​Phần Lan chỉ nhận 10% số hồ sơ xin học sư phạm. Thí sinh sau đó còn phải trải qua nhiều vòng “thử thách” nên không sai khi nói ở nước này “học nghề giáo khó hơn nghề y”.

images1975593_ph_n_lan___h_c_ngh__gi_o_kh__h_n_ngh__y___598f934165dc3.jpgMô hình giáo dục Phần Lan luôn là hình mẫu mơ ước của nhiều quốc gia - Ảnh: finland.fi

Mô hình giáo dục Phần Lan luôn là hình mẫu đáng mơ ước của nhiều quốc gia. Học sinh đất nước Bắc Âu 5,5 triệu dân này cũng luôn đạt thứ hạng cao trong bài thi đánh giá năng lực học sinh quốc tế PISA.

“Bí mật đằng sau thành công này chính là người thầy, những người giáo viên được đào tạo cực kỳ chuyên nghiệp” - nhà sư phạm Phần Lan Pasi Sahlberg, tác giả quyển sách Bài học Phần Lan 2.0 (đã xuất bản ở Việt Nam), nói với Đài ABC (Úc) trong một cuộc phỏng vấn.

Đặc điểm của hệ thống giáo dục Phần Lan là nhà trường và giáo viên được trao quyền tự quyết sẽ dạy gì và như thế nào, vì khung chương trình chuẩn quốc gia không ép buộc tất cả các trường phải dạy giống nhau. Giáo viên vì thế đóng vai trò rất quan trọng và việc đào tạo ngành sư phạm cũng cực kỳ gắt gao. Cụ thể ra sao?

Giáo viên quan trọng như bác sĩ

Trong một lớp học ở Phần Lan - Ảnh: finland.fi

Hệ thống giáo dục Phần Lan gồm 1 năm mẫu giáo và 9 năm giáo dục cơ bản bắt buộc. Khi hoàn tất 9 năm này, học sinh có thể chọn học tiếp ba năm chuyển tiếp từ bậc giáo dục cơ bản lên đại học (gọi là General Secondary School) theo hướng học chữ hoặc học nghề. 

Sau khi hoàn tất đủ chương trình 12 năm, học sinh có thể tiếp tục các chương trình giáo dục bậc cao (đại học, thạc sĩ, tiến sĩ).

Ông Sahlberg cho rằng hệ thống đào tạo giáo viên cho bậc cơ sở (lớp 1-9) ở Phần Lan vào loại cạnh tranh nhất thế giới với tỉ lệ chọi luôn là 1/10. “Chúng tôi chỉ nhận 10% số hồ sơ xin học sư phạm và điều này khiến việc đậu vào trường đào tạo giáo viên ở Phần Lan là cực kỳ khó” - chuyên gia giáo dục giải thích.

Đầu vào khó đồng nghĩa các trường luôn nhận được sinh viên chất lượng cao, và cuối cùng, “sản phẩm ra lò” cũng là các giáo viên xuất sắc, giỏi nghề.

Khi được ABC hỏi giữa học ngành dạy học ở đại học với nghề y hay luật, cái nào khó hơn, ông Sahlberg cho rằng nếu xét tỉ số sinh viên nộp đơn so với số được nhận, có thể nói “học nghề giáo khó hơn nghề y”.

“Học sinh chí ít phải có điểm trung bình phổ thông cao tương đương để được nhận vào ngành sư phạm so với ngành y” - ông nói thêm.

Tháng 6-2015, báo The Guardian (Anh) có bài viết lý giải vì sao giáo viên Phần Lan khác biệt so với đồng nghiệp các nước với ba nguyên nhân chính: thầy cô giáo ở Phần Lan “được đào tạo chuyên sâu, được kính trọng và tự do (học thuật)”.

Bài viết dẫn ví dụ trường đào tạo giáo viên Viikki ở thủ đô Helsinki, nơi sinh viên theo chương trình thạc sĩ 5 năm sẽ được thực tập thực tế ở trường học với học sinh thật. Việc thực tập cho phép sinh viên thử nghiệm các lý thuyết đã học ở trường, giống như sinh viên y khoa được thực tập tại các bệnh viện trực thuộc trường đại học.

Viikki cũng tự mô tả mình như là “phòng thí nghiệm cho sinh viên sư phạm”, trong khi hiệu trưởng, ông Kimmo Koskinen, cho biết “điều này cho thấy chúng tôi tôn trọng nghề giáo đến mức nào - đào tạo giáo viên cũng quan trọng như đào tạo bác sĩ vậy”.

Đầu vào gắt gao, đào tạo khoa học

Tháng 9-2010, chuyên gia Sahlberg cũng viết một bài báo ngắn cho Trung tâm Chính sách Cơ hội trong Giáo dục (ĐH Stanford, Mỹ), giải thích rõ hơn về cách tuyển sinh ngành sư phạm cũng như yêu cầu đặt ra cho những ai muốn theo nghề “gõ đầu trẻ” ở Phần Lan.

