Thầy Park không đưa ra "phát kiến" chiến thuật nào mới ở AFF Cup năm nay. Ông vẫn trung thành với sơ đồ ba trung vệ vốn ra mắt mỹ mãn tại giải U23 châu Á. Tuy nhiên, tùy tình hình đội bóng và đối thủ, HLV Hàn Quốc vẫn có những điều chỉnh nhỏ nhưng tinh tế, để mang lại hiệu quả lớn về mặt thế trận và kết quả. Thậm chí, so với giải đấu ở Thường Châu hồi đầu năm, cách đội bóng vận hành sơ đồ ba trung vệ tại AFF Cup còn cho thấy sự uyển chuyển hơn.
Sơ đồ ba trung vệ linh hoạt
Chọn sơ đồ ba trung vệ (hay năm hậu vệ tùy cách gọi và thực tế lối chơi) cho các đội tuyển Việt Nam, ông Park đã chọn đi con đường khó. Sơ đồ ba trung vệ thoạt nghe là lựa chọn an toàn về mặt phòng ngự, nhưng thực ra không hẳn. Vận hành sơ đồ này một cách hiệu quả luôn là thách thức với mọi HLV. Ở Ngoại hạng Anh, các HLV hàng đầu như Pep Guardiola (Man City) hay Mauricio Pochettino (Tottenham) đều hiểu rõ giá trị của sơ đồ ba trung vệ, nhưng không thể sử dụng kiểu "đại trà", bởi sơ đồ này rất kén người, và để đào tạo các cầu thủ vận hành nó một cách mượt mà đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức.
Ở Việt Nam không có nhiều cầu thủ quen với sơ đồ này. Sơ đồ năm hậu vệ từng rất phổ biến ở Việt Nam từ những năm 1990, nhưng sau đó, theo trào lưu chung, các đội bóng đều chuyển sang đá với bốn hậu vệ và lấy đó làm sơ đồ cơ sở khi đào tạo cầu thủ. Ở V-League gần đây, cũng không có đội nào chọn sử dụng sơ đồ ba trung vệ. Các cầu thủ Việt Nam, do đó, coi như phải học cách chơi với sơ đồ ba trung vệ từ đầu. Trên thực tế, hồi mới sang Việt Nam, HLV Park Hang-seo phải dành rất nhiều buổi tập chỉ để rèn cho các cầu thủ cách di chuyển.
Điểm mạnh của sơ đồ ba trung vệ khi phòng ngự là một trong các trung vệ luôn có thể rời vị trí mà vẫn yên tâm rằng trước mặt thủ môn luôn có ít nhất ba và thường xuyên là bốn hậu vệ. Tuy nhiên, đấy cũng là một điểm yếu tiềm tàng. Bởi, khi một hậu vệ đã rời vị trí, những người còn lại phải nhanh chóng di chuyển để lấp vào khoảng trống anh ta bỏ lại. Và khi anh ta trở lại vị trí, các đồng đội lại phải nhanh chóng tản ra. Nếu việc di chuyển diễn ra không đồng bộ, hoặc thiếu dứt khoát, đội hình phòng ngự sẽ trở nên xộc xệch, và đối phương sẽ có nhiều khoảng trống để tấn công vào.
Ở AFF Cup 2018, tình trạng xộc xệch ấy gần như không diễn ra. Các trung vệ Việt Nam, nhất là Đình Trọng, thường xuyên rời vị trí để gây sức ép với cầu thủ có bóng của đối phương, nhưng khoảng trống bỏ lại luôn được các đồng đội lấp vào rất nhanh. Như trong tình huống dưới đây, Duy Mạnh rời rất xa khỏi vị trí để gây sức ép với cầu thủ của Malaysia. Ngay lập tức, hai trung vệ còn lại là Đình Trọng và Ngọc Hải cùng với cầu thủ chạy cánh trái Văn Hậu sẽ nghiêng lại gần Trọng Hoàng. Việt Nam cơ bản vẫn giữ được một hàng thủ bốn người trước mặt Văn Lâm.
