Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, cách làm này sẽ giúp giải phóng hàng tồn kho.

Ủy ban Giám sát tài chính vừa đưa ra kiến nghị nhanh chóng đẩy mạnh những biện pháp làm gia tăng tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế. Tăng cường hơn nữa những hỗ trợ nhằm giải quyết hàng tồn kho cho doanh nghiệp và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Theo đánh giá của cơ quan này, kinh tế Việt Nam 10 tháng năm 2012 đã có những cải thiện đáng kể cũng như đã tạo dựng được khuôn khổ vĩ mô ổn định. Tuy nhiên kinh tế vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, biểu hiện qua các chỉ số vĩ mô vẫn chỉ dao động quanh mức thấp.

Cung – cầu đều giảm

Về tổng cầu: tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng khá hơn nhưng vẫn ở mức thấp; ở chiều hướng ngược lại, chỉ số hàng tồn kho dù đã giảm mạnh so với những quý đầu năm nhưng vẫn ở mức khá cao (tương đương 20,3% so với cùng kỳ năm); trong khi đó, tín dụng trong tháng 10 tiếp tục trong tình trạng suy yếu và tăng không đáng kể so với cuối tháng 9 (tính đến 30/09, tín dụng tăng khoảng 2,5% so với đầu năm; dự báo đến hết tháng 10 tăng khoảng 3% so với đầu năm).

Về tổng cung: chỉ số tăng trưởng sản xuất công nghiệp tháng 10 vẫn tăng 5,8% so với tháng 9 nhưng nếu so sánh theo tốc độ tăng bình quân tháng so với cùng kỳ thì sau 5 tháng gần như liên tục tăng dần đều (từ tháng 5 đến tháng 9/2012) thì tốc độ tăng sản lượng sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu chững lại và giảm nhẹ (chỉ tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước). Điều đáng lưu ý là những ngành sản xuất có sản lượng suy giảm tập trung chủ yếu vào các ngành nghề có liên quan lĩnh vực xây dựng - bất động sản.

Bên cạnh đó, Ủy ban cũng đã tham khảo chỉ số giá đầu vào và đầu ra của báo cáo “Chỉ số quản trị mua hàng PMI” được HSBC công bố đầu quý IV/2012 cho thấy chỉ số giá cả đầu vào sản xuất đã tăng liên tiếp từ đầu năm tới nay do tăng giá nguyên vật liệu thô (ngoại trừ 2 tháng 6 và tháng 7). Trong khi đó, chỉ số giá đầu ra đã liên tục giảm kể từ tháng 5 tới nay do cầu tiêu dùng suy giảm cộng với áp lực cạnh tranh. Mặt khác, báo cáo này cũng cho thấy tình hình sản xuất của nhóm doanh nghiệp xuất khẩu sẽ còn có thể phải chịu thêm những khó khăn nhất định trong thời gian tới khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi cuộc khảo sát được tiến hành (từ tháng 04/2011).

Đánh giá của Ủy ban chỉ rõ: Nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng đã bước đầu tạo được nền tảng bền vững hơn cho giai đoạn sau. Thể hiện ở cơ cấu đầu tư: Đầu tư công năm 2012 đã có tính lựa chọn, có trọng điểm và bớt dàn trải hơn nhiều so với giai đoạn trước. Điều này sẽ giúp nâng dần hiệu quả đầu tư chung của toàn nền kinh tế cũng như sẽ góp phần ổn định lạm phát trong trung hạn; Đầu tư FDI dù giảm so với giai đoạn trước nhưng đã có sự dịch chuyển lĩnh vực đầu tư theo hướng tích cực khi đầu tư vào khu vực công nghiệp chế biến chế tạo tăng cao, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản giảm mạnh. Sự chuyển dịch này cho thấy FDI đã mang tính đầu tư thực chất vào khu vực sản xuất hơn.

Chỉ số giá tiêu dùng sau khi tăng bất ngờ vào tháng 9 (tăng 2,2% so với tháng 8) chủ yếu do điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục đã chỉ tăng nhẹ trong tầm kiểm soát trong tháng 10 (tăng 0,85% so với tháng 9 và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2011) theo xu hướng chung từ đầu năm tới nay (nếu loại trừ yếu tố thời vụ, CPI của tháng 10 chỉ tăng khoảng 0,5% so với tháng 9). “Điều này cho thấy quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô với những hành động cụ thể như đã thể hiện qua Chỉ thị 25/TTg-CP của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá. Chính sách này đã ngay lập tức đã phát huy được hiệu quả tích cực trong việc kiềm chế lạm phát tháng 10. Dự báo CPI cả năm 2012 có thể được kiềm chế ở mức khá tốt trong khoảng 7-8%.” – báo cáo khẳng định.

Tổng hợp những phân tích trên cho thấy tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế hiện nay dù đã có những chuyển biến tích cực so với những quý đầu năm nhưng vẫn ở mức yếu và chưa đủ để tạo thành xung lực giúp doanh nghiệp sớm khắc phục khó khăn, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong những năm tới.

Kích cầu, giải phóng hàng tồn kho

Từ thực tế này, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia kiến nghị một số giải pháp. Trước hết, cần đẩy mạnh phát hành trái phiếu công trình nhằm kích cầu kinh tế để giải phóng hàng tồn kho. Quan sát chuỗi số liệu từ năm 2005 đến nay cho thấy lĩnh vực xây dựng (tính theo giá so sánh) có đóng góp tới 8-10% vào tổng sản lượng quốc nội hàng năm và luôn duy trì được tốc độ tăng mạnh từ 10-12% năm. Tuy nhiên, năm 2012 đã là năm thứ 2 liên tiếp sản lượng và tăng trưởng của lĩnh vực này suy giảm. Vì vậy cần sớm có giải pháp cụ thể nhằm khôi phục lĩnh vực xây dựng, thông qua đó kích cung và cầu của nển kinh tế. Trong hoàn cảnh do dư địa để thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế của chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa hiện nay còn rất hẹp nên có thể sử dụng những giải pháp khác, cụ thể ở đây là phát hành trái phiếu công trình có định hướng tập trung vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, gây tác động lan tỏa nhằm kích cầu để tăng trưởng kinh tế sớm có thể hồi phục.

Để khơi thông nguồn vốn tín dụng thì vấn đề cốt lõi của chính sách hiện nay là phải ưu tiên đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, coi đây chính là khâu đột phá quan trọng để ngăn chặn tình trạng đóng băng tín dụng dẫn đến suy giảm kinh tế trong thời gian qua…

Cùng với đó, ủy ban cũng khuyến nghị, để quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu có thể đẩy mạnh một cách thực chất, cần sớm hoàn thiện nhanh nền tảng pháp lý cho việc mua bán nợ, thanh lý tài sản trong tiến trình xử lý nợ xấu, đồng thời có những chính sách ưu đãi về thuế và phí cho những tổ chức tài chính liên quan đến mua bán nợ xấu./.

Theo (vov.vn)-H.V