(Baonghean) - Con người không ngừng việc tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất từ hàng thế kỷ nay. Việc các nhà khoa học vừa công bố phát hiện một đại dương tồn tại ở sâu phía dưới hành tinh Ganymede một lần nữa mở ra cho loài người hy vọng sẽ phát hiện ra dấu hiệu của sự sống trong vũ trụ bao la rộng lớn này.

Mới đây, trong một nghiên cứu khoa học công bố trên tạp chí Journal of Geophysical Research, các nhà thiên văn học công bố việc phát hiện ra một đại dương dưới lớp vỏ băng giá của Ganymede – mặt trăng lớn nhất của sao Mộc và đồng thời cũng là mặt trăng lớn nhất trong hệ mặt trời.

Hành tinh Ganymede đang quay xung quanh sao Mộc. Ảnh: AFP/Handout
Hành tinh Ganymede đang quay xung quanh sao Mộc. Ảnh: AFP/Handout

Theo công bố của các nhà khoa học, đại dương vừa phát hiện trên hành tinh Ganymede có diện tích rộng hơn nhiều so với tất cả các đại dương trên Trái Đất. Được biết, Ganymede là hành tinh được nhà thiên văn học Galileo Galilei phát hiện vào năm 1610. Không những thế, vùng biển này có độ sâu lên đến 100 km tức sâu gấp 10 lần so với các đại dương ở Trái Đất và nằm dưới lớp vỏ dày 150 km chủ yếu được hình thành từ băng. Jem Green – Giám đốc Bộ phận Khoa học hành tinh của NASA cho biết “Chúng tôi tin rằng trong thời kỳ xa xưa, đại dương này thậm chí còn nằm ở trên bề mặt hành tinh”.

Joachim Saur thuộc Đại học Cologne, Đức – một trong những tác giả chính của phát hiện trên lưu ý rằng kể từ những năm 1970 các nhà khoa học đã nghi ngờ trên hành tinh Ganymede có đại dương tồn tại. Ông Joachim cho biết “Rất nhiều người nghi ngờ về những gì mà chúng tôi nghiên cứu” tuy nhiên với những thông tin mới nhất do kính viễn vọng Hubble cung cấp thì đây “là bằng chứng tốt nhất về sự tồn tại của một đại dương trên Ganymede”.

Đánh giá về phát hiện trên, John Grunsfeld –  người đứng đầu trong các nhà khoa học của NASA nhận xét “Một đại dương nằm sâu dưới lớp vỏ băng của Ganymede có thể mở ra khả năng tồn tại sự sống ngoài Trái Đất”. Ông John tin rằng đây là một phát hiện đánh dấu một “bước tiến quan trọng” với loài người.

Trước đây, phi thuyền Gelileo của NASA từng tiến hành nghiên cứu sao Mộc và các mặt trăng của nó trong vòng 8 năm. Vào năm 2002, khi bay 6 lần xung quanh Ganymede, phi thuyền Gelileo phát hiện được một từ trường tồn tại ở hành tinh này. Đây là một dấu hiệu hỗ trợ cho giả thuyết tồn tại về một đại dương nhưng lúc đó những bằng chứng trên chưa đủ để giúp các nhà khoa học khẳng định hoàn toàn.

Bằng việc quan sát qua kính viễn vọng Hubble, các nhà khoa học đã phát hiện và nghiên cứu những cực quang ở các vùng cực của Ganymede. Hiện tượng cực quang là một hiện tượng do từ trường gây ra. Người ta không loại trừ khả năng hành tinh Ganymede bị ảnh hưởng bởi từ trường của sao Mộc bởi mỗi lần từ trường trên sao Mộc thay đổi thì cực quang trên Ganymede cũng thay đổi theo.

Tuy nhiên, sau nhiều lần quan sát hiện tượng cực quang, các nhà khoa học đã xác định được sự tồn tại của một đại dương rộng lớn nằm dưới lớp vỏ của hành tinh Ganymede và gây ảnh hưởng đến từ trường của Ganymede. Các nhà khoa học giải thích, do nước muối dẫn điện nên sự chuyển động của đại dương sẽ gây ảnh hưởng tới từ trường.

Châu Âu cũng đã xác nhận về sự tồn tại của một đại dương chất lỏng nằm dưới lớp băng của hành tinh Ganymede. Việc này sẽ hứa hẹn về khả năng tồn tại của đời sống vi sinh vật ngoài Trái Đất. Các nhà khoa học hoàn toàn có cơ sở để tin vào điều đó khi mà hoạt động địa chất kèm theo việc đại dương ma sát với đá ngầm ở trên Ganymede có thể sẽ tạo ra quá trình oxy hóa và từ đó giúp tạo ra nguồn năng lượng cho sự sống. 

Chu Thanh

(Theo LeMonde 13/3)