Các thợ lặn phát hiện tàn tích của một lâu đài 3.000 năm tuổi ẩn sâu dưới đáy hồ Van, hồ lớn nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Lâu đài được tìm thấy bởi một nhóm nhà khoa học nghiên cứu hồ nước gần 10 năm qua, bao gồm Tahsin Ceylan, nhiếp ảnh gia kiêm nhà quay phim dưới nước, Mustafa Akkuş ở Đại học Van Yüzüncü Yıl và thợ lặn Cumali Birol, International Business Times hôm qua đưa tin.
Lâu đài nhiều khả năng thuộc về nền văn minh Urartu, một vương quốc thời Đồ sắt ở cao nguyên Armenia trải rộng tới Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia và Iran ngày nay.
"Nhiều nền văn minh và cư dân định cư quanh hồ Van. Họ gọi hồ nước là 'biển thượng' và cho rằng nơi này ẩn chứa nhiều điều bí ẩn. Chúng tôi đang khám phá để hé lộ những bí mật của hồ nước", Ceylan chia sẻ.
Nhóm nghiên cứu nghe nhiều lời đồn về sự tồn tại của tàn tích cổ đại dưới nước. Tuy nhiên, một số nhà khảo cổ quen thuộc với khu vực này cho biết họ hầu như không tìm thấy gì trong hồ. "Thật là một phép màu khi tìm thấy lâu đài dưới nước", Ceylan nói.
Kết cấu đá của lâu đài bao phủ khu vực rộng khoảng một kilomet vuông cho thấy nó thuộc về nền văn minh Urartu nổi lên vào giữa thế kỷ 9 trước khi dần dần suy thoái. "Những bức tường của lâu đài này trải dài trên khu vực rộng. Cần phải tiến hành công tác khai quật dưới nước vì chúng tôi không rõ các bức tường sâu bao nhiêu", Ceylan cho biết.
Nước ở hồ Van có tính kiềm, khiến tàn tích được bảo quản nguyên vẹn. Lâu đài cũng như vô số làng mạc và khu dân cư trong vùng được xây trong thời kỳ mực nước thấp hơn đáng kể so với ngày nay.
Theo VNE