Bạn đang sở hữu một tấm lưới khổng lồ ngay dưới da, đan bằng các sợi mảnh giống như tóc – các nhà khoa học từ Viện Karolinska ở Thụy Điển vừa tuyên bố. Đó là một cơ quan hoàn toàn chưa từng được biết đến trước đây có trong cơ thể con người và nhiều động vật, tạm gọi là "phức hợp thần kinh đệm đau đớn" bởi nhờ có nó mà chúng ta biết đau.

28322432_1982019.jpgCơ quan mới trong cơ thể người mang hình dạng một tấm lưới mỏng khổng lồ ẩn dưới da - ảnh minh họa từ INDEPENDENT
Trước đây, người ta tin rằng các sợi thần kinh trong da chịu trách nhiệm thu nhận các kích thích khó chịu như cảm giác châm chích và các dạng đau đớn khác. Nhưng cơ quan mới phát hiện gần như độc lập, ẩn dưới da, được tạo thành bởi vô số tế bào thần kinh đệm dạng tế bào Schwann (dạng tế bào thần kinh đệp chính của hệ thần kinh ngoại biên).
Tuy nhiên, các tế bào này cũng có liên hệ với da nhờ phần đuôi mở rộng dài, bao quanh đầu của các tế bào thần kinh cảm giác đau trong da, nhờ đó tạo nên một cơ chế chặt chẽ cho sự đau đớn.
Trong thí nghiệm trên chuột, khi mạng lưới "phức hợp thần kinh đệm đau đớn" này bị chặn lại, sự nhận biết về cảm giác đau của chúng giảm đi rõ rệt.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự nhạy cảm với cơn đau không chỉ xảy ra ở các sợi thần kinh của da, mà còn ở cơ quan nhạy cảm với cơn đau được phát hiện mới đây", giáo sư Patrik Ernfors, tác giả chính của nghiên cứu, nói.
Theo ông, phát hiện này thay đổi hiểu biết của chúng ta về cơ chế tế bào của cảm giác đau vật lý. Điều đó có thể là tiền đề cho các nghiên cứu đúng hướng hơn nhằm ngăn chặn, hạn chế các tình trạng đau mãn tính, vốn hành hạ vô số bệnh nhân trên toàn thế giới. Nghiên cứu gần đây của Mỹ cho thấy có tới hơn 20% người trưởng thành ở nước này phải chịu đựng cơn đau mãn tính, được định nghĩa là cơn đau kéo dài từ 3 tháng trở lên.