(Baonghean) - Những năm qua, với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực làm công tác văn hóa - nghệ thuật, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An đã tích cực mở rộng quy mô, đa dạng hóa hơn các loại hình đào tạo và đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An và hướng tới mục tiêu nâng cấp thành trường đại học, Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phan Mậu Cảnh - Hiệu trưởng Nhà trường.

785011_small_85452.jpg

PV: Xin thầy cho biết những mốc son quan trọng của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An trong suốt chặng đường 45 năm xây dựng và trưởng thành?

PGS.TS Phan Mậu Cảnh: Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Nghệ An được thành lập theo Quyết định số 2296/QĐ-UB của UBND tỉnh Nghệ An vào tháng 10/1967 với tên gọi là Trường Nghiệp vụ Văn hóa - Thông tin. Sự ra đời của Nhà trường vào thời điểm này đã đáp ứng yêu cầu đào tạo những “chiến sỹ văn hoá”, với vũ khí là “tiếng hát át tiếng bom”, góp phần đắc lực vào cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc.…

Năm 1979, UBND tỉnh ký quyết định thành lập Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An trên cơ sở Trường Nghiệp vụ Văn hóa - Thông tin Nghệ An, đánh dấu sự trưởng thành của nhà trường. Năm 1994, Trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép cho đào tạo ̣9 ngành học, được UBND tỉnh nâng hạng từ trường chuyên nghiệp loại II lên trường loại I. Năm 2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định nâng cấp thành Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, đánh dấu bước phát triển mới. Chất lượng đội ngũ được nâng cao, chất lượng đào tạo nhà trường được khẳng định, quy mô loại hình đào tạo được mở rộng.
       
Năm 2012, UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An giai đoạn 2012- 2020”, trong đó nêu rõ lộ trình nâng cấp Trường thành Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch, xây dựng trường thành một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và khu vực Bắc Trung bộ.

PV: Xin thầy cho biết rõ hơn những thành tựu nổi bật nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực làm công tác văn hóa nghệ thuật của nhà trường?

PGS.TS Phan Mậu Cảnh: Khi mới thành lập, nhiệm vụ chính của trường là bồi dưỡng cán bộ văn hóa, cán bộ phong trào để kịp thời phục vụ xã hội; rồi từng bước nhà trường được giao các nhiệm vụ vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài. Từ khi trở thành trường cao đẳng, các mã ngành đào tạo ổn định: 10 mã ngành cao đẳng chính quy, 8 mã ngành cao đẳng liên thông chính quy, 6 mã ngành cao đẳng vừa làm vừa học, 5 mã ngành liên kết đào tạo trình độ đại học. Hiện nay, nhà trường mở thêm các mã ngành, các nghề đào tạo mới; chuẩn bị liên kết đào tạo giảng viên trình độ thạc sĩ ngành Mỹ thuật và Âm nhạc. Lưu lượng học sinh, sinh viên hệ cao đẳng, trung cấp chính quy tương đối ổn định khoảng 1.000 HSSV; hơn 300 học viên liên thông, liên kết đào tạo trình độ đại học; hơn 500 học sinh bồi dưỡng Năng khiếu nghệ thuật và Tin học - Ngoại ngữ; nhiều cán bộ được bồi dưỡng nghiệp vụ tại các tuyến văn hóa cơ sở…

Công tác đào tạo được đặc biệt quan tâm, trước hết là ở việc nâng cao chất lượng đào tạo, tiếp đến là mở rộng quy mô đào tạo. Chương trình giảng dạy từng bước được ổn định và đổi mới. Trên cơ sở chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy, giữ vững và đầu tư trọng điểm những ngành đã thành thương hiệu, như Sư phạm âm nhạc, Mỹ thuật, Thanh nhạc, Quản lý văn hóa, Thư viện… Nhà trường tích cực mở rộng quy mô và đa dạng hóa loại hình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội theo hướng đa ngành, đào tạo theo hướng đa cấp và đa hệ.

Công tác nghiên cứu khoa học được chú trọng. Một số cán bộ, giảng viên nhà trường tham gia trong các hội đồng khoa học cấp tỉnh, quốc gia, trong các trường đại học... với các đề tài tiêu biểu như: Nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ của dân tộc Ơ đu ở huyện Tương Dương; Nghiên cứu, bảo tồn nghề chế tác nhạc cụ khèn bè của tộc người Thái ở Nghệ An …

Các thế hệ HSSV đã qua các khóa đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện từ mái trường này, có những người thành đạt, đảm nhiệm các chức vụ quản lý như Nhạc sỹ An Thuyên - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; Nhạc sỹ Lê Xuân Hoan - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai; NSƯT Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch… Nhiều người được phong tặng các danh hiệu cao quý (NSND Hồng Lựu, NSƯT Ngọc Hà, NSƯT Hồ Thủy Kiên…) hoặc đạt các giải thưởng cao trong các kỳ hội diễn, có nhiều triển vọng, như: Ca sỹ Tiến Lâm, Phương Thanh, Vũ Thắng Lợi... Ngoài ra còn có hàng trăm cán bộ đảm nhiệm các chức vụ quản lý, hoạt động văn hóa cơ sở, các giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật ở các trung tâm, các trường phổ thông.