Việc các trung vệ có thể dâng lên đóng vai trò quan trọng trong lối chơi của Việt Nam - nhất là khi chỉ chơi với hai tiền vệ trung tâm. Khi các tiền vệ tấn công không kịp lùi về để lập thành đội hình phòng ngự 5-4-1, khoảng trống ở hai bên bộ đôi tiền vệ trung tâm là rất lớn (có thể thấy rõ ở hình trên). Đấy là khoảng trống mà các tiền đạo của đối phương thường giật lại, hoặc tiền vệ cánh của đối phương thường di chuyển vào, để khai thác. Nếu các trung vệ không dâng lên đúng lúc, đối phương sẽ có cơ hội nhận bóng ở một khu vực nhạy cảm được gọi là "hành lang trong", nơi họ có rất nhiều lựa chọn chuyền bóng.
Việc các trung vệ luôn sẵn sàng dâng lên cũng giúp Việt Nam giải quyết được một vấn đề quan trọng. Do hàng thủ thường chơi gần khung thành, trong khi hàng tiền vệ thường chọn đứng ở gần vạch giữa sân để gây sức ép theo mid-block (giữa sân), khoảng cách giữa tuyến hậu vệ và tuyến tiền vệ thường khá lớn. Để đối phương không thể khai thác được khoảng trống này, hoặc các tiền vệ phải lùi về thật nhanh, hoặc các trung vệ phải dâng lên thật nhanh. So với việc các tiền vệ lùi về, các trung vệ rõ ràng chủ động hơn, với tầm quan sát tốt hơn, khi dâng lên.
Trong nhiều trường hợp, khi các tiền vệ trung tâm dâng lên để gây sức ép, các trung vệ cũng phải lập tức dâng lên để lấp vào khoảng trống mà họ bỏ lại. Như trong tình huống trên, khi Xuân Trường quyết định đẩy cao để gây sức ép với cầu thủ có bóng của đối phương, Quế Ngọc Hải cũng lập tức dâng lên để sẵn sàng gây sức ép với cầu thủ đối phương, người đã lẻn vào khoảng trống mà Trường bỏ lại.
Ở AFF Cup 2018, hàng thủ ba trung vệ của Việt Nam đã hoạt động hiệu quả, phối hợp rất nhuần nhuyễn. Cả ba trung vệ, nhất là Đình Trọng, đều có rất nhiều pha cắt bóng quan trọng. Nếu hàng tiền vệ bị vượt qua, hoặc một trong các trung vệ phải dâng lên, các trung vệ còn lại luôn xuất hiệp kịp thời để bọc lót. Các HLV đối thủ tại AFF Cup 2018 đều phải thừa nhận rằng xuyên phá được hàng thủ Việt Nam là điều rất khó khăn. Thực tế cho thấy trong cả giải, đội quân của thầy Park chỉ để thua đúng một bàn từ tình huống mở, đó là ở trận bán kết lượt đi với Philippines. Các bàn thua còn lại đều là từ các tình huống cố định.
Vai trò của các wingback (cầu thủ chạy cánh)
Trong sơ đồ năm hậu vệ, hai cầu thủ chạy cánh là những người phải cáng đáng một phần việc rất lớn. Chính xác thì họ phải quản lý cả một hành lang. Nhiệm vụ cũng rất đa dạng, từ phòng ngự, tới hỗ trợ triển khai bóng, và tham gia tấn công. Trong sơ đồ 5-2-2-1 mà tuyển Việt Nam thường sử dụng ở AFF Cup 2018, do hai tiền vệ công (thường là Quang Hải và Văn Đức) luôn bó vào giữa, các wingback chính là những người chịu trách nhiệm chính trong tạo ra chiều rộng trong lối chơi.
