(Baonghean.vn) - Kể từ tháng 3/2011, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện dấu vết phóng xạ có nguồn gốc từ thảm họa kép phá hủy nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản tại một bờ biển ở khu vực Bắc Mỹ.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản. Ảnh: Reuters
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Ken Buesseler, nhà khoa học thuộc Viện hải dương học Woods Hole thông báo việc phát hiện các chất cesium 134 và cesium 137 trong các mẫu vật lấy hôm 19/2 ngoài khơi bờ biển Ucluelet – một thị trấn nhỏ trên đảo Vancouver của Canada. Theo phân tích, mỗi mẫu vật chứa 1,4 Becquerel (một đơn vị đo cường độ chất phóng xạ) chất cesium 134 và 5,8 Becquerel chất cesium 137.

Ông Ken Buesseler tuyên bố “Phóng xạ có thể gây nguy hiểm và chúng tôi phải tiếp tục giám sát một cách cận thận các đại dương, nhất là sau khi phát hiện các chất phóng xạ trong đại dương”. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cho biết mức độ phóng xạ được phát hiện là rất thấp. Viện hải dương học Woods Hole ước tính nếu có một người bơi lội liên tục mỗi ngày tại vùng biển thuộc đảo Vancouver trong vòng 1 năm thì lượng phóng xạ anh ta hấp thụ rất nhỏ và không đáng kể.

Trước đó, vào tháng 11/2014, Viện hải dương học Woods Hole cũng cho công bố báo cáo về việc phát hiện một lượng phóng xạ có nguồn gốc từ Fukushima cách bờ biến phía bắc California khoảng 160 km. Ngay sau khi phát hiện chất phóng xạ ở Canada, các nhà khoa học hiện đang tích cực tiến hành hàng loạt cuộc phân tích rải dọc theo bờ biển của Bắc Mỹ và có thể sẽ tiến hành lấy mẫu phân tích ở cả bờ biển phía Tây nước Mỹ, từ bang Washington cho đến bang California.

 Chu Thanh – theo Le Monde 7/4