(Baonghean) - Với 438 phiếu ủng hộ và 86 phiếu chống, Quốc hội Pháp vừa thông qua dự luật về việc mở rộng quyền do thám cho các cơ quan an ninh nước này. Mặc dù vấp phải sự chống đối của một số nghị sỹ, giới thẩm phán và các tổ chức nhân quyền vì e ngại trao cho các nhân viên tình báo quá nhiều quyền lực không thể kiểm soát, song dự luật lại nhận được sự ủng hộ của đa số người dân Pháp. 
 
images1162273_quoc_hoi_phap.jpgHạ viện Pháp họp thông qua dự luật về chương trình do thám chống khủng bố. Ảnh: EPA
Những tranh cãi trái chiều
 
Theo dự luật mới được Quốc hội Pháp thông qua, các cơ quan tình báo được phép sử dụng các phương tiện đặc biệt để thu thập dữ liệu điện tử không giới hạn từ mạng Internet, điện thoại và các thiết bị thu hình cũng như các thiết bị do thám khác. Tuy nhiên, điều mà những người phản đối dự luật này lo ngại nhất là việc các cơ quan tình báo của Pháp được quyền nghe lén điện thoại và đọc trộm thư điện tử của người dân mà không cần phải xin phép tòa án, được quyền lắp đặt camera và thiết bị ghi âm, ghi hình tại nhà riêng, được cài phầm mềm theo dõi bàn phím vào bất kỳ máy tính nào. Với những quy định này, có thể hình dung toàn bộ cuộc sống riêng tư của những người dân Pháp sẽ bị “phơi bày” dưới con mắt của các nhà tình báo Pháp. Đó là lý do dự luật này không nhận được sự đồng tình của một bộ phận người dân Pháp, nhất là các nhóm hoạt động vì nhân quyền, cho rằng nó hợp pháp hóa những hoạt động mang tính xâm phạm cao, không đảm bảo quyền tự do và riêng tư của mỗi cá nhân. 
 
Tuy nhiên, những người ủng hộ dự luật cũng có lý lẽ khá chính đáng, đó là cơ quan tình báo Pháp phải được trao nhiều quyền và phương tiện để hành động hiệu quả hơn trong việc đối phó với các nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố, chống lại các băng nhóm tội phạm có tổ chức lớn và do thám kinh tế. Thủ tướng Pháp Manuel Valls cũng khẳng định dự luật vẫn giữ nguyên các quyền tự do cơ bản của người dân Pháp, đồng thời nhấn mạnh đây là một dự luật “hữu ích, hiệu quả và được người dân Pháp trông đợi”. Những nhận định của ông Manuel Valls đã được minh chứng bằng con số 63% người dân Pháp đồng tình với dự luật này. 
 
Sự lựa chọn của nước Pháp
 
Châu Âu vẫn luôn tự hào với các giá trị về quyền tự do con người, và người dân Pháp cũng không phải là ngoại lệ. Bởi vậy, việc họ nhiệt thành ủng hộ cho dự luật với những quy định được cho là “xâm phạm quyền tự do và riêng tư của mỗi cá nhân” có thể khiến nhiều người khó hiểu. Tuy nhiên, nếu nhìn vào tình hình hiện nay tại châu Âu, nơi mà nguy cơ khủng bố hiện hữu ở mọi nơi, mọi lúc, có thể lý giải được sự lựa chọn của người dân Pháp. Nhất là sau vụ khủng bố Tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi đầu năm vừa qua, sự việc mà cơ quan tình báo Pháp bị chỉ trích là hoạt động kém hiệu quả, người dân Pháp đã nhận thấy rõ sự liên hệ mật thiết giữa khả năng, phạm vi hoạt động của cơ quan tình báo với sự an toàn thường nhật của chính họ. Chắc chắn, sự an toàn có thể đo đếm được bằng sự sống – cái chết đáng giá hơn những khái niệm trừu tượng về tự do, quyền riêng tư. Đó là lý do bất chấp sự phản đối của phe đối lập gồm các nghị sĩ cánh tả và Đảng Xanh, dự luật mới vẫn được đa số nghị sĩ hai đảng Xã hội và UMP cánh hữu tán thành với lý do dự luật này là cần thiết cho cuộc chiến chống khủng bố. 
 
Tuy nhiên, thời điểm mà Quốc hội Pháp họp bàn để thông qua dự luật mới về quyền hạn của các cơ quan tình báo khá nhạy cảm. Đó là khi nước Đức đang vướng vào vụ lùm xùm của Cơ quan tình báo. Theo đó, cơ quan này bị cáo buộc trợ giúp cho Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ do thám các mục tiêu ở Đức và châu Âu, trong đó có cả Phủ Tổng thống và Bộ Ngoại giao Pháp. Nhiều người đã dự đoán rằng, việc Pháp trở thành mục tiêu do thám của Đức và Mỹ có thể gây ra sự phẫn nộ trong công chúng, khi nước Pháp trở thành “nạn nhân” của chính đồng minh của mình. Bởi vậy, phía Pháp đã nhanh chóng có động thái nhằm giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của vụ bê bối này. Cụ thể, Bộ Ngoại giao Pháp đã ra tuyên bố rằng “hành động này đã vượt mức cho phép, nhưng Berlin đã nhanh chóng thiết lập lại niềm tin giữa hai nước”. Để biện hộ cho sự hợp tác giữa tình báo Đức và Mỹ, tránh để sự việc này gây cản trở cho quá trình thông qua dự luật mới về hoạt động của cơ quan tình báo Pháp, người ta một lần nữa lật lại vụ tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo. Khi đó, dư luận cũng đã từng đặt dấu hỏi về hiệu quả hợp tác giữa cơ quan tình báo Mỹ - Pháp. Từ nhiều năm trước, anh em nhà Kouachi từng được các cơ quan tình báo Mỹ và Pháp đưa vào diện đối tượng cần đặc biệt theo dõi. CIA thậm chí còn đưa tên hai nghi phạm này vào danh sách cấm bay của Mỹ. Nhưng sau đó, các nghi phạm được nhận định là không còn nguy hiểm, nên tình báo Pháp chuyển sự chú ý sang các đối tượng khác. Và cuộc tấn công Charlie Hebdo đã xảy ra làm rung chuyển cả nước Pháp!
 
Như vậy, cho dù còn nhiều tranh cãi trong dư luận Pháp, dự luật tăng quyền cho cơ quan tình báo Pháp cũng đã được thông qua. Và đây là lựa chọn của nước Pháp: hy sinh một phần tự do cá nhân để mong đổi lấy sự an toàn. 
 
Thúy Ngọc