Đây là số liệu được công bố tại Hội nghị tổng kết 10 năm Luật Phòng, chống tham nhũng, do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 4/3, tại Hà Nội.

Trình bày báo cáo tại Hội nghị, quyền Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp  Nguyễn Hồng Diện cho biết, giai đoạn 2005 - 2015, toàn ngành Tư pháp đã đẩy mạnh việc thực hiện tốt hoạt động tự kiểm tra nội bộ, nhất là trong lĩnh vực thi hành án dân sự (THADS); tăng cường đôn đốc, kiểm tra và tự kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của mỗi công chức nhằm ngăn chặn hành vi tham nhũng. 

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Qua công tác tự kiểm tra nội bộ tại các cơ quan, tổ chức đơn vị quản lý của Bộ Tư pháp, phát hiện 19 vụ tham nhũng với 22 đối tượng có hành vi tham nhũng. Trong đó, 6 vụ với 6 bị can bị khởi tố qua công tác điều tra; 3 vụ với 3 bị can bị truy tố tội phạm tham nhũng.

Qua công tác thanh tra đã phát hiện một số tồn tại, thiếu sót, do đó đã kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục; đồng thời giai đoạn 2005 - 2015, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp đã ban hành 33 Quyết định thu hồi tiền với tổng số tiền thu hồi là  hơn 1,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, không có trường hợp nào tặng quà, nhận quà trái với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) là ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu. Việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng so với thực trạng vẫn còn khoảng cách.

Trong những năm qua công tác phòng chống tham nhũng của nước ta đã có những chuyển biến rõ nét cả về nhận thức và hành động; hàng loạt các vụ án tham nhũng đã được phát hiện, khởi tố đã lấy lại được niềm tin của nhân dân.

Hành vi tham nhũng hiện nay được đánh giá là diễn biễn phức tạp, nhưng các vụ việc phát hiện, xử lý còn hạn chế. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức đối với công tác PCTN còn hạn chế; vẫn còn tư tưởng thờ ơ, xem nhẹ vai trò, hiệu quả của công tác PCTN; việc thu hồi tài sản do tham nhũng còn chưa làm tốt, việc kê khai tài sản hiện nay còn nặng nề hình thức.

Đánh giá về những bất cập trong thực hiện Luật PCTN hiện nay, quyền Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Diện cho rằng, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng hiện nay còn nhiều hạn chế, yếu kém. Một trong những nguyên nhân chủ quan là do một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTN. Một bộ phận cán bộ, công chức, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo quản lý chưa thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thiếu trách nhiệm trong thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao.

Trên cơ sở đó, kiến nghị sửa đổi toàn diện Luật PCTN hiện hành, trong đó quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cần được sửa đổi theo hướng làm rõ khái niệm người đứng đầu  và trách nhiệm người đứng đầu nhằm cá thể hóa trách nhiệm theo từng cấp độ quản lý khi để xảy ra vụ việc tham nhũng; quy định về việc loại trừ trách nhiệm người đứng đầu khi đã áp dụng tất cả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn theo quy định của pháp luật../.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong giai đoạn 2006 - 2015, các cơ quan THADS đã thụ lý tổng số 733 việc thi hành án đối với các vụ án có liên quan đến thu hồi tài sản cho Nhà nước; đã thi hành xong 606/733 việc, đạt tỉ lệ 82,67%. Tuy nhiên, tỷ lệ thi hành về việc hàng năm đạt thấp, trung bình đạt 43,09% (do án chuyển kỳ sau thường cao). Về giá trị, đã thụ lý hơn 11 nghìn tỷ đồng, đã thi hành xong hơn 647 tỷ đồng, chỉ đạt tỉ lệ 5,58%. Trong đó, tỷ lệ thi hành về tiền năm 2015 chỉ đạt 2,31%. 

Theo ĐCSVN