Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối và yêu cầu chấm dứt các hành động xâm phạm chủ quyền quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang tiến hành, như mời thầu dầu khí, huấn luyện bắn đạn thật và tổ chức đua thuyền buồm.
Thời gian gần đây, Trung Quốc tiếp tục có các hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Công ty Dầu khí Ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) tiến hành mời thầu dầu khí 19 lô ở khu vực phía bắc Biển Đông trong đó có lô 65/24, cách đảo Cây (Tree Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 1 hải lý
Ngày 2/3, biên đội tàu hộ vệ 11 của Trung Quốc tiến hành huấn luyện bắn đạn thật ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. 5 ngày sau, tại kỳ họp thứ 5 Chính hiệp khóa XI, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Trung Quốc đã phát biểu về việc Tổng cục Du lịch Trung Quốc và chính quyền tỉnh Hải Nam đang hợp tác để mở rộng hoạt động du lịch tại quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 12/3, trên “Diễn đàn cường quốc” của mạng Nhân dân, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Cục trưởng Cục văn vật quốc gia Trung Quốc cho biết trong giai đoạn Quy hoạch 5 năm lần thứ 12, Trung Quốc sẽ xây dựng trung tâm khảo cổ dưới đáy “Nam Hải” (Biển Đông) và trạm công tác “Tây Sa” (Hoàng Sa). Chính quyền tỉnh Hải Nam sẽ tổ chức cuộc đua thuyền buồm Cúp Ty Nam từ Tam Á đến quần đảo Hoàng Sa vào ngày 28/3/2012.
Trước những hoạt động trên của phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị hôm nay nêu rõ: "Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Những hoạt động nêu trên của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa".
Theo ông Nghị, các hoạt động của phía Trung Quốc còn vi phạm luật pháp quốc tế, trái với tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, cũng như không có lợi cho việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc.
"Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông", thông cáo hôm nay của Bộ Ngoại giao Việt Nam trích lời ông Nghị.
Giữa năm ngoái, vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nóng lên với các vụ tàu Trung Quốc cắt cáp của tàu khảo sát địa chấn Việt Nam hay tàu Trung Quốc va chạm với các tàu của Philippines. Tình hình dần lắng dịu, đặc biệt sau các hội nghị giữa ASEAN và Trung Quốc hồi tháng 7/2011 tại Bali, Indonesia.
Tháng 10/2011, nhân chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam và Trung Quốc đã đã ký thỏa thuận nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển gồm 6 điểm, trong đó có việc thiết lập đường dây nóng cấp chính phủ để kịp thời trao đổi và xử lý thông tin. Trong chuyến thăm chính thức mới đây của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tới Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc cùng khẳng định mọi bất đồng trên biển sẽ được hai bên giải quyết bằng biện pháp hòa bình.