Việc tạo ra chiều rộng cho những pha tấn công là rất quan trọng. Hãy thử tưởng tượng nếu các wingback không dâng lên. Khi đó, các hậu vệ của đối phương có thể co lại gần vòng cấm. Khoảng trống sẽ không xuất hiện. Những pha tấn công của chúng ta sẽ như đâm vào đá. Nhưng nếu các wingback chiếm được vị trí tốt, hệ thống phòng ngự của đối phương sẽ bị kéo căng. Khi đó, các khoảng trống sẽ xuất hiện nhiều hơn.
Như ở tình huống trên, việc Văn Hậu và Trọng Hoàng chiếm được những vị trí tốt ở hai cánh đã khiến hệ thống phòng ngự của Malaysia bối rối. Hậu vệ phải của họ, ví dụ, không biết nên gây sức ép với Văn Hậu hay Văn Đức. Bên cánh phải, Trọng Hoàng luôn sẵn sàng cho một tình huống chuyển hướng tấn công. Pha bóng này kết thúc với bàn thắng cho Việt Nam. Văn Hậu và Văn Đức đã phối hợp với nhau rất tốt để tấn công vào khoảng trống giữa hậu vệ biên và trung vệ của Malaysia.
Thực tế đã cho thấy những pha dâng lên của các wingback đóng vai trò quan trọng trong lối chơi tấn công và phản công của Việt Nam ở AFF Cup 2018. Bên cạnh bàn thắng vào lưới Malaysia nói trên, họ còn góp mặt trong không ít tình huống tấn công đáng chú ý khác. Văn Hậu là người chuyền bóng cho Anh Đức mở tỷ số ở trận lượt đi với Philippines, và cũng là người khởi xướng pha tấn công dẫn tới bàn thắng ở trận chung kết lượt về. Trọng Hoàng cũng có hai pha kiến tạo, và những pha leo biên bền bỉ của anh là một điểm nhấn trong lối chơi của Việt Nam ở giải lần này.
Vị trí wingback vốn rất kén người, vì các CLB không còn đào tạo vị trí này nữa. Cả Văn Hậu lẫn Trọng Hoàng, trên thực tế, cũng chơi trái vị trí. Nhưng cả hai đã thích nghi rất tốt, nắm rõ những yêu cầu vốn rất phức tạp của vị trí mới, và cơ bản, đã có một giải đấu thành công. Với hai cái tên kể trên, HLV Park Hang-seo có thể yên tâm về đôi cánh của Việt Nam ở vòng chung kết Asian Cup sắp tới. Tại Asiad hồi tháng 8, ông từng phải dùng cả tiền vệ phòng ngự Đức Huy ở vị trí này.
Chút bất ổn ở vị trí tiền vệ trung tâm
Việt Nam có lẽ là nhà vô địch kỳ lạ, bởi tới tận trận đấu cuối cùng, vẫn không cho thấy cặp tiền vệ trung tâm chính thức gồm những ai. Nói kỳ lạ bởi vị trí tiền vệ trung tâm luôn cần sự ổn định, không thích hợp để xoay vòng hay thử nghiệm liên tục, nhất là khi đã bước vào giải đấu. Nhưng ở AFF Cup 2018, thầy Park chỉ một lần giữ lại cặp tiền vệ trung tâm của trận trước. Và các cặp tiền vệ trung tâm được đá chính cũng hiếm khi có mặt cùng nhau khi trận đấu kết thúc.
Ông rất muốn xây dựng Xuân Trường - Quang Hải thành một cặp tiền vệ trung tâm chính thức cho Việt Nam. Ông muốn đội kiểm soát trận đấu tốt hơn. Xuân Trường có nhãn quan và khả năng điều phối tốt, Quang Hải thì giỏi xoay trở trong phạm vi hẹp, có thể tự kéo bóng lên phía trước và sở hữu những đường chuyền sát thủ. Hải và Trường cũng đã gắn bó với nhau đủ lâu, nên cũng hiểu nhau và ăn ý hơn.
