Cơn đau quặn thận xảy ra khi sỏi vào trong niệu quản gây tắc nghẽn dòng nước tiểu, đặc biệt khi sỏi di chuyển. Dễ nhầm lẫn với nhiều cơn đau khác, tuy nhiên cơn đau quặn thận thường cấp tính và yêu cầu xử trí cấp cứu.
Cơn đau “dễ nhầm lẫn”
Nguyên nhân sâu xa của cơn đau quặn thận có thể là chứng sỏi tiết niệu, huyết khối trong niệu quản hoặc khối u chèn ép niệu quản từ bên ngoài. Những hiện tượng này gây tắc cấp tính đường dẫn tiểu, dẫn đến ứ nước, căng trướng đài bể thận. Chỉ có sự căng trướng đột ngột mới gây ra cơn đau quặn thận.
Sỏi niệu quản là căn nguyên thường gặp nhất. Sỏi gây ứ niệu làm tăng áp lực trong đài-bể thận, gây tổn thương niệu quản dẫn đến đái máu đại thể. Để chẩn đoán sỏi niệu quản, người ta cần chụp X quang thận để phát hiện sỏi nằm trên đường đi của niệu quản. Trên siêu âm thận tiết niệu có hình ảnh đài bể thận giãn là dấu hiệu gián tiếp của sỏi niệu quản.
Xuất huyết đài-bể thận, viêm chít hẹp quanh niệu quản, sỏi đài-bể thận, u niệu quản, u bàng quang gây hẹp lỗ niệu quản đổ vào bàng quang… cũng là nguyên nhân gây ra cơn đau quặn thận.
Tuy nhiên cơn đau quặn thận thường dễ bị nhầm lẫn với viêm ruột thừa cấp tính. Một số trường hợp chẩn đoán viêm ruột thừa, sau phẫu thuật không hết cơn đau, chụp X quang phát hiện sỏi niệu quản 1/3 dưới.
Cơn đau quặn thận cũng dễ bị nhầm lẫn với những cơn đau quặn gan do sỏi đường mật hay cơn đau dạ dày-tá tràng cấp tính.
Dự phòng sỏi thận
Để dự phòng sỏi thận, cần xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu để tìm bản chất sỏi và các yếu tố nguy cơ tạo sỏi. Uống nhiều nước giúp tăng lưu lượng nước tiểu để hạn chế tạo sỏi. Cần uống trên 2 lít nước mỗi ngày
Nếu là sỏi calcium bệnh nhân cần ăn nhạt, tránh ăn nhiều thịt. Ăn chế độ ăn giàu calcium, có thể bổ sung thêm calcium.
Nếu là sỏi urat cần giảm lượng acid uric trong máu bằng các thuốc tăng thải acid uric như gây kiềm hóa nước tiểu, dùng các thuốc giảm tổng hợp acid uric (allopurinol).
Theo VNN