tập về nhà" - giáo viên này nói.