Theo đó, ngoại trừ nhà trẻ và mẫu giáo chỉ yêu cầu giáo viên có bằng cử nhân, tất cả các bậc học từ lớp 1-12 đều yêu cầu giáo viên có bằng thạc sĩ mới được tuyển dụng chính thức. Chương trình đào tạo giáo viên ở các trường đại học Phần Lan kéo dài năm năm gồm 3 năm cử nhân và 2 năm thạc sĩ.

“Trở thành giáo viên dạy phổ thông cơ sở ở Phần Lan là quá trình cực kỳ cạnh tranh và chỉ có những người giỏi và thông minh nhất mới có thể thực hiện được ước mơ nghề nghiệp này” - ông Sahlberg viết trong bài nghiên cứu ở ĐH Stanford.

Theo đó, cứ mỗi mùa xuân, hàng ngàn học sinh đã tốt nghiệp phổ thông sẽ nộp đơn vào khoa đào tạo giáo viên ở 8 trường đại học khắp Phần Lan.

“Thông thường, tốt nghiệp phổ thông và thi đậu bài đầu vào là chưa đủ, thí sinh cần phải có điểm cao và các kỹ năng giao tiếp và ứng xử xuất sắc - ông Sahlberg nhấn mạnh. "Mỗi năm cứ 10 người nộp đơn thì chỉ có 1 người được nhận vào ngành đào tạo giáo viên”.

Sau khi đáp ứng “vòng 1” gồm thi cử và xét điểm số, hồ sơ, thí sinh nộp đơn vào ngành sư phạm còn phải trải qua vòng thử thách kế tiếp: viết bài luận về một cuốn sách sư phạm được chỉ định và “thi ứng xử” trong môi trường giả định một lớp học để kiểm tra các kỹ năng cần thiết cho nghề giáo.

Cuối cùng, những thí sinh xuất sắc nhất sẽ đi tiếp vào vòng phỏng vấn, nơi họ phải giải thích vì sao lại muốn trở thành giáo viên.

Phần Lan quy định giáo viên cấp cơ sở (9 năm) phải chọn chuyên ngành giáo dục ở bậc đại học; nếu muốn dạy cao hơn thì phải chọn chuyên ngành là môn cụ thể (ví dụ toán, ngôn ngữ…) và học nghiệp vụ sư phạm tương ứng với môn chuyên đó.

“Bằng đại học ngành sư phạm là con đường duy nhất để làm giáo viên ở Phần Lan bởi nó cũng đồng thời là thẻ hành nghề giáo” - Sahlberg  giải thích.

Đậu vào trường sư phạm ở Phần Lan đã khó, việc học còn khó hơn. Ông Sahlberg cho biết đào tạo giáo viên ở quốc gia Bắc Âu này theo hướng dựa trên nghiên cứu, nghĩa là các phương pháp giảng dạy phải dựa trên cơ sở khoa học và tập trung vào quá trình tư duy và kỹ năng nhận thức để phục vụ việc nghiên cứu.

Chương trình đào tạo cũng đa dạng và đảm bảo người giáo viên “mới ra ràng” cũng có thể cân bằng giữa lý thuyết và thực tế.

Lương không cao vẫn thu hút

Tại Phần Lan, nghề giáo là một nghề cao quý, đáng trọng vọng - Ảnh: euroviews

Theo chuyên gia Sahlberg, người Phần Lan xem giáo viên là một nghề cao quý, đáng trọng vọng như bác sĩ, luật sư hay kinh tế gia. 

Những người theo nghề giáo được xem là không phải vì đam mê vật chất và “lương bổng không phải là lý do chính để người trẻ chọn nghề gõ đầu trẻ ở Phần Lan”. Theo ông Sahlberg, lương giáo viên chỉ tương đương mức lương trung bình của cả nước.

Theo số liệu mới nhất (năm 2014) của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế), giáo viên Phần Lan kiếm được 42.810 USD mỗi năm.

“Điều quan trọng hơn lương bổng là uy tín xã hội cao, quyền tự quyết trong nghề nghiệp và đặc tính truyền thống của nghề giáo là phụng sự xã hội và con người” - Sahlberg viết.

Theo Guardian, dù lương giáo viên Phần Lan không thuộc hàng cao nhất thế giới, nhưng tiền chi cho giáo dục “hiệu quả đến từng đồng” khi “giáo viên dù nhận lương tương đối và phải dạy lớp đông học sinh, nhưng các em luôn đạt điểm cao trong bài thi PISA”.

Guardian dẫn kết quả so sánh giữa chi tiêu cho giáo dục của các chính phủ và kết quả thi PISA của 30 nước OECD năm 2015 cho thấy Phần Lan đứng nhất về hiệu quả của ngân sách dành cho giáo dục, theo sau là Hàn Quốc, Cộng hòa Czech và Hungary.

Theo TTO

TIN LIÊN QUAN