Ghi nhận các kết quả, thành tích trong suốt các giai đoạn vừa qua, tập thể và cá nhân Nhà trường đã được tặng thưởng: Huân chương Lao động hạng Ba,  Huân chương Lao động hạng Nhì; Bằng khen và cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Nghệ An, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An; hàng chục Huy chương Vàng, Huy chương Bạc, Huy chương Đồng  qua các kỳ hội thi, hội diễn, liên hoan và triển lãm nghệ thuật ở khu vực, quốc gia và quốc tế… Nhà trường đã có 9 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 2 giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia. Vị thế nhà trường ngày càng được khẳng định, được ghi nhận trong xã hội, trong hệ thống các trường cao đẳng, đại học ở khu vực và trong cả nước…

PV: Để hướng tới mục tiêu trở thành Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật và Du lịch Nghệ An với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực văn hoá nghệ thuật cho khu vực Bắc Trung bộ vào năm 2014-2015, xin thầy cho biết công tác chuẩn bị đội ngũ, cơ sở vật chất kỹ thuật, tiến độ thực hiện như thế nào?

PGS.TS Phan Mậu Cảnh: Đầu năm 2012, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật với mục tiêu nâng cấp Trường thành trường đại học, xây dựng nhà trường thành một cơ sở đào tạo bồi dưỡng, nghiên cứu các lĩnh vực về văn hóa nghệ thuật, thể thao và du lịch trình độ đại học; phấn đấu trở thành một trong những trung tâm đào tạo nghiên cứu của vùng Bắc Trung bộ, từng bước đạt trình độ tiên tiến của khu vực và hội nhập quốc tế (giai đoạn 2014 - 2020).

Theo đó, giai đoạn 2011-2013 và những năm tiếp theo, trường tập trung xây dựng phát triển chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên và cán bộ quản lý đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, phù hợp với ngành nghề đào tạo, đạt tiêu chuẩn về phẩm chất, trình độ đào tạo. Nhà trường phấn đấu đến năm 2013, đội ngũ giáo viên cơ bản đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT, đủ điều kiện giảng dạy ở bậc đại học; mỗi năm tăng thêm 10 biên chế cán bộ giảng viên cơ hữu theo tiến trình phát triển của nhà trường. Để nâng cao chất lượng đội ngũ, nhà trường phấn đấu nâng số cán bộ có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ từ 38% lên 50% vào năm 2013; đội ngũ giáo viên trẻ đạt 70% trình độ thạc sỹ trở lên; chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và tin học của đội ngũ cơ hữu; tạo điều kiện thuận lợi mọi mặt cho cán bộ, giảng viên học tập nâng cao trình độ, cử cán bộ, nhất là cán bộ trẻ đi đào tạo trong nước và nước ngoài; có cơ chế chính sách thu hút tuyển dụng những người có chuyên môn cao, có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ; tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp loại giỏi tiếp tục đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; ưu tiên tuyển dụng cán bộ một số ngành trọng điểm, ngành mới mở; hợp tác liên kết với các cơ sở đào tạo và nghiên cứu trong và ngoài nước để cán bộ giảng viên cập nhật, tích lũy kiến thức, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ.

Về lĩnh vực đào tạo, trường phấn đấu tạo ra bước chuyển biến mới về chất lượng đào tạo, khẳng định thương hiệu các ngành đã có, phấn đấu đưa chất lượng đào tạo một số mã ngành đạt trình độ tiên tiến. Gắn kết việc đào tạo, mở mã ngành với việc phục vụ địa phương, phát huy thế mạnh, bản sắc văn hóa địa phương như dân ca, văn hóa các dân tộc thiểu số. Đổi mới công tác tuyển sinh đối với hệ đào tạo năng khiếu nghệ thuật: âm nhạc, mỹ thuật, múa. Chú trọng mở rộng quy mô tuyển sinh hệ văn hóa gồm: quản lý văn hóa, thư viện, du lịch và hệ đào tạo sư phạm âm nhạc và sư phạm mỹ thuật.

Về cơ sở vật chất, nhà trường tập trung xây dựng các phòng học, nơi làm việc, nhà ở cho sinh viên, đầu tư trang thiết bị dạy học đồng bộ, khang trang, tương đối hiện đại. Hiện Trường có tổng diện tích đất là 18 ha ở 3 cơ sở, các phòng học được trang bị khá tốt, quản lý đào tạo qua mạng, có thư viện điện tử, sân khấu mái che; nơi làm việc của các khoa, phòng tương đối rộng rãi, khá đầy đủ tiện nghi…, đủ điều kiện để xây dựng thành trường ĐH trong tương lai.

Từ những thành quả và kinh nghiệm thực tiễn trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, đặc biệt là kết quả trong những năm đổi mới vừa qua, với sự đoàn kết nhất trí, quyết tâm cao trong toàn trường, lại được sự quan tâm ủng hộ, giúp đỡ của các cấp, các ban ngành, Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An quyết tâm thực hiện tốt những mục tiêu nội dung trong Đề án đã được phê duyệt, tạo bước phát triển mới, đưa Trường tiến nhanh và vững chắc, trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu chất lượng cao, đạt trình độ tiên tiến của khu vực và hội nhập quốc tế.

PV: Xin cảm ơn thầy.


Sỹ Minh (Thực hiện)