Theo các nhà khoa học, hóa thạch 180 triệu năm tuổi này đã giúp họ có thêm cái nhìn về một loài cá sấu cổ đại mới, loài đã bị quá trình tiến hóa ảnh hưởng và tách ra khỏi “đại gia đình cá sấu” để tiến hóa thành những sinh vật giống cá heo.
Trước đó, các nhà phân tích sinh vật học đã tiết lộ rằng, tại kỷ Jura có 2 dạng cá sấu tồn tại trên Trái Đất. Trong đó, một loại có vảy sừng bao phủ toàn thân, có chi trên, chi dưới, đi lại được trên mặt đất và dần dần phát triển thành loài cá sấu ngày nay.
Trong khi đó, loại cá sấu thứ hai dù có bề ngoài giống cá sấu, nhưng không có lớp vảy sừng bao bọc thân. Ngoài ra, các chi cũng bị tiến hóa thành vây và đuôi mái chèo để thích nghi với môi trường hoàn toàn dưới nước.
Thế nhưng, hóa thạch của loài cá sấu cổ đại vừa được tìm thấy lại có những đặc điểm trộn lẫn giữa 2 loài cá sấu kể trên. Cụ thể, các chi của nó phát triển thành dạng có màng làm mái chèo, đuôi cũng hình thành giống đuôi cá mập giúp chúng có thể di chuyển trong nước, còn toàn thân lại được bao phủ bởi lớp vảy sừng cứng chắc.
Điều này khiến các nhà khoa học đang nghi ngờ việc đây có thể là loài cá sấu cổ đại mới hoặc là “con lai” giữa 2 loài cá sấu cổ đại nêu trên. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng đây là hóa thạch của một con cá sấu cổ đại đang trên đường tiến hóa thành cá voi và cá voi sát thủ ngày nay.
Trả lời phỏng vấn với báo giới, Tiến sĩ Mark Young, một nhà địa chất học tại Đại học Edinburgh, người đã nghiên cứu mẫu vật cho biết: “Hóa thạch này đã cung cấp một cái nhìn mới, độc đáo về việc cá sấu cổ đại đã tiến hóa thành cá voi và cá voi sát thủ hơn 180 triệu năm trước.”