Nhưng đó là mong muốn của HLV. Còn thực tế, phương án Quang Hải - Xuân Trường phá sản ngay từ đầu, dù ông Park vẫn cố níu kéo cho tới hết loạt trận thứ ba vòng bảng. Với cặp Hải - Trường, Việt Nam không thể kiểm soát, bởi đơn giản là không có bóng để mà giữ. Trường yếu trong tranh chấp, trong khi Hải thiếu ý thức vị trí của một tiền vệ trung tâm. Đó là chưa nói tới việc kéo Hải xuống quá thấp đã khiến sức sáng tạo ở gần khung thành của đội giảm đi thấy rõ.
Tìm kiếm một cặp tiền vệ trung tâm ổn định sẽ tiếp tục là một bài toán khiến ông Park đau đầu. Hùng Dũng với Đức Huy hay Đức Huy với Huy Hùng hay Huy Hùng với Hùng Dũng là những lựa chọn mang tới sự an tâm ở khả năng hỗ trợ phòng ngự. Nhưng cả ba đều thiếu khả năng điều tiết, dẫn dắt lối chơi. Ở trận chung kết lượt về với Malaysia, rất nhiều lần Việt Nam cố gắng phối hợp để làm chậm nhịp độ của trận đấu, nhưng thường không thực hiện được quá năm đường chuyền liên tục.
Thực ra, khó trách các cầu thủ ở hạn chế này. Bởi nhiệm vụ của cặp tiền vệ trung tâm trong sơ đồ năm hậu vệ là quá nặng nề, mà thường chỉ có những cầu thủ có thể lực và khả năng càn lướt phi phàm mới đảm đương nổi. Khi Chelsea của Antonio Conte vô địch Ngoại hạng Anh với sơ đồ này, họ sở hữu cặp tiền vệ trung tâm được mệnh danh là những "quái thú", với N'Golo Kante và Nemanja Matic. Đấy là những người có thừa năng lượng để vừa có thể càn quét trước mặt hàng thủ, vừa áp sát vòng cấm đối phương để hỗ trợ tấn công hoặc chống phản công. Những mẫu tiền vệ như thế trên thế giới còn hiếm, nên Việt Nam chưa có cũng là bình thường.
Do không có giải pháp tối ưu về con người, đội cần những điều chỉnh về hệ thống để thích nghi với thực tế. Đó là điều mà HLV Park Hang-seo đã làm trong các trận đấu cuối cùng. Có những điều chỉnh nhỏ trong cách ông sử dụng hai "số 10" là Quang Hải và Văn Đức. Về lý thuyết, Quang Hải và Văn Đức chơi ở những vị trí tương đương nhau, nhưng trên thực tế, họ được yêu cầu chơi theo những cách khác hẳn.
Ở tình huống trên, trong trận chung kết lượt đi với Malaysia, Văn Đức dâng lên chơi như một tiền đạo. Trong khi đó, Quang Hải lùi xuống chơi như một tiền vệ trung tâm lệch phải trong sơ đồ có ba tiền vệ trung tâm. Với cách sắp xếp này, trên lý thuyết, Việt Nam có thể kiểm soát khu trung tuyến tốt hơn, nhất là trước những đội bóng chơi với hai tiền vệ trung tâm, do có được lợi thế về quân số. Khi các cầu thủ quen với cách bố trí này, di chuyển đồng bộ và linh hoạt hơn, Việt Nam cũng có thể chuyển trạng thái hiệu quả hơn, do có nhiều cầu thủ chơi gần với trung lộ hơn.
