Hội đồng OPCW bao gồm 41 thành viên, trong đó có cả các đại diện của Nga và Anh. Các nhà ngoại giao Nga vẫn bày tỏ mong muốn được tham gia vào quá trình kiểm nghiệm mẫu chất độc nghi được sử dụng trong vụ cựu điệp viên Skripal, đồng thời tuyên bố sẽ không chấp nhận kết quả nếu việc kiểm nghiệm này chỉ được thực hiện tại các phòng thí nghiệm của OPCW mà không có sự tham gia của Moscow.
Trong bình luận hiếm hoi về vụ cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái Yulia nghi bị đầu độc bằng chất độc thần kinh tại thành phố Salisbury, Anh hôm 4/3, Tổng thống Putin cho biết ông cảm thấy choáng ngợp khi vụ việc nhanh chóng biến thành một cuộc tấn công rầm rộ nhằm vào Nga đến như vậy, mặc dù thông tin chính xác về nguồn gốc loại chất độc vẫn chưa được công bố.
“Thật ngạc nhiên khi một chiến dịch chống Nga được tiến hành nhanh như vậy”, Tổng thống Putin nói.
Trong khi Anh liên tục đổ lỗi cho Nga, các nhà điều tra tại Anh cho đến nay vẫn chưa đưa ra các kết luận chính xác cũng như trình bằng chứng cụ thể cho thấy Nga chính là “thủ phạm” của vụ đầu độc này. Thậm chí, lãnh đạo phòng thí nghiệm hóa học tại căn cứ Porton Down của Anh còn thừa nhận rằng các nhà khoa học không thể xác định chất độc thần kinh trong vụ cựu điệp viên Skripal có nguồn gốc từ Nga.
“Tôi biết thông tin về vụ việc này thông qua tin tức truyền thông. Tôi chỉ muốn nói thêm rằng theo các chuyên gia quốc tế, khoảng 20 quốc gia trên thế giới có thể chế tạo các chất độc thần kinh tương tự”, ông Putin nói.
Nga từng nhiều lần yêu cầu Anh cung cấp các bằng chứng cho Moscow, bao gồm mẫu chất độc nghi vấn, đồng thời để Nga tham gia vào cuộc điều tra chính thức về vụ việc. Tổng thống Putin hôm qua tiếp tục nhắc lại đề nghị này.
“Chúng tôi mong muốn tham gia vào cuộc điều tra toàn diện. Chúng tôi muốn được cho phép tham gia vào cuộc điều tra và chúng tôi cần được cung cấp các tài liệu liên quan vì vụ việc này có liên quan tới các công dân của Nga”, ông Putin nhấn mạnh.
Quan hệ giữa Nga và Anh trở nên căng thẳng trong những tuần gần đây khi hai bên liên tục đổ lỗi cho nhau. Hàng trăm nhà ngoại giao của các nước đã bị trục xuất và một số lãnh sự quán bị đóng cửa liên quan tới cuộc đối đầu căng thẳng được ví như thời Chiến tranh Lạnh giữa Moscow và phương Tây.