Tuy có diện tích gần bằng khu vực Bắc Mỹ, song lỗ hổng của tầng ozone ở Nam Cực hiện nay vẫn là lỗ hổng nhỏ thứ hai trong vòng hai thập kỷ qua. Đây là công bố mới nhất của các nhà khoa học thuộc Cơ quan Khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA) và Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đưa ra ngày 24/10 về kết quả nghiên cứu các lỗ hổng trên "lá chắn" bảo vệ Trái Đất.

Phát hiện mới về lỗ hổng tầng ozone ở Nam Cực ảnh 1

Diện tích lỗ thủng tầng ozone lớn nhất ở Nam Cực từng được ghi nhận là 29,9 triệu km2. (Nguồn: science.nasa.gov)

Các nhà nhà khoa học thuộc hai cơ quan trên cho biết lỗ hổng của tầng ozone ởNam Cực hình thành trong tháng 9 và tháng 10, đã có kích cỡ 21,32 triệu km2, gần bằng tổng diện tích của ba nước: Mỹ, Mexico và Canada. Trong khi đó, lỗ hổng lớn nhất của tầng ozone cho đến nay là 29,9 triệu km2, được ghi nhận trong năm 2000. Cũng theo các nhà khoa học Mỹ, tầng ozone bảo vệ Trái Đất khỏi các tia cực tím nguy hiểm bắt đầu xuất hiện các lỗ hổng từ những năm 1980 của thế kỷ trước do các khí thải chlorofluorocarbon (gọi tắt là CFC) gây ra. Loại khí này hiện hầu như đã được loại bỏ nhờ một công ước quốc tế được ký kết hồi năm 1987./.

Theo (TTXVN) - V.T