Vấn đề trung phong
Về mặt cá nhân, lão tướng Anh Đức đã có một giải đấu vượt kỳ vọng. Ở những thời điểm quan trọng, anh đều thể hiện được kinh nghiệm và sự thính nhạy trước khung thành. Bàn thắng duy nhất ở trận chung kết lượt về đã nói lên hết những điểm mạnh của tiền đạo đang khoác áo Bình Dương. Đó là khả năng chọn vị trí, khả năng ra quyết định, và kỹ thuật dứt điểm. Ngoài ra, Anh Đức cũng thể hiện được sự năng nổ rất đáng quý với một cầu thủ đã 33 tuổi, khi sẵn sàng lùi về tận sân nhà và xoạc bóng như một trung vệ.
Nhưng về mặt lối chơi, khó có thể nói là Anh Đức đã đáp ứng được những kỳ vọng của HLV Park Hang-seo. Có thể thấy điều này ngay trong trận chung kết lượt về mà Anh Đức xứng đáng được gọi tên là người hùng. Nhiệm vụ của Đức, như đã biết, là tì đè, giữ trái bóng lại để chờ các tiền vệ dâng lên chiếm được vị trí quan trọng. Nhưng anh thường thất bại bởi những pha đỡ bóng rất nặng và khiến anh bị thất thế. Trong những tình huống hiếm hoi giữ được bóng, Anh Đức lại đưa ra các quyết định chuyền bóng không hợp lý, hoặc sai kỹ thuật.
Ngoài ra, cách chơi của Anh Đức cũng khiến cho những tình huống chuyển trạng thái của Việt Nam thiếu đi độ đột biến. Ý thức được tốc độ không phải là điểm mạnh, nên Anh Đức thường lùi xuống để nhận bóng, thay vì di chuyển ra sau lưng hàng thủ đối phương. Cách chơi này của Đức khiến Việt Nam nhiều lần bị lỡ nhịp khi phản công. Không ít lần Quang Hải định thực hiện một đường chuyền nhanh, nhưng khi ngước lên không thấy Anh Đức di chuyển lại phải quay về tìm lựa chọn khác.
Người phù hợp nhất với cách chơi này là Đức Chinh. Trong trận lượt đi với Malaysia, cầu thủ đang khoác áo Đà Nẵng đã không ít lần khiến hàng thủ đối phương khốn đốn với những pha di chuyển thông minh. Đó cũng là trận đấu hay nhất của Quang Hải. Một mình tiền vệ thuộc biên chế Hà Nội tạo ra tới năm cơ hội ăn bàn rõ rệt. Các pha di chuyển lôi kéo của Đức Chinh đã mở ra nhiều khoảng trống cho Quang Hải hoạt động. Và rõ ràng, Quang Hải thích chơi với các tiền đạo di chuyển xa mình hơn là những người di chuyển lại gần mình.
Vị trí tiền đạo, vì thế, cũng là một cơn đau đầu của HLV Park Hang-seo. Người có phẩm chất săn bàn lại không phù hợp với lối chơi mà ông mong muốn xây dựng. Người phù hợp thì lại thiếu sự thính nhạy trước khung thành. Thầy Park sẽ càng đau đầu hơn khi ở Asian Cup sắp tới, Việt Nam sẽ phải đối đầu với những đội bóng có thể hình và thể lực vượt trội (Iraq và Iran). Khi đó, chút ưu thế về hình thể của Anh Đức sẽ không còn nữa.
Việt Nam đã vô địch AFF Cup 2018 một cách xứng đáng. Lối chơi chắc chắn dựa trên hàng phòng ngự năm người linh hoạt là một thách thức quá tầm với các đội bóng trong khu vực, điều mà ngay cả một HLV lão làng ở đẳng cấp thế giới như Sven-Goran Eriksson cũng phải thừa nhận. Nhưng HLV Park Hang-seo và các cộng sự chắc chắn ý thức được rằng Việt Nam không thể dừng lại ở đây. Việt Nam cần phải hướng tới những sân chơi lớn hơn. Và bởi thế, họ biết rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm.