(Baonghean)Các bậc cha mẹ vẫn thường có thói quen thoa một lượng nhỏ phấn rôm lên cơ thể bé yêu sau khi tắm để hút ẩm và tạo mùi thơm hấp dẫn bé. Sử dụng phấn rôm cho bé yêu có thực sự có lợi như bạn tưởng?

Lợi bất cập hại…

Phấn rôm có chứa những chất hóa học là thủ phạm gây nên những rắc rối với đường hô hấp của trẻ nhỏ. Không ít bậc cha mẹ còn cho rằng phấn rôm chống hăm rất hiệu quả, nhưng xét về góc độ y khoa thì hiện nay chưa có bất cứ bằng chứng nào khẳng định điều này.

Vậy nên bạn không nên thoa lên cơ thể bé một lớp phấn rôm sau khi tắm mà thay vào đó hãy dùng khăn khô, vải mềm thấm nhẹ cũng có thể đạt được hiệu quả tương tự như phấn rôm mà không phải lo lắng đến những tác động xấu như phấn rôm gây ra.

Lựa chọn và sử dụng phấn rôm

Nếu bạn muốn sử dụng phấn rôm cho bé đúng cách để hạn chế đến mức tối đa những tác động xấu của nó thì nên tuân theo những nguyên tắc sau đây:

Nên chọn loại phấn rôm được sản xuất bởi các hãng nổi tiếng, đã qua kiểm nghiệm để giảm nguy cơ làn da bé bị dị ứng.

Đừng quên đọc hạn sử dụng và hướng dẫn cách dùng trước khi mua sản phẩm.

Không nên đưa phấn lên gần mặt của bé vì bé sẽ rất dễ hít phải bụi phấn.

Không nên thoa trực tiếp phấn rôm lên cơ thể bé – đây là một thói quen tai hại các bậc cha mẹ hay mắc phải, thay vào đó bạn hãy đổ một ít phấn rôm lên tay và thoa đều lên tã của trẻ.

Chỉ nên dùng phấn rôm cho vùng mông hoặc lưng của bé, không nên dùng ở phần cơ quan sinh dục hay cổ, vì vị trí này gần mũi và miệng của bé, là nguyên nhân khiến cho bé dễ hít phải bột phấn.

Tuyệt đối không dùng phấn rôm nếu như da bé có những biểu hiện như tấy đỏ, mẩn ngứa hay trong trường hợp da bé đang bị tổn thương, điều này sẽ tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng da.

Không nên để bé chơi đùa cùng phấn rôm vì sẽ rất nguy hiểm và độc hại, thậm chí có thể khiến bé bị ngộ độc. Vậy nên các bậc cha mẹ cần chú ý để xa tầm tay bé phấn rôm nói riêng cũng như những đồ dùng nói chung tiềm ẩn nguy cơ xấu đối với con em mình.

Thu Thảo (tổng hợp)