Phật giáo với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước

 Sự đa dạng về các hệ phái Phật giáo với các đường hướng hành đạo đặc thù cũng là yếu tố đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của phật tử và nhân dân để Đạo ngày càng gắn bó với Đời. Chẳng những làm phong phú đời sống tâm linh tín ngưỡng của nhân dân mà đó cũng là cách để Phật giáo ngày càng phát triển.

bna__chua_tu_hieu_22884464_2622019.jpgHơn 100 phật tử đã hành hương từ TP Vinh và các địa bàn lân cận để được về chùa Từ Hiếu mong được đảnh lễ sư thầy Thích Nhất Hạnh, nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma. Ảnh tư liệu
Với tinh thần từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha, hơn 2.000 năm du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần, văn hóa của dân tộc. Lịch sử đã chứng minh mối quan hệ keo sơn, khăng khít giữa Phật giáo với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước của dân tộc. Vì thế, tầm ảnh hưởng của Phật giáo đến các lĩnh vực đời sống xã hội ngày càng lớn.
Nghìn năm Bắc thuộc, chùa chiền đã là nơi sinh hoạt của cộng đồng, nhà sư cũng đồng thời là người dạy chữ, bốc thuốc chữa bệnh cho dân; dạy dân biết sống theo điều hay lẽ phải, biết yêu nước thương nòi, nung nấu tinh thần độc lập dân tộc. Đất nước xây nền tự chủ, Thiền sư Ngô Chân Lưu giúp vua Đinh Tiên Hoàng trị quốc an dân; tự tin khẳng định độc lập, chủ quyền trong quan hệ đối ngoại với các nước lân bang. Thời tiền Lê có Thiền sư Đỗ Pháp Thuận, đặc biệt, Thiền sư Vạn Hạnh là người có công rất lớn đối với vua Lê Đại Hành trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược và sau này, giúp Lý Công Uẩn lên ngôi, lập nên Triều Lý - một triều đại lấy Phật giáo làm quốc đạo, xây dựng xã hội thanh bình thịnh trị, lấy sự an lành của cuộc sống muôn dân làm mục tiêu trị quốc.
Các tăng ni, phật tử chùa Đức Hậu đã đón 150 tăng ni sinh đến từ Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế do Đại đức Thích Thiền Chí dẫn đầu ghé thăm chùa Ân Hậu. Ảnh tư liệu
Đặc trưng của Phật giáo Việt Nam là nhập thế, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Tên tuổi  những nhà sư Đa Bảo, Viên Thông, Tuệ Trung Thượng Sĩ … đã góp phần làm rạng danh Phật giáo Việt Nam qua ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông và phát triển rực rỡ đất nước dưới thời nhà Trần. Đặc biệt, vua Trần Nhân Tông, sau khi nhường ngôi cho con đã vào núi tu hành, trở thành vị tổ sư đầu tiên sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - một thiền phái duy nhất mang hệ tư tưởng Việt Nam, được người đời tôn xưng là Điều Ngự Giác Hoàng. 
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Phật giáo luôn là chỗ dựa cho cách mạng. Nhiều chùa chiền trở thành cơ sở hoạt động, nơi nuôi giấu những nhà cách mạng. Đông đảo phật tử kể cả tại gia tham gia tích cực sự nghiệp kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước. Nhiều tu sĩ đã tạm gác việc tu hành, giã biệt chốn thiền môn, ra bưng biền tham gia cách mạng như các Hòa thượng Thích Thiện Chiếu, Thích Minh Nguyệt, Thích Thiện Hào, Thích Thế Long… nhiều tu sĩ đã hy sinh anh dũng vì sự nghiệp giải phóng nước nhà.
Từ ngày lễ báo hiếu của Phật giáo, Lễ Vu Lan đã trở thành sự kiện quen thuộc với nhiều người, mang ý nghĩa sâu sắc về tấm lòng biết ơn, đạo lý hiếu thảo của người phương Đông. Ảnh tư liệu: Hồ Chiến
Đặc biệt sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức “vị pháp thiêu thân” ngày 11/06/1963 giữa Sài Gòn nhằm phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đã trở thành ngọn lửa thắp sáng lương tri toàn thế giới, kêu gọi thế giới ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Hình ảnh “Trái tim vĩnh cửu” của Hòa thượng mang ý nghĩa cao cả của tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam. Những người con Phật sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp đại đoàn kết, đấu tranh cho công lý, hòa bình.
Tinh thần ấy vẫn tiếp tục tỏa sáng, được nhân lên trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, đem giang sơn về một mối và được kế tục, phát triển trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước ngày nay.
“Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”
Trong suốt 20 năm qua, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế đã đào tạo được 9 khóa với hơn 1000 Tăng Ni sinh tốt nghiệp cử nhân Phật học. Có 30 Tăng Ni sinh xuất thân từ Học viện hiện đã tốt nghiệp Tiến sỹ Phật học; phần lớn các Tăng Ni sinh tốt nghiệp tại Học viện hiện đang hoằng pháp, đảm trách các phật sự trọng yếu tại các Ban, Viện Trung ương, tại các địa phương trong cả nước cũng như nước ngoài. Ảnh tư liệu
Với phương châm “ Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Phật giáo Việt Nam đã và đang tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng phát triển đất nước bằng các hoạt động giao lưu quốc tế, vận động hòa bình, đối nội, đối ngoại… Đại bộ phận tăng, ni, phật tử thực hiện nếp sống văn hóa, đạo đức, ích nước, lợi dân, trở thành những người tiêu biểu, gương mẫu trong cuộc sống. Nếu trước kia, Phật tử bằng đánh giặc cứu nước mà đi đến giác ngộ, thì ngày nay, bằng các chương trình hoạt động xã hội, tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới, chấn hưng đất nước mà họ được giác ngộ chân lý của đạo Phật.
“Nước có độc lập thì đạo Phật mới dễ mở mang”- Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã khẳng định như vậy. Trong quá trình đồng hành cùng đất nước, Phật giáo không ngừng phát triển, khẳng định vị thế là một tôn giáo lớn ở Việt Nam. Những giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc của đạo Phật đã ảnh hưởng tích cực đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của đại đa số nhân dân, góp phần hoàn thiện đạo đức cá nhân, hình thành phong cách, lối sống thuần hậu bao dung và góp phần lành mạnh hóa các quan hệ xã hội. Thái độ ứng xử và giá trị tư tưởng, triết lý của Phật giáo đã hòa quyện với truyền thống văn hóa dân tộc, trở thành di sản, bản sắc quý báu của dân tộc Việt Nam.
Đại đức Thích Quảng Bảo - Ủy viên thường trực, Trưởng ban Văn hóa Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An trao đổi với đại biểu và phật tử về ngày lễ Phật Thành Đạo, giáo lý phật giáo, sự lan tỏa của đạo Phật trên thế giới… Ảnh tư liệu
Có thể nói, từ bản chất, bản sắc và trong thực tiễn hoạt động của mình, trong quá khứ cũng như hiện nay, Phật giáo luôn thể hiện được tinh thần gắn bó, đồng hành, góp phần xứng đáng với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam. Phật giáo Việt Nam đã góp phần làm sáng ngời lý tưởng của dân tộc và trưởng thành cùng dân tộc.
Có thể đâu đó vẫn còn hiện tượng một số cá nhân, cơ sở thờ tự lợi dụng tín ngưỡng của nhân dân mà có những hành vi không chính pháp, ảnh hưởng đến thanh danh của Đạo Phật. Những hiện tượng cá biệt đó đã bị xã hội lên án, đang được chính quyền và ngành chức năng xem xét, xử lý thỏa đáng nhằm mang lại sự tôn nghiêm của Phật pháp, để niềm tin tôn giáo của nhân dân luôn được soi sáng bằng tinh thần từ bi, bác ái, hỉ xả của Đạo